-
Báo cáo với cả xóm Facebook là trước đây khi chưa có đại dịch Covid-19 thì năm nào gia đình mình cũng thu xếp về quê. Năm nay (2022), đã lâu rồi, kể từ năm 2019, thấy đại dịch có vẻ tàm tạm lắng xuống nên “Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê.” (Truyện Kiều – Nguyễn Du).
-
À, suýt nữa quên: quê mình là Lệ Thủy, Quảng Bình bạn nhé. Có thể nói Quảng Bình là vùng quê nghèo, đất đai cằn cỗi, khí hậu khô, nóng. Quảng Bình rất dễ nhận dạng thôi, bạn chỉ cần nhớ 3 từ khóa sau:
* Nghèo: Từ Hà Tĩnh khi bạn vượt “Đèo Ngang” là đến Quảng Bình. Dân Quảng Bình hay nói lái, nên nói lái “Đèo Ngang” là thành “Đang Nghèo”.
* Đất đai cằn cỗi: dân tứ xứ khi đến Quảng Bình hay nói cụm từ: “Chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
* Khí hậu khô, nóng: khắc họa bởi câu thơ: “Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” (Mẹ Suốt – Tố Hữu).
-
Năm nào cũng về quê thì sao lại có thể gọi là “du lịch” được? Có thể ai đó sẽ chất vấn như vậy. Ấy thế mà đó là sự thật, ít nhất là đối với gia đình mình. Để thấy tính hấp dẫn của chuyến du lịch ở quê, xin kể một chi tiết nhỏ. Mình thì đã hưu mấy năm rồi, nhưng vợ và con vẫn đang đi làm. Trong kế hoạch về quê lần này, phải đến trưa thứ Tư 27/7/2022 mới xuất hành. Ấy thế nhưng cả vợ và con đều nghỉ từ ngày thứ Ba 26/7/2022 vì “quá hồi hộp” trước chuyến đi! Giả dụ các vị ấy có đi làm thì loanh quanh cũng “chả có đầu óc đâu quan tâm đến cái khác”. Thế là cả nhà ngồi đếm ngược, chờ cho đến giờ G!
➖➖➖
#① Chuyến bay VN1591 ngày 27/7/2022. Đó là chuyến bay đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid bùng phát. Trải nghiệm đầu tiên chu du là trên chuyến bay VN1591 của Vietnam Airlines từ Hà Nội đi Đồng Hới ngày 27/7/2022. Trong rất nhiều các nghi thức, thủ tục, lần này thấy xuất hiện một cách chào khách của nhân viên hàng không có thể nói “mới mà cũ”: khoanh tay trái trước ngực, khẽ cúi chào. Trông từa tựa như trẻ em chào người lớn khi khách đến thăm nhà. Cách chào này không giống người Nhật hay người Hàn (gập người, cúi đầu). Một cải cách “nhỏ” nhưng thể hiện một tư duy “đổi mới”: chào khách trang trọng, lễ phép nhưng vẫn giữ được “nếp xưa” của Việt Nam! (Cũng cần lưu ý với cả xóm FB rằng đây chỉ là nhận xét mang tính cá nhân của mình chứ không hề có ý “khái quát hóa” gì cả.)
-
Trong chuyến bay này, gia đình mình gặp một sự cố nho nhỏ. Khi xuống sân bay Đồng Hới, lúc chuẩn bị ra khỏi sân bay thì thằng con nhà mình phát hiện ra bị mất ví. Tâm trạng của cậu ta lúc đó khá hoảng vì trong ví ngoài một ít tiền còn có nhiều loại giấy tờ mà nếu làm lại thì rất mất thời gian. Sau khi phân tích lòng vòng một hồi … thấy cơ hội gần như duy nhất còn lại là báo cho nhân viên sân bay. Và rất may mắn là bên Vietnam Airlines và Sân bay Đồng Hới báo có tìm thấy một chiếc ví. Thế là cả nhà mình thở phào, nhẹ cả người! Các thủ tục để nhận lại cũng rất đơn giản: chỉ là chờ và xác nhận danh tính. Tổng thời gian ước khoảng 15-20 phút. Vào thời điểm như vậy, mình cảm nhận rất rõ tình cảm ấm áp và gần gũi của quê. Trân trọng cảm ơn Vietnam Airlines và Ga Sân bay Đồng Hới 🙏!
-
Đến Đồng Hới lần này, cái đập vào mắt đầu tiên là xuất hiện nhiều xe điện. Nếu các bạn đã từng đến một số nơi khác như Sầm Sơn, Cửa Lò thì xe điện xuất hiện lâu rồi nhưng ở Đồng Hới mình mới thấy lần này là lần đầu. Khi đến địa điểm sát với biển như Đồng Hới, nếu bạn đi taxi thì coi như mất đi một nửa giá trị 😊! Ngồi xe điện thoáng mát, nhìn trời nhìn đất, xem người qua lại, ngắm phố phường đèn nhấp nháy, hứng gió mát từ biển thổi vào, … đấy là bạn đang “tận hưởng” kỳ du ngoạn phố biển!
-
Đến Đồng Hới, việc đầu tiên là phải tắm biển. Lâu rồi chưa được tắm biển, hoặc là có một cảm giác “không diễn tả được bằng lời” như thế nào đó - mình cảm thấy nước biển mát hơn mọi lần?! Tắm biển ở Đồng Hới chỉ có 2 lựa chọn thôi: bãi Biển Nhật Lệ (nằm cạnh đường Trương Pháp, ngay cửa sông Nhật Lệ) hoặc bãi Bảo Ninh (bãi Bảo Ninh: nếu xuất phát từ trung tâm thành phố, bạn cần đi qua cầu Nhật Lệ; sau đó đi thẳng thêm một đoạn đường nữa sẽ tới quảng trường biển Bảo Ninh và biển cũng nằm ngay cạnh đó). Nếu bạn đã từng đến tắm biển “chân-chen-chân” ở Sầm Sơn hay ở Cửa Lò thì các bãi tắm Nhật Lệ hoặc Bảo Ninh vắng hơn nhiều. Tắm đông hay tắm thưa người, cái đó còn tùy theo gu từng người. Mình thì thích phải văng vắng một tý để khi bơi không bị “ngắm chân người khác”. Bạn có thể dễ dàng nhận ra bãi biển ở đây rất sạch, vì người ta cấm hoàn hoàn hàng rong. Bạn muốn ăn vặt hay uống một cốc nước lúc từ biển lên ư? Không có ngay ở dưới bãi tắm đâu. Trên bờ, cách bãi tắm chừng 100 mét có rất nhiều quán nước giải khát, nhưng sát bờ biển thì không có. Bãi biển sạch là một “đặc sản” của tắm biển ở Đồng Hới.
➖➖➖
#② Trang trại điện gió. Lần này, mình vô cùng ấn tượng với công trình điện gió, trước hết là về mặt du lịch. Từ cầu Quán Hàu đi vào Lệ Thủy, đập vào mắt bạn là các tua-bin điện gió. Đẹp quá! Không thể ấn tượng hơn! Mình sống từ nhỏ ở quê nên rất hiểu cái khó của vùng cát trắng ven biển: nắng nóng, cát trắng lóa mắt, làm cái gì để tạo ra được của cải vật chất? Đó luôn luôn là một câu hỏi trăn trở của dân Quảng Bình. Giờ trước mặt là các tua-bin nhè nhẹ quay, miệt mài sản xuất ra điện năng. Và tổng công suất của cánh đồng điện gió này là bao nhiêu? Là 252 MW. Mà thôi, bạn khỏi phải nhức đầu vì các con số. Chỉ cần biết rằng công suất của “trang trại điện gió” này tương đương với 60% công suất tiêu thụ điện của toàn tỉnh Quảng Bình! Sáu mươi phần trăm bạn nhé!
Tên “trang trại điện gió” rất khéo được lựa chọn. Trang trại này “nuôi trồng” tua-bin điện gió. Các tua-bin “ăn” gió và “nhả” ra điện. Trang trại này vận hành không nhả khí CO2, cũng không nhả bất cứ một loại khí độc nào. Các tua-bin quay ngày đêm không ngừng nghỉ, đem lại nguồn điện cho người dân, đem lại cảnh quan đẹp cho du lịch.
-
Lang thang trên mạng để tìm hiểu thêm về công trình này. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Điện gió B&T. “Trang trại điện gió” chia thành 2 trang trại nhỏ hơn là BT1 (thuộc huyện Quảng Ninh) và BT2 (thuộc huyện Lệ Thủy). BT1 có 26 tua-bin, BT2 có 34 tua-bin. Mỗi một “cây” điện gió có chiều cao 145m, đường kính cánh quạt 150m, công nghệ tua-bin có nguồn gốc từ Đan Mạch.
-
#Check-in: Nếu bạn tò mò cần check-in để xem mặt mũi tua-bin ra làm sao: Từ cầu Quán Hàu, xuôi về nam (đi Lệ Thủy) bạn nhớ rẽ sang đường tránh lũ (đường này chạy trên cát, trên bản đồ ký hiệu là Quốc lộ 1A). Trên đường bạn sẽ nhìn thấy hằng hà sa số các lối rẽ, chọn một tua-bin nào đó đèm đẹp để vào check-in: cảm nhận, hít hà không khí của vùng cát trắng và chụp ảnh. Nếu bạn chưa có một điểm nào tư vấn từ trước, bạn có thể theo hướng dẫn sau. Mở App Google Maps trên điện thoại thông minh của bạn, copy tọa độ sau và paste vào phần tìm kiếm: (17.29928055555556 N, 106.7551888888889 E). Đi theo chỉ dẫn của Google Maps và bạn có một điểm check-in … Đơn giản là vậy. Địa điểm này thuộc xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
➖➖➖
#③ Phố đi bộ ở Đồng Hới. Một điểm mới nữa khi về Đồng Hới lần này là có phố đi bộ. Được biết, phố đi bộ chỉ mở vào tối thứ Sáu, cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật nên gia đình mình quyết định phải có trải nghiệm ngay vào tối thứ Sáu ngày 29/7/2022. Phố đi bộ rất dễ tìm. Dọc theo bờ sông Nhật Lệ, đoạn đường Nguyễn Du kết nối với đường Trương Pháp là một chiếc cầu ngắn. Đứng ở đây hưởng gió biển lồng lộng thổi, bạn nhìn theo hướng Sông Cầu Rào (kênh Phóng Thủy) thì bên phải là phố Đồng Hải còn bên trái là Phan Bội Châu. Đó chính là 2 phố đi bộ.
Ra khỏi xe điện, nhà mình tản bộ theo phố Đồng Hải để tìm món ăn dân giã, cũng là đặc sản của Quảng Bình: cháo bánh canh. Lúc đến là quãng hơn 6 giờ chiều, phố hẵng còn vắng. Vừa ngồi xuống một bàn sát ngoài mặt đường thì được các bạn nhân viên của quán đưa ra một đĩa ram (nem), một đĩa chả lợn cuốn lá chuối. Thông thường khi đến quán ăn, chúng ta có thói quen là sẽ chờ nhà hàng đưa ra một tờ thực đơn, rồi chúng ta sẽ “order”, chọn món này, bỏ món kia, … Không, ở đây không thế đâu bạn nhé. Phố đi bộ mà – món ăn dân giã – thực đơn mặc định! Ngồi vào bàn có nghĩa là bạn đã chọn món. Một lát sau, mỗi người người chúng tôi được một bát bánh canh tổ hợp của cá lóc, tôm, thịt và sườn lợn. Cũng ngon. Đôi lúc, sự giản đơn và dân giã đem lại cho chúng ta cảm giác thú vị vì cuộc sống chỉ cần giản lược thế thôi, sao lại phải cứ phức tạp hóa nhỉ!?
-
# Breakdancing. Sau khi ăn xong, đang định tản bộ tìm một quán cà phê thì nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng gần đấy. Đến gần, mình nhận ra đó là một nhóm nhảy đường phố breakdancing. Rải một tấm vải bạt ở góc phố cạnh chân cầu nối phố Đồng Hải với Phan Bội Châu, các chàng trai, các cô gái trẻ măng (15 đến 20 tuổi) đang vui chơi, nhảy múa trên tấm hình nền có dòng chữ “Nhat Le Jam BBoy Battle” (Trận đấu giao lưu ngẫu hứng của các chàng vũ công Breakdancing bên dòng Nhật Lệ).
~
Trước khi hầu chuyện tiếp với cả xóm FB, xin có đôi lời giải thích về breakdancing (tạm dịch là khiêu vũ phá cách): biểu diễn phong cách nhảy múa đường phố đầy năng lượng kết hợp với nhào lộn, trên nền nhạc điển hình là nhạc hip-hop hoặc nhạc funk, được khởi phát bởi người da đen ở Mỹ. Sân khấu biểu diễn chỉ là một góc phố. Khán giả thường đứng, ngồi vòng tròn xung quanh xem các chàng vũ công biểu diễn.
Cách bố trí thường ở mức tối giản: các chàng trai đem đến miếng vải bạt vuông mỗi chiều 2-3 mét. Trên miếng vải bạt này thường có dòng chữ nói tên sự kiện (các chàng trai ở phố đi bộ Đồng Hới viết dòng chữ “Nhat Le Jam Bboy Battle” – xem giải thích ở trên). Xung quanh dựng khoảng 3 đèn pha, một bộ loa. Điều khiển cuộc chơi có một MC (dẫn chương trình) và một DJ (Disc jockey) điều khiển nhạc phục vụ nhóm vũ công. Ngôn ngữ MC thường dùng là tiếng Anh của người da đen ở Mỹ, âm thanh khỏe, ngôn từ mang nhiều cảm hứng, gây nhộn cho đám đông. MC và DJ hôm đó (ở phố đi bộ Đồng Hới) cũng rất điệu nghệ, mang đậm phong cách b-boying, rất vui nhộn, lôi cuốn.
~
Dạo đầu, các chàng trai thi nhau biểu diễn bằng các màn solo. Mình xem thấy khá hấp dẫn. Thể hình của các chàng trai rất đẹp: săn, gọn, dong dỏng cao, quần áo “đường phố” rộng thùng thình thích hợp cho các màn nhào lộn.
Các chàng vũ công thể hiện khá đầy đủ các phong cách (style) của breakdancing:
✪ Power: các động tác xoay cù và xoay toàn thân tạo ra ảo giác mất trọng lực. Ví dụ về power: quay đầu, quay lưng, cối xay gió, pháo sáng, đường bay / pháo sáng, búa khoan, dế, rùa, lướt tay, quầng sáng và xoay khuỷu tay.
✪ Abstract: phong cách các thế chân "xâu chuỗi", chuyển động tự do theo nhịp beat, điệu nhảy biểu diễn và phong cách "xiếc" …
✪ Blow-up: bao gồm việc thực hiện một chuỗi các kết hợp thủ thuật khó liên tiếp càng nhanh càng tốt để "đánh bại" hoặc vượt qua sự điêu luyện của màn trình diễn của người chơi khác: nhào lộn trên không, lưng rỗng, nhật thực, quay đảo ngược, …
✪ Flavor: phong cách dựa vào nhảy rock, căn trên nền nhạc, ít yếu tố phá cách.
-
Sau màn dạo đầu ấn tượng, các chàng trai bốc thăm thi đấu theo cặp. Các cặp đăng ký thi nhảy theo một phong cách nào đó (cái này giới breakdancing rất thạo nhưng người viết bài này chả biết gì, chỉ cảm nhận thấy thế 😊).
Trước mỗi màn thi đấu, MC giới thiệu tên nghệ danh, xuất xứ của cặp vũ công thi đấu.
Tùy theo phong cách đã chọn, DJ “bật” nhạc tương ứng. MC thỉnh thoảng “phụ họa” góp phần làm cho không khí thi đấu thêm sôi động.
Vũ công thách đấu thường “xướng” màn trình diễn, “phô trương” các màn khó thực hiện. Vũ công đối kháng sau đó “đáp trả” bằng các động tác điêu luyện. Các pha hay thường được khán giả xung quanh vỗ tay tán thưởng.
-
Sau vòng đấu của các b-boying (các chàng trai nhảy breakdancing) là đến lượt biểu diễn của các b-girling (các cô gái nhảy breakdancing). Các cô gái nhỏ nhắn, cân đối, trang phục đen, hở bụng, thao tác khiêu vũ rất mạnh mẽ nhưng không kém phần nhuần nhuyễn, yểu điệu.
-
Màn biểu diễn của các b-boys và b-girls kéo dài khoảng hơn 2 giờ đồng hồ làm rộn ràng cả một góc phố. Hôm đó gia đình mình gặp may chứ mấy hôm sau (thứ Bảy và Chủ nhật) nhóm này kéo đi biểu diễn nơi khác. Lạ là một xứ “xa xôi” như Đồng Hới lại có một nhóm nhạc đường phố, phong cách biểu diễn hòa nhập với thế giới hiện đại xuất xứ từ nước Mỹ tận bên kia bán cầu. Nếu nói nhóm các bạn trẻ biểu diễn ở phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) hay phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP. HCM) thì ra một nhẽ … Đây là ở Quảng Bình! Cái lạ là ở đó!?
➖➖➖
#④ Đồng Hới – Hoành Sơn Quan. Lần này (thứ Bảy ngày 30/7/2022), gia đình mình quyết định du ngoạn vệt đường từ Đồng Hới đến cổng Hoành Sơn Quan. Đây là một cách nói ngắn gọn, chứ trên đường có nhiều điểm để ghé thăm. Sau khi tham khảo trên mạng, đọc các loại tài liệu một hồi thì mình theo cung đường: thăm Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thăm và lễ tại Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh (chân Đèo Ngang), cổng Hoành Sơn Quan (trên đỉnh Đèo Ngang), bích họa Làng Cảnh Dương và kết thúc ở Bãi Đá Nhảy.
-
#Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ Đồng Hới, gia đình mình thong thả ăn sáng rồi xuất phát vào quãng 8:30. Đích đầu tiên đến là lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã bàn giao việc quản lý, bảo vệ mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho địa phương và gia đình đảm nhiệm, nên trước khi đến dâng hương mình được hướng dẫn là cần gửi tin nhắn xin phép anh Võ Điện Biên (con trai lớn của Đại tướng) biết về tên đoàn (từ tỉnh, thành phố nào), số người, biển số xe, ngày giờ đến. Phần thủ tục này diễn ra trôi chảy, thuận lợi. Chú ý rằng muốn đến dâng hương cho Đại tướng thì đây là thủ tục cần thực hiện. Đã có rất nhiều đoàn đến không báo trước đành phải quay xe mà không được vào viếng.
-
Gia đình mình đến khu lăng mộ của Đại tướng vào quãng 9:30 - 10 giờ (xuất phát lúc 8:30). Khi xuống xe xin phép qua cổng gác, người ta nhận ra biển số xe (trước đó đã nhắn xin phép anh Võ Điện Biên) và họ cho qua ngay. Nhìn xung quanh thấy số lượng đoàn khá ít: có 2 đoàn từ các tỉnh phía Nam (mình đoán vì nghe qua giọng nói) và có một đoàn cựu chiến binh (nhìn trang phục). Khi vào thắp hương, người ta không cho đi vòng quanh mộ như mọi lần mà chỉ cho chắp tay vái ở dưới chân mộ. Người châm hương và phát cho khách là một cựu chiến binh, dáng cao cao, đội mũ phớt trong trang phục của một quân nhân. Qua giọng nói, mình đoán anh có nguồn gốc xứ Quảng, thuộc một trong các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Khi thấy đoàn cựu chiến binh phía đằng sau, gia đình mình nhanh chóng nhường lối cho họ. Mồ hôi lấm tấm trên trán, nhưng trông họ có vẻ phấn khích. Chả gì cũng là một lần đến thăm Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Khu mộ vẫn thế, không thành quách mà chỉ bao bọc bởi đất đắp và cây cỏ xanh tươi – khu mộ như hòa vào thiên nhiên đất trời. Gia đình mình quay ra chụp ảnh, thong thả ngắm nhìn cảnh quan, trông ra đảo, một không khí thật bình yên, thanh tịnh.
Khu vực Vũng Chùa Đảo Yến cách Đèo Ngang 10 km về phía Nam và cách quốc lộ 1 chỉ hơn 2 km về phía biển Đông. Khoảng cách từ thành phố Đồng Hới đến Vũng Chùa – Đảo Yến là tầm 65 km.
Chỉ cần ngước nhìn ra biển là thấy đảo Yến. Xa xa hơn một chút chúng ta thấy có Hòn La, Hòn Gió. Ba đảo Hòn La, Hòn Gió và Hòn Nồm (đảo Yến) dựng thành hình cánh quạt che Vũng Chùa. Vì có các đảo chắn gió, nên khi quan sát mặt biển chúng ta chỉ thấy các gợn sóng lăn tăn. Đảo Yến cách bờ khoảng 1km - từ Vũng Chùa ra Đảo Yến chỉ mất hơn 20 phút đi thuyền. Trên đảo không có dân ở, chỉ có vài công nhân từ Nha Trang ra đây dựng trại để khai thác yến. Mình có hỏi là liệu du khách như mình có ra được đảo Yến không? Câu trả lời là chưa.
-
# Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Quay trở lại Quốc lộ 1, đi theo hướng Bắc, đến chân Đèo Ngang là đến Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nếu bạn gốc Hà Nội, Hà Tây cũ, hẳn bạn sẽ nhận ra nét rất quen của Đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Dân miền Trung thường gọi là Miếu thờ. Miếu này thờ Công chúa Liễu Hạnh – là công chúa thứ hai của Ngọc Hoàng. Bà có 3 lần giáng trần ở Nam Định. Miếu thờ ở chân Đèo Ngang có lẽ là căn cứ theo sự tích “Trận giao chiến trên Đèo Ngang”, mình xin chép lại từ nguồn Wikipedia:
“Thời vua Lê Thái Tổ (1385-1433) trị vì. Lần ấy, Tiên Chúa đang hóa phép thành cô gái, mở quán bán cho khách bộ hành ở chân đèo Ngang. Lời đồn đại về một cô gái nhan sắc tuyệt vời bỗng đâu xuất hiện ở nơi đèo heo hút gió, làm cho mọi người hết sức ngạc nhiên. Rồi chỗ nào cũng thấy thì thào bàn tán. Chẳng mấy chốc, lời đồn đại cũng tới tận kinh đô đến tai hoàng tử sắp kế nghiệp đến tìm Tiên Chúa nhưng bị bà làm thành một kẻ ngẩn ngơ, điên điên dại dại. Cả hoàng triều bối rối, lo sợ. Tìm thầy tìm thuốc có đến cả tháng mà bệnh tình hoàng tử vẫn không thuyên giảm. Nhà vua nhờ sự giúp đỡ của tám vị Kim Cương đã lừa bắt được Tiên Chúa. Họ đưa Tiên Chúa về kinh để hỏi tội. Sau khi nghe Tiên Chúa kể lại hành vi của Hoàng tử, Nhà vua đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt, nói lời cảm tạ rồi chúc Tiên Chúa lên đường may mắn.”
-
Thời hiện hiện đại bây giờ rất khác. Đi ra khỏi Miếu thờ, nhìn sang bên phải là hầm thông Đèo Ngang. Thời xưa vượt đèo ngang là một chuyến thám hiểm đầy rủi ro nhưng ngày nay vượt đèo ngang chỉ chưa đầy 30 giây đi ô tô 😊! Trong rất nhiều cái hay của công nghệ hiện đại, có một cái không hay lắm là làm mất đi cái “lãng mạn siêu thực” của thời xưa.
-
#Hoành Sơn Quan. Từ Miếu thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gia đình mình lên cổng Hành Sơn Quan (trên Đèo Ngang) – cách Miếu thờ chỉ khoảng 4 km. Di chuyển bằng ô tô nên thời gian từ Miếu lên Cổng có cảm giác trong nháy mắt – chưa kịp yên vị thì đã đến nơi. Cổng có 2 vòm trụ song song, cao hơn 4 mét, các trụ vẫn giữ được rêu phong cũ kỹ. Cạnh cổng là lăng mộ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh (mình được giới thiệu vậy). Tại đây, gia đình mình gặp cụ bà 88 tuổi (người Hà Tĩnh), tự nguyện sống trên đỉnh cao chót vót này, hương khói cho Thánh Mẫu, gặp gỡ du khách, trò chuyện cùng với họ. Đọc trên mạng, được biết cổng Hoành Sơn Quan được xây dựng vào những năm 1833 thời Vua Minh Mạng để kiểm soát dân chúng đi qua lại nơi đây. Xa xưa hơn nữa thì đây là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành.
Tại đây, cả nhà mình đứng “nghiêm túc lãng du” chụp một vài kiểu ảnh để ghi dấu lần đầu đến đây. Dù về Quảng Bình hàng năm, lần này là lần đầu nhà mình “thưởng ngoạn” cổng trời Hoành Sơn Quan. Thế cũng có thể nói tự cảm thấy xấu hổ vì dân gốc mà ít cập nhật thông tin liên quan đến quê nhà. Xin rút kinh nghiệm sâu sắc 😊!
-
# Cung đường bích họa Làng Cảnh Dương. Rời Hoành Sơn Quan, gia đình mình lần này “quyết” đến đoạn phố bích họa ở Làng Cảnh Dương. Nghe tiếng đã lâu. Số là vào năm 2016, khi thảm họa môi trường Formosa xảy ra, dân làng Cảnh Dương không ra khơi đánh cá được. Vốn là vùng dân năng động và trong hoàn cảnh khó khăn nên họ đã “nghĩ” ra một cách làm mới: vẽ tranh bích họa để thu hút khách du lịch. Mình nghe nói toàn bộ phố bích họa chỉ có 16 bức tranh nhưng mình chụp khi đếm ra có tận 17 cái?!
Lúc đến đoạn đường bích họa, trời đã gần trưa, nắng nóng. Người ra đường trùm khăn kín mít che nắng, gia đình mình lang thang dọc cung đường, “chụp bằng hết” các bức họa trên tường. Với tay nghề “nghiệp dư ngang như cua” mình tạm thời treo vài ảnh lên status, gọi là “ảnh thật, thăm thật” chứ không phải treo ảnh trôi nổi trên mạng.
-
#Bãi Đá Nhảy. Nếu bạn theo lộ trình như nhà mình, thì khi rời làng Cảnh Dương, bụng bắt đầu “reo đói”. Không gì hơn là đi thẳng đến Bãi Đá nhảy. Bãi biển Đá Nhảy cách Thành phố Đồng Hới chỉ 26km nằm ngay quốc lộ 1A, trên cung đường “Thiên Lý Bắc Nam” giáp ranh giữa xã Thanh Trạch và Hải Trạch thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Gọi tên Đá Nhảy bởi sự đa dạng của các khối đá lớn nhỏ nhô lên trên bãi biển, khi từng con sóng vỗ bờ thì các khối đá vô tri vô giác như những con vật thi nhau nhảy chồm lên sóng biển bơi ra đại dương. Đại ý là thế - cơ bản đây là một bãi tắm vẫn còn giữ được vẻ hoang sơ, con người chưa tham gia vào việc “cải tạo, biến đổi” gì cả!
Đặc sản của Bãi Đá Nhảy: Cháo cá cam nấu với nấm. Sau khi dừng chân, bạn kịp đặt hàng một món mực luộc uống với bia lạnh. Sau màn dạo đầu đó, bạn đừng quên gọi món cháo cá. Rất đậm đà, rất tasty. Bạn sẽ cảm thấy không phí công đâu!
Khi “bụng dạ” đã được nạp đủ năng lượng, gia đình mình ckeching-in: lang thang dọc bờ biển (nếu trời mát thì có thể lội ào xuống biển tắm), đến các cột đá đứng tạo dáng một vài pô ảnh, hít hà không khí biển, …
-
Sau một ngày rong ruổi đến nhiều điểm như thế mà khi trở lại Đồng Hới chỉ mới 3:30 chiều. Vẫn còn thời gian cho nhiều hoạt động nữa, … Nhưng thôi. Lựa chọn là kiếm một góc ở chợ Đồng Hới, gọi một trái dừa tươi, thong thả nhìn người đi qua đi lại, ngắm cửa bể Nhật Lệ lúc chiều hôm …
➖➖➖
#⑤ Suối nước Moọc (31/7/2022). Về quê xoành xoạch như thế mà đến thời điểm này mình vẫn chưa có dịp đến suối nước Moọc. Sao lại thế được nhỉ? Bạn có thể chất vấn bằng câu hỏi như vậy. Đôi khi rất vô tình, chúng ta rơi vào cảnh “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (Một cõi đi về - Trịnh Công Sơn) và đến một lúc nào đó là ta phải tìm dịp đến “tắm mát ở suối quê”. Mùa hè bạn đến tắm mát ở suối nước Moọc thì không có gì mát bằng. Mát lạnh. Mát đến mê mẩn đi, không có từ nào diễn tả hết được.
-
Mẹ Thiên nhiên đã hào phóng tặng cho con dân Quảng Bình Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Xin ngàn lần cảm ơn Mẹ 🙏! Phong Nha – Kẻ Bàng chứa trong lòng nhiều bí ẩn kỳ thú mà đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa hiểu hết (và có lẽ cũng chẳng bao giờ hiểu hết được). Người dân Việt Nam ai chả biết đến Động Phong Nha, Động Thiên Đường và đặc biệt là Động Sơn Đoòng. Động Phong Nha và Động Thiên Đường thì mình đi nhiều lần rồi. Còn Động Sơn Đoòng chỉ dành cho du lịch mạo hiểm. Sẽ rất ít cơ hội cho “du lịch bình dân” như gia đình mình.
(Mở ngoặc:
Động Sơn Đoòng chính thức được phát hiện vào năm 2009. Cái tên Sơn Đoòng rất “Quảng Bình”, cái âm “Đoòng” tự nó đã nói lên một địa danh của Quảng Bình, một cách phát âm phương ngữ đặc sệt của vùng này. Nghĩa của Sơn Đoòng? “Dòng sông trên núi” và là sông ngầm trong hang núi, bạn nhé! Rất bí ẩn.
Có hấp dẫn không? Một minh chứng: sáng ngày 13/05/2015 (giờ Hoa Kỳ), cả một đội ngũ hùng hậu cùng hàng tấn thiết bị hiện đại đã được đài truyền ABC thực hiện các cảnh quay kỳ vĩ bên trong hang Sơn Đoòng, truyền hình trực tiếp từ Sơn Đoòng gửi về Mỹ!
Đóng ngoặc)
Thế còn cái tên Moọc? Lại một phương ngữ “Quảng Bình” nữa – có nghĩa là Mọc. Điểm kỳ thú là nguồn nước được “đẩy” từ lòng đất lên. Đầu nguồn nước là một cái hồ có diện tích khá khiêm tốn: 90 m2 (nếu tính hình vuông thì mỗi chiều chưa đến 10 mét). Từ hồ này, sự kỳ lạ của dòng suối: những cột nước thấp đang mọc lên ùn ùn từ lòng đất, tuôn chảy thành dòng (Suối Nước Moọc), sau đó đổ vào sông Chày. Xung quanh hồ là các vách núi dựng đứng. Áp lực để đẩy các cột nước có thể là các mạch ngầm từ các vách núi. Tuy nhiên, đó chỉ là giả thuyết. Nước suối trong xanh quanh năm, thường ở nhiệt độ xấp xỉ 20 độ C.
-
Trở lại với chuyến dã ngoại của gia đình mình đi Suối Nước Moọc. Tính từ Đồng Hới thì khoảng cách đến Suối Nước Moọc chỉ khoảng 65 cây số nên mình xuất phát lúc 9 giờ sáng. Khoảng 10 giờ hơn đã đến nơi, mua vé và vào suối tắm. Vào đây mọi thứ đều là môi trường thân thiện: không sử dụng đồ nhựa, không sử dụng xà phòng, không sử dụng chất tẩy có hóa chất. Các nhà tổ chức muốn du khách có một khoảng thời gian tách khỏi thế giới hiện đại, sống với thiên nhiên trong khoảng vài tiếng đồng hồ.
Khi lần đầu bước xuống nước suối, cảm giác là nước hơi lạnh. Nhưng sau khi xuống vẫy vùng bơi rồi thì cảm giác nước rất mát. Mình đã tắm sông, tắm hồ, tắm biển rất nhiều nơi nhưng chưa có chỗ nào gây cảm giác mát như ở Suối Nước Moọc. Có thể nói mát mê ly. Tiết trời hôm đó ở Đồng Hới khoảng 36-37 độ. Tuy vậy, khi vào suối thì khí hậu điều hòa, tán cây che ánh nắng mặt trời, khí hậu chẳng khác gì vùng ôn đới vào tiết cuối hè - đầu thu. Mình xuống hồ nước bơi rồi lại lên bờ bốn năm lần. Mỗi lần lên lại muốn xuống trở lại vì khi lên thấy tiếc cái cảm giác ngâm trong nước suối mát rượi. Suối chảy xiết như một bể thay nước liên tục nên nước rất sạch. Khi xuống bơi, bạn bắt buộc phải mặc áo phao cứu sinh. Nếu may mắn thì bạn có thể kiếm được một thuyền kayak và trổ tài chèo thuyền của mình. Hôm đó gia đình đến hơi muộn nên có mấy cái thuyền kayak đã bị chiếm hữu và vì vậy không có dịp trải nghiệm chèo thuyền kayak ở suối. Hơi tiếc.
Khi bạn bơi mệt rồi thì lên sàn nghỉ ngơi. Chỗ nghỉ ngơi cho du khách là các nhà sàn nhìn xuống suối, khách có thể tùy chọn vị trí theo ý muốn. Mỗi gia đình được phát một chiếc chiếu cói, dải ra sàn – sàn làm bằng lồ ô, tre, nứa. Mệt có thể ngả lưng hoặc ngồi nghỉ ngơi trò chuyện.
Đến bữa trưa. Sau khi vẫy vùng dưới nước, khi cơ thể thấm mệt một cách khoan khoái, là lúc chúng ta cần một món ẩm thực để bù đắp năng lượng. Hôm đó nhà mình đặt một mẹt đồ ăn hoàn toàn “thiên nhiên”: một con gà nướng (nướng bằng củi nhé), một nhúm tôm nướng (nghe nói là tôm đánh từ sông Chày), một ít xôi gấc + lạc vừng, muối ớt chanh và rau là dưa chuột và dứa (thơm: tiếng Quảng Bình). Phải nói là đậm đà. Thịt gà nướng ăn với xôi thì rất hợp rồi. Nhưng ăn sau khi bơi lội trong nước mát thì vị của nó thấm vào lưỡi gây một cảm giác “mượt”, vị thịt ngọt hơn, xôi thì bùi, ngậy – đúng là món xôi-gà hợp như “cậu với mợ” vậy.
Cạnh chiếu nhà mình hôm đó là một đoàn khoảng 10 người, nghe giọng nói thì biết chắc là người Quảng Bình, hình như là đang tổ chức họp lớp (nằm trong trào lưu chung hiện nay là “họp lớp” và “thi họa hậu” 😊). Anh trưởng đoàn là một người rất xởi lởi, vui vẻ. Vừa ngồi vào chiếu, anh đã tặng cho gia đình mình một miếng bánh tráng mè đen và một vóc “sạu” đặc sản của thị xã Ba Đồn. (Thị xã Ba Đồn nằm ở phía bắc sông Gianh thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) Lần đầu tiên mình nghe từ “sạu” này. Khi ăn thử, thì đây là một loại ngô rang trộn với một ít lạc. Món bánh đa giòn, thơm mùi vừng. Món “sạu” xốp, ngầy ngậy, ăn ngon một cách lạ thường. Nhà mình sau đó đi lùng ở Đồng Hới hai món này, cũng được giới thiệu có nguồn gốc từ Ba Đồn nhưng cảm giác là không ngon bằng. Thế mới thấy khung cảnh ẩm thực đóng vai trò quan trọng trong việc thưởng thức “món ngon” khi du ngoạn.
Sau khi nghỉ ngơi, mình đi dạo một vòng quanh suối lần theo nhịp cầu tre, dưới tán cây để nghe tiếng róc rách của nước lách qua các khe đá. Thỉnh thoảng dừng lại chụp một vài pô ảnh lưu vào sổ ảnh của điện thoại chỉ nhằm ghi dấu, lưu một trải nghiệm thú vị, …
-
#Chày Lập Farmstay. Trên đường trở về Đồng Hới, mình đã có dịp vào check-in tại khu nghỉ dưỡng có tên là Chày Lập Farmstay. Homestay thì ai cũng biết: Homestay là loại hình dịch vụ lưu trú mà khách du lịch sẽ nghỉ, ngủ tại nhà người dân bản địa, nơi mà họ đặt chân đến nhằm giúp du khách khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục tập quán, đời sống văn hóa của từng vùng miền tại địa phương đó. Thế còn Farmstay? Farmstay là từ kết hợp giữa "farm" - nông trại và "homestay" - khu lưu trú tại địa phương. Nó có nghĩa là mô hình đất trang trại được dùng để du lịch nghỉ dưỡng, phù hợp cho đối tượng nghỉ ngơi dài ngày. Farmstay hiện nay xuất hiện như một làn gió mới hấp dẫn "chiếm sóng" các loại hình du lịch nghỉ dưỡng trước đây. Tên khu nghỉ dưỡng Chày Lập là ghép tên của hai thôn: thôn Chày và thôn Lập thuộc xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Mình được anh hướng dẫn viên du lịch vẽ ra một kịch bản luxury (xa xỉ) như sau: trong chuyến đi du lịch ở Đồng Hới, gia đình hoặc nhóm du lịch của bạn “trốn” lên đây vài ngày, sống cùng thiên nhiên với một vài trải nghiệm độc đáo: có thể tự tay trồng, chăm sóc và thu hoạch những luống rau xanh mướt, cho các con vật nuôi ăn và uống nước như những người nông dân thực thụ, tối thì đạp xe (có đường dành riêng để đi xe đạp), đón bình minh hoặc ngắm hoàng hôn bên sông Chày.
-
Đến Farmstay, sau khi xin phép các anh/chị ở khu Lễ tân (Reception), mình đi vòng một lượt khu nghỉ dưỡng, chụp một vài kiểu ảnh. Khu này không phải là rộng lắm, theo quảng cáo thì diện tích chưa đến 2 ha. Từ ngoài vào: phía trước có sân bãi đỗ xe, đi vào lối chính bên phải là khu lễ tân, bên trái là hồ bơi, đi sâu vào trong là khu trang trại, lác đác một số nhà được đặt tên theo địa danh hoặc phương ngữ như nhà Chày, nhà Trằm, nhà Bàu Sen; nhà Rustic (nhà “quê”: thiết kế theo phong cách tối giản vùng quê); có cả sân bóng đá mini (cỏ của sân vẫn xanh tốt - chứng tỏ lâu rồi không có trận bóng đá nào được tổ chức); quay trở ra, quẹo sang trái thấy có khu nhà Farm – thấy bạn hướng dẫn viên du lịch giới thiệu đây là loại nhà nổi: nếu có lũ thì nhà loại này sẽ nổi theo mực nước nhờ hệ thống thùng phuy ở phía dưới (ai lại đi du lịch vào lúc có lũ nhỉ? – chắc là quảng cáo “sống chung với lũ” thôi 😊); trên lối vào phía bên phải có “Nắm tay Kong” quà tặng của đoàn làm phim bom tấn “Kong: Skull Island” (Kong: Đảo Đầu lâu); phía bể bơi đang có 2 cháu bé đang tập bơi dưới sự giám sát của phụ huynh (nghe giọng nói thì có vẻ như đây là gia đình người Anh).
Tổng thời gian check-in tại Chày Lập Farmstay chỉ khoảng chừng 15-20 phút.
---
Lúc trở lại Đồng Hới thì đồng hồ chỉ 3:30 chiều … Coi như kết thúc một chuyến “du lịch ở quê” một cách thư thái, nhẹ nhàng …
➖➖➖
Ảnh:
✪ Check-in tua-bin điện gió.

Dưới chân một tua-bin điện gió (xem bóng của tua-bin) thuộc địa phận xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình: xa xa là dãy các tua-bin điện gió nối tiếp nhau.
-
✪ Breakdancing ở Phố đi bộ:

Màn biểu diễn của một chàng b-boy: trình diễn các kỹ năng nhảy breakdancing trước đám đông khán giả đứng xung quanh.
-

B-girls: các vũ nữ breakdancing đang nhảy biểu diễn theo phong cách breakdancing.
-

Một cameraman đang quay cảnh breakdancing.
-
✪ Lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Trên lối mòn vào khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
-
✪ Hoành Sơn Quan

Dưới chân Hoành Sơn Quan.

Đèo Ngang của hơn 100 năm trước.
-
✪ Đường bích họa làng Cảnh Dương

Một bức họa thuộc đoạn đường bích họa làng Cảnh Dương.
-

Một bức họa thuộc đoạn đường bích họa làng Cảnh Dương.
-
✪ Bãi Đá Nhảy

Check-in Bãi Đá Nhảy.
-
✪ Suối Nước Moọc

Bơi ở Suối Nước Moọc.
-

Một cảnh ở Suối Nước Moọc.
-
✪ Chày Lập Farmstay

Chày Lập Farmstay: “Bàn tay Kong” thuộc phim bom tấn “Kong: Skull Island”.
-

Chày Lập Farmstay: nhà farm, nổi theo nước lũ.
-

Chày Lập Farmstay: Nhà Trằm.
-

Chày Lập Farmstay: nhà Bàu Sen (tên Đầm Sen ở xã Sen Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).
---