Mới đó mà Chị Đinh Phương Anh ra đi đã một năm. Hôm nay (20 tháng 10 năm Tân Sửu), theo truyền thống người Việt, là giỗ đầu của Chị. Xin kể một kỷ niệm với Chị thay cho nén hương thắp cầu mong Chị an lạc ở cõi Vĩnh Hằng.
-
Tôi cũng xin phép nói bên lề rằng các chi tiết mà tôi kể có thể không chính xác (sự kiện, thời gian, địa điểm). Khi một tình tiết nào đó không chính xác thì anh/chị vui lòng coi như đó là hư cấu. Vào tuổi hưu, “cái nhớ cái không nhớ” được cho là bình thường. Ngược lại, nếu cái gì cũng nhớ răm rắp, đúng 100% thì rõ ràng là “rất không bình thường”!
-
Chị Phương Anh đến Bruxelles vào quãng năm 1982. Với sự giúp đỡ của Hội (Hội sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Bỉ), mà trực tiếp là anh Bảy (anh Đỗ Tấn Sỹ), chị Phương Anh được “bố trí” tại lầu 1 Hội quán 49 Emile Banning. Cùng sang đợt ấy, ngoài chị Phương Anh, còn có anh Lê Sỹ Vương Hà. Anh Hà ở lầu 3 tại 14 Guillaume Gilbert. Hội quán là nơi sinh hoạt chung của Hội. Hồi đó có lệ là cứ chiều tối thứ Bảy, anh em đến ăn tối ở Hội quán. Vì vậy, cứ khoảng một tuần một lần chúng tôi lại có dịp chuyện trò, hàn huyên. Chị Phương Anh, trong dịp đó, thường đứng ra hỗ trợ, có khi đóng vai là Master Chef. Sau khi hết vai “người đầu bếp trưởng” thì chị Phương Anh cũng lấy một tô bún như những người khác, rồi cùng ăn và trò chuyện tại các bàn nhỏ kê xung quanh. Chúng tôi thường tụm năm, tụm ba ngồi gần để nghe Chị kể chuyện. Chị Phương Anh thường kể chuyện ở trong nước. Lưu ý rằng hồi đó chưa có Internet, chưa có smartphone nên các câu chuyện “truyền miệng” với giá trị thông tin “first-hand” có sức lôi cuốn khác thường.
-
Chị Phương Anh và anh Lê Sỹ Vương Hà đều là người Hà Nội gốc. Nếu tôi nhớ không nhầm thì lúc đó nhà chị Phương Anh ở phố Tràng Tiền, còn anh Lê Sỹ Vương Hà ở phố Hàng Cân. Anh Hà đẹp trai thì chuyện đó khỏi phải bàn rồi. Chị Phương Anh lúc đó có một vẻ đẹp, tôi đành phải mượn cụm từ “con gái Hà Thành”. Ở khoảng tuổi trên 35 vào thời điểm đó (chị Phương Anh sinh năm 1944), chị có vẻ đẹp nền nã, dịu dàng nhưng không kém phần đài các và trí tuệ. Cái đẹp của con gái Hà Nội không chỉ đơn thuần qua dung mạo mà còn thể hiện qua điệu bộ đi đứng, nói năng và trang điểm rất cầu kỳ nhưng kín đáo, nhẹ nhàng. Họ có cách lựa chọn lời nói cẩn thận, tiết chế và có giọng nói từ tốn, ôn hòa.
-
Kỷ niệm mà tôi muốn kể như sau. Một hôm, hứng khởi do một sự kiện gì đó mà tôi không nhớ rõ, chị Phương Anh cùng với mấy anh em học ở Bruxelles rủ nhau đi xem phim. Mấy anh em hồi đó ở 14 Guillaume Gilbert gồm anh Lê Sỹ Vương Hà (lầu 3), anh Nguyễn Khiêm, anh Trần Quốc Trung, anh Trương Quốc Dũng, anh Nguyễn Hồng Quang (lầu 2), anh Lương Mạnh Bá, anh Lê Văn Lợi (lầu 1). Lần đó chúng tôi chọn bộ phim có tiêu đề là “Mort à Venise” (Chết ở Vơ-ni-zơ).
Cốt truyện của phim: Vào đầu thể kỷ 20, nhà soạn nhạc có tên là Gustav von Aschenbach quyết định đi nghỉ ở thành phố Vơ-ni-zơ vì lý do sức khỏe xấu đi nghiêm trọng. Ở đây, ông ta bị ám ảnh bởi vẻ đẹp tuyệt trần của một cậu bé người Ba Lan ở tuổi vị thành niên tên là Tadzio, lúc đó đang ở cùng gia đình tại khách sạn Grand Hôtel des Bains trên sông Lido. Cùng thời điểm, tại Vơ-ni-zơ đang có dịch tả, người dân rất lo sợ nhưng quan chức thành phố cố tình giấu thông tin vì sợ nếu để lộ, du khách sẽ rời thành phố.
Khi xem phim, người xem liên tục thấy quay cảnh ông Aschenbach nhìn chằm chằm chàng trai trẻ người Ba Lan mọi lúc, mọi nơi. Đỉnh điểm ở cuối phim, Aschenbach nhìn thấy Tadzio bị một cậu bé lớn tuổi đánh đập trên bãi biển. Khi được thả ra, cậu bé Tadzio đi về phía chân trời. Anh ta đột nhiên quay lại nhìn Aschenbach, rồi quay đi đối diện với mặt trời, và vươn tay tay về phía đấy. Aschenbach cũng vậy, vươn tay ra như thể để chạm tới Tadzio, và ngay lúc đó - ông ta chết vì một cơn đau tim. Một vài người nhìn thấy anh ta gục xuống ghế và báo cho nhân viên khách sạn. Họ mang xác Aschenbach đi. Hết phim.
-
Phim được dẫn dắt trên nền nhạc cổ điển. Nền nhạc chính được trích từ bản giao hưởng số 3 và số 5 của nhà soạn nhạc người Áo Gustav Mahler. Thỉnh thoảng, người xem cũng được chiêm ngưỡng các tác phẩm cổ điển khác như bản piano Für Elise của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven. Diễn tiến chầm chậm của phim cộng với nhạc nền cổ điển tạo ra cảm giác vừa lãng mạng vừa mộng mị nhưng cũng có vài điểm cao trào như phần cuối phim lúc nhân vật chính là Aschenbach lên cơn đau tim và giã từ trần thế.
-
Sau này, khi tra lại trên mạng Internet, chúng tôi biết phim này dựa theo tiểu thuyết cùng tên (tiếng Đức: Der Tod in Venedig) của nhà văn Đức Thomas Mann xuất bản lần đầu vào năm 1912. Chỉ có một thay đổi nhỏ: trong tiểu thuyết, Gustav von Aschenbach là nhà văn, còn trong phim ông này là nhà soạn nhạc.
Khi đọc các bài giới thiệu và phê bình tác phẩm của Thomas Mann mới biết rằng ý tưởng ban đầu của ông này là viết về “biến thái của đam mê” (nguyên văn trong tiếng Anh: passion as confusion and degradation) và “ám thị” (allusion). Nhà văn này còn lấy cảm hứng từ các tác phẩm, câu chuyện đời thật của đại thi hào Gớt (Johann Wolfgang von Goethe), từ tư tưởng của nhà phân tâm học người Áo là Phờ-roi (Sigmund Freud). Nói tóm lại là rất phức tạp và khó hiểu. Đôi khi, một tác phẩm hay vì nó “khó hiểu”!
-
Xem xong phim, “đoàn” chúng tôi chia thành 2 nhóm quan điểm. Lớp trẻ, gồm anh Trần Quốc Trung, anh Nguyễn Hồng Quang và tôi, cho rằng đây là phim về đề tài “đồng tính luyến ái”. Nhóm khác, đại diện là chị Phương Anh, không cho là như vậy. Chị cho rằng, đó là hình ảnh một người già, bệnh tật nhìn thấy và “mơ thấy” hình ảnh tuổi trẻ của mình. Ông già lên cơn đau tim và chết trong tuyệt vọng vì sức khỏe, tuổi trẻ đã “rời người đó và ra đi” (hình ảnh cuối phim).
-
Cũng phải đề cập đến bối cảnh lúc bấy giờ. Đề tài LGBT lúc đó gây tranh cãi, có nhiều nước liệt LGBT vào loại cấm kị. Ngay trên truyền Bỉ vào thời điểm đó, nhiều người vẫn cho rằng giới LGBT là người mắc bệnh xã hội.
-
Chúng tôi có một cuộc tranh luận nho nhỏ, chị Phương Anh, mặc dù khác quan điểm, vẫn tỏ ra rất hòa nhã, lắng nghe phản biện. Bọn trẻ chúng tôi đã học được rất nhiều từ cách ứng xử này.
-
Mới đó mà đã 39, 40 năm. Quy luật của Tạo hóa – sinh, lão, bệnh, tử – nào ai có thể tránh được. Chị Phương Anh đã thành người thiên cổ. Chỉ có các kỉ niệm êm đềm còn ở lại với thế gian.
~~~
PS. Xin phép anh/chị thông tin thêm một chi tiết, có thể nhiều anh/chị đã biết, là có mối liên kết thân thiết giữa BelUnion và gia đình Chị Phương Anh. Chị Phương Anh có cô con gái tên là Phạm Anh Thư kết hôn cùng anh Trần Hữu Quyền. Anh Trần Hữu Quyền là ai? Đó chính là em trai của anh Trần Văn Hùng, một thành viên của BelUnion, hiện đang ở Louvain-la-Neuve. Mối tơ hồng nào đã se duyên các bạn trẻ? Tôi thú thật là không biết chính xác, nhưng căn cứ theo thuyết “đoán mò có cơ sở” thì thế này: vì Chị Phương Anh quen biết toàn bộ các cư học sỹ BelUnion nên khi giao tiếp giữa người thân, bạn bè các cư học sỹ với gia đình Chị Phương Anh, các bạn trẻ đã “bén duyên”. Vậy thì có thể coi BelUnion là “bà mối” tơ duyên cho đôi bạn trẻ Anh Thư – Hữu Quyền!
Xin thông tin thêm với anh/chị một chi tiết nữa: anh Trần Hữu Quyền hiện nay là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VNPT Technology với hơn 1,000 cán bộ nhân viên, là công ty công nghệ đứng đằng sau tập đoàn VNPT. Vào năm 2019, tập đoàn VNPT có doanh thu ước tính từ 7 đến 8 tỷ USD.
➖➖➖
Thân ái & Trân trọng
LeVanLoi