Giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (16 tháng 5 Giáp Thìn)
Thưa các bạn:
Hôm nay là ngày giỗ của Đức Ông Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, ngày 16 tháng 5 năm Giáp Thìn (âm lịch). Vì vậy, mình xin phép các bạn thắp hương vái vọng đến Đức Ông.
Đức Ông sinh năm 1650 tại vùng đất nay là thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc (nay là xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình).
Nói về công trạng của của Đức Ông, các bạn có thể tham khảo trang Wikipedia tiếng Việt tại đường link:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_H%E1%BB%AFu_C%E1%BA%A3nh
Ở đây, mình chỉ xin phép nói một cách vắn tắt như sau:
◈ Bình định Chiêm Thành
Đức Ông đã giúp chúa Nguyễn Phúc Chu bình định và thành lập trấn Thuận Thành (đất Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay) vào năm 1692.
◈ Xác lập chủ quyền vùng đất mới ở Nam Bộ
Vào năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu đã cử Đức Ông vào kinh lược xứ Đồng Nai, lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay).
◈ Bình định Chân Lạp
Năm 1699, chúa Nguyễn Phúc Chu lại cử Đức Ông làm Thống binh đánh cho vua Chân Lạp phải quy hàng. Sau khi vua Chân Lạp quy hàng, trích “Nguyễn Hữu Cảnh cho thuyền ghé lại thăm nom, khích lệ dân chúng, dù Khmer, Hoa hay Việt, hãy cùng nhau gìn giữ tinh thần thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau. Những hành động khoan hòa, thiết thực, những cử chỉ ưu ái thật lòng của ông đã làm cho đồng bào vô cùng cảm mến”. Có thể nói Đức Ông là người khai phá ra cả vùng miền Tây Nam Bộ ngày nay.
-
Sau khi Đức Ông qua đời (năm 1700), nhà Nguyễn đã truy phong công trạng của Đức Ông với sự đánh giá rất cao. Đức Ông được coi là “Thượng đẳng thần”, là “Khai quốc công thần”.
Ngày mất
Chính sử chép ông mất ngày 16/5, song tiểu sử Nguyễn Hữu Cảnh trưng bày trong các đình ở An Giang đều ghi là 10/5. Toàn vùng Tây Nam Bộ đều làm lễ giỗ ông vào ngày này, có thể kể đến Đình Châu Phú, Bình Thủy, Tham Buông, Long Kiến, Mỹ Phước, ... Trong khi đó Đồng Nai lại giỗ Đức Ông ngày 16/5, có lẽ kỷ niệm ngày quàn linh cữu. Theo như mình đã tra cứu nhiều tài liệu thì hiện nay mọi người đều thống nhất lấy ngày 16 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ chính thức của Đức Ông.
-
Phần ảnh:

Ảnh 1:
Chân dung Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại dinh Ông thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới, An Giang.
Credit: Wikipedia
|

Ảnh 2:
- Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (còn gọi là Đình Bình Kính) thuộc địa phận xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố). Là di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng ngày 25/3/1990. Nơi đây, nhân dân Biên Hòa thờ vị khai quốc công thần Nguyễn Hữu Cảnh – một danh nhân có nhiều công lao với đất nước trong việc mở mang, chấn chỉnh bờ cõi phía Nam Tổ quốc. Ngôi đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỳ XVIII, tức khoảng sau thời gian Nguyễn Hữu Cảnh mất (1700). Trước đây, di tích là một “miếu võ trang nghiêm” và được các triều vua Nguyễn quan tâm. Khi Gia Long lên ngôi đã cho trùng tu, cắt cử 10 phu trông coi, hằng năm đều xuất quỹ công tế lễ vào ngày giỗ. Đến năm 1851, triều Tự Đức cấp 100 quan tiền để di dời, sửa chữa và vào năm 1923, 1960 đền được tái thiết. Kiến trúc nội thất của di tích còn được bảo lưu với những hàng cột lớn và nhiều hoành phi đại tự. Đặc biệt, các bàn hương án, nghệ thuật chạm khắc với bao đề tài dân gian sinh động. Tại dinh còn lưu giữ bộ áo mão, tương truyền của đức ông thuở sinh thời.
- Mặt đền nhìn ra sông Đồng Nai theo hướng tây nam, sân đền rộng. Mặt trước đền có gắn đôi rồng chầu pháp làm bằng gốm men xanh, hai bên là cặp lân. Hàng cột mặt tiền đắp rồng cuốn mây có đôi liễn chữ nho khắc chìm vào tuờng.
- Năm 1998, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đã xây dựng nhà bia ghi lại lịch sử 300 năm của vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai trong khuôn viên của đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Ngày 16/05 và ngày 11/01 âm lịch hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và tưởng nhớ đế công đức to lớn của bậc tiền nhân có công khẩn hoang, xác lập nền hành chính tại vùng đất phương nam.
Credit: Wikipedia
|

Ảnh 3:
Bên trong đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Đền thờ có tượng của ông, và 2 bên 2 câu đối:
Di dân lập nghiệp ngũ Quảng miền Trung muôn thuở vẫn không quên
Mở rộng biên thùy lục tỉnh phương Nam ngàn đời còn ghi nhớ.
Credit: vnexpress.net
|

Ảnh 04:
Bia mộ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được tạc bằng đá xanh (cẩm thạch) với kiểu dáng thường gặp ở cuối triều Nguyễn. Bia cao cả chân 1,2m. Mặt trước của bia hướng về ngôi mộ có khắc 3 dòng chữ Hán được dịch là:
Dòng phải: Người mở mang đầu tiên miền Nam bậc khai quốc thần thượng cấp của triều Nguyễn.
Dòng giữa: Mộ của Vĩnh an hầu Nguyễn Hữu Kính.
Dòng trái: Người cháu 4 đời của quý hương là quan cai quản đạo quân hưng nghĩa Ngũ Đức Hầu Nguyễn Hữu Mạn lập bia mộ vào thời Gia Long sơ niên.
Mặt sau bia dịch là: Ngày 16 tháng 7 năm 1925 Nguyễn Hữu Bài viện trưởng Viện cơ mật, Đại thần thái tử thái phó, Phúc môn bá Đại học sĩ điện Võ Hiện đã mang con là Thị Dương tôn kính phụng lập bia mộ này.
-
Nhờ tấm bia mộ này mà con cháu và các học giả mới nhận ra ngôi mộ của ông sau thời gian dài thất lạc.
Credit: vnexpress.net
|

Ảnh 5:
Lăng mộ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Credit: Wikipedia
|

Ảnh 6:
Văn bia tưởng nhớ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
-
- Sáng 3/7/2023 (tức 16/5 Quý Mão – đúng ngày giỗ), Ban quản lý Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, UBND TP Thủ Đức (TPHCM) phối hợp tổ chức lễ giỗ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh lần thứ 323 (1700 - 2023) và lễ công bố nội dung văn bia Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
- Lễ giỗ và công bố văn bia có sự tham gia của ông Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TPHCM, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TPCHM, cùng các lãnh đạo và nguyên lãnh đạo TPHCM. Ông Nguyễn Hữu Thắng - hậu duệ đời thứ 11 của Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cũng có mặt tham dự.
- Văn bia được đặt trong khuôn viên đền thờ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (TP Thủ Đức).
Credit: Báo Dân Trí
|