LeVanLoi miscellaneous articles

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2023-09-05
***
2/9/2023 “COI BƠI trực tuyến”
Tác giả: Lê Văn Lợi

Xin giải thích ngay: BƠI ở đây là “Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang” (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình – quê mình).

Nói thêm về chữ “trực tuyến”: thực chất là xem qua truyền hình trên kênh QBTV (kênh số 273 trên hệ thống cáp). Vì sao chọn từ “trực tuyến”? Bởi vì nếu nói coi trên TV thì “thường” quá, bị cho là “ông già lạc hậu với thời cuộc”. Còn có một cái lý nữa để nói từ “trực tuyến”: bên cạnh xem TV còn tương tác trên Facebook, rồi sau đó kiểm tra lại trên trang Youtube.

-

Sáng 2/9/2023 mình dậy sớm, cắt bớt thời gian đi bộ, khi quay về nhà là bật ngay TV kênh 273. Lúc đó hẵng còn sớm nên QBTV đang quay chương trình các bạn trẻ thay Avatar nhân ngày Tết Độc lập, rồi đến một đoạn clip nói về Vũng Chùa – Đảo Yến.

Khoảng 7h, thấy một cô BTV xinh đẹp đứng trên màn hình (BTV Ngọc Hà) giới thiệu về chương trình lễ hội. Ngoài chương trình phát trực tiếp trên TV, chúng ta còn có thể xem trên Youtube (https://www.youtube.com/watch?v=gSRP4igbzgo). Sống trong thế giới hiện đại kể cũng sướng, không có điều kiện về quê nhưng vẫn có thể, nói một cách văn hoa kiểu nhà quê, “tắm mình trong lễ hội”. 😊 “Tắm” là đúng vì lễ hội trên sông mà!

-

Đối với những ai không phải là người Lệ Thủy, xin nói băng qua một chút. Lệ Thủy là vùng sông nước. Cho đến tận thời mình còn nhỏ, cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, đi lại hơi xa chút là phải đi đò (thuyền). Vì sao lại như vậy?

* Thứ nhất, hồi đó xe đạp rất hiếm (kiểu như nhà nào giàu mới có), còn xe máy và ô tô hồi đó mình không có khái niệm. Vì vậy nên nếu không đi bằng đò thì chỉ còn cách là đi bộ. Mà đi bộ thì chậm hơn đi bằng đò. Đi bằng đò còn có cái tiện nữa là chỉ cần một hai người chèo là có thể chở được cả chục người cộng với đồ đạc.

* Thứ hai, hồi đó chưa có cầu, khi đi bộ muốn sang sông thì phải đi bằng đò ngang. Mà đò ngang thì không phải chỗ nào cũng có. Vậy nên đi bộ nhiều lúc rất bất tiện.

Nói hơi vòng vo như vậy để các bạn biết là Lệ Thủy là sông nước. (À, hình như nước sinh ra sự sống trong Vũ trụ. Mà các nền văn minh đều bám quanh các con sông. Vậy nên dân Lệ Thủy bám theo nước cũng là lẽ thường chứ các bạn nhỉ.)

Còn nữa. Chữ “Lệ” trong từ “Lệ Thủy” không phải là “nước mắt” đâu nhé. Nếu chúng ta tra một từ điển Hán Nôm nào đó thì chữ “Lệ” có nghĩa là xinh đẹp, mỹ lệ (秀麗). Vì vậy, có thể giải nghĩa “Lệ Thủy” là “Nước trong lành, mát ngọt”. 😊

-

Lễ hội bơi, đua thời xa xưa được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán. Sau ngày Độc Lập 1945, lễ hội này chuyển sang 2/9 dương lịch (kể từ năm 1946). Người dân Lệ Thủy xem 2/9 cũng là Tết – gọi là Tết Độc Lập. Tết là ngày hội. Dân Lệ Thủy thích sống trong lễ hội. Mà suy cho cùng thì dân nơi nào chả thích sống trong lễ hội nhỉ!?

-

Trước 2/9 vài hôm, do có thời gian nhàn rỗi nên mình mò lên mạng tìm xem kiểu bơi đua thuyền như ở Lệ Thủy có từ thời nào. Mò mãi được một bài trên tờ VnExpress nói sử sách có chép lại là từ thời vua Lý. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, chính biên, quyển 2, chép về sự kiện đời Lý Thái Tổ, năm thứ 2 (1010): “Tháng Bảy, mùa thu. Bơi thuyền thi ở sông Phú Lương (tức sông Hồng), nhà vua ngự điện Hàm Quang để xem. Suốt đời nhà Lý, việc xem bơi chải trở thành lệ thường”. Xa hơn nữa: có nhiều bằng chứng rằng hội đua thuyền ở nước ta có trên 3.000 năm. Có thể thấy điều này khi nhìn các hình được chạm khắc trên thân các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà, Quảng Xương… đều có hình những hàng người cùng chèo thuyền với động tác rất đồng đều. Các thuyền được đúc trên trống đồng đều có người cầm lái, người đánh trống đồng giữ nhịp, người chèo thuyền đều gắn lông chim trang trí trên đầu. Đầu mũi thuyền đều được tạo hình tinh xảo.

-

Rồi mình quay sang tìm xem các nước khác liệu có kiểu như ở Lệ Thủy hay không. Đọc thì biết là sử của Tàu nói kiểu đua thuyền rồng (Dragon Boat) có từ cách đây 2.500 năm cùng thời với Hy Lạp cổ đại tổ chức Olympics (nay là Thế vận hội). Xem ảnh treo trên Internet thì đò bơi thuyền rồng khá giống với đò bơi ở Lệ Thủy (hoặc mình giống họ). Người ta lập hẳn Liên đoàn thuyền rồng quốc tế (International Dragon Boat Federation). Việt Nam chưa phải là thành viên đầy đủ (Full Member), chỉ mới ở mức thành viên “thông thường, liên kết” (Ordinary & Associate Member).

-

Nói cho hết nhẽ vậy thôi chứ đua bơi ở Lệ Thủy là lễ hội chứ không phải môn thể thao chuyên nghiệp thành tích cao. Đua bơi ở Lệ Thuỷ là một phần máu thịt của người dân. Sân khấu của lễ hội là dòng sông Kiến Giang. Diễn viên (vận động viên) là người dân bình thường thôi. Họ là các trai bơi khỏe mạnh được làng (xã) chọn để đi thi (bơi). Sông Kiến Giang hẹp lại hơi ngoằn nghoèo hóa ra lại tạo thành một dạng “sân khấu” thân thiện, gần gũi với tất cả mọi người. Ai cũng cố nhao ra để “coi bơi”, để hô hào, thổi kèn, đánh trống, “khoát” nước cho trai bơi (xem video clip đã dẫn ở trên).

-

Người ta bàn tán trước 2/9 khoảng chừng hơn tháng. Mọi người đoán già đoán non là năm nay "đò" nào sẽ hay. Đóng đò (đóng thuyền bơi) là một phần quan trọng quyết định đến thắng lợi cuộc đua và vì vậy nên người đóng đò giữ bí mật đến phút chót. (Cái này thời nay dùng từ mỹ miều “bản quyền” đấy. Người xưa chưa có công cụ pháp lý nên vẫn theo kiểu dân gian là “giấu mẹo”.) Đò hay là đò đi nhẹ mà trai bơi (người bơi) không tốn nhiều sức.

-

✪ Phân hạng.

Sông Kiến Giang thì hẹp mà số đò bơi lại nhiều: 24 đò. Cái này cũng làm cho ban tổ chức đau đầu. Không thể dàn hàng ngang 24 đò cùng bơi được. Người ta phải nghĩ ra cách phân hạng. Nếu chúng ta xem Công thức 1 (Formula 1) thì họ dành hẳn ra một ngày để phân hạng: đo thời gian tính đến % giây đối với tất cả các tay đua. Sau đó đến hôm sau (ngày đua chính thức) họ xếp các xe nhanh nhất đứng ở vị trí đầu tiên, rồi đến xe nhanh thứ nhì, …

Nhưng đó là chuyên nghiệp còn đua bơi ở Lệ Thủy thì dân giã thôi, làm gì mà cầu kỳ đến thế. Ban tổ chức ở Lệ Thủy có cách làm đơn giản hơn rất nhiều:

  • Ngày 25/8 đua phân hạng bằng cách bốc thăm chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 12 đò.
  • Từng nhóm đua thi và phân hạng trong nội bộ của nhóm.
  • Hạng từ 1 đến 6 của mỗi nhóm được xếp vào bảng A. Hạng từ 7 đến 12 xếp vào bảng B.
  • Vì có 2 nhóm phân hạng nên bảng A và bảng B đều có 12 đò bơi.

Khi xem trên TV (hoặc video clip) chúng ta nghe các bình luận viên nói “Bơi nam A” hay “Bơi nam B” là nói đến nhóm các đò bơi đã được phân hạng như trên.

*Bên lề:

Đối với những người lớn tuổi, chúng ta thấy vắng mặt đò bơi của xã Hồng Thủy, là đò bơi lừng danh trong quá khứ. Khi lục tìm trên mạng, hóa ra xã Hồng Thủy tổ chức bơi riêng, cũng trên sông Kiến Giang nhưng đoạn chảy qua xã Hồng Thủy, song song với quốc lộ 1A và phá Hạc Hải. Xã Hồng Thủy tổ chức hôm 19/08/2023 (Cách mạng Tháng Tám) gồm 9 đò bơi của các thôn An Định, Mốc Định, Mốc Thượng 1, Mốc Thượng 2, Thạch Thượng 1, Thạch Thượng 2, Thạch Trung, Thạch Hạ và Đông Hải với sự góp mặt của hơn 190 trai bơi.

Kết quả:

  1. Mốc Định
  2. Đông Hải
  3. An Định

* Hết bên lề

-

✪ Đường đua.

  • Điểm xuất phát là phần khúc sông Kiến Giang ngang Chợ Tréo. Đò bơi xuất phát hướng lên phía thượng nguồn sông Kiến Giang. Xem trên bản đồ theo hướng Bắc – Nam (hạ nguồn ở phía Bắc, thượng nguồn ở phía Nam).
  • Điểm thượng tiêu là Cồn Soi (chỗ quá UBND xã Mỹ Thủy một đoạn, chưa đến cầu Mỹ Trạch – nay được đổi tên là Cầu sắt Kiến Giang). Cồn Soi là cù lao (đảo) trên sông Kiến Giang. Quy định khi trở tiêu (thượng tiêu, hạ tiêu) đò bơi phải xoay theo ngược chiều kim đồng hồ. Nói theo ngôn ngữ sông nước là “cạy chèo lái”.
  • Từ thượng tiêu đò bơi tiếp tục đi xuôi theo sông Kiến Giang, rẽ trái ở Mũi Viết, xuống điểm Hạ tiêu đoạn khúc sông hẹp gần Chợ Thùi. Khi trở Hạ tiêu, đò bơi cũng phải xoay theo ngược chiều kim đồng hồ.
  • Sau khi trở Hạ tiêu, đò bơi đi lên phía thượng nguồn.
  • Đích là chân cầu Phong Xuân (ngay phía bên phải của Mũi Viết).

Đối với những ai say mê công nghệ thì có thể dễ dàng tìm thấy điểm xuất phát, thượng tiêu, hạ tiêu bằng đưa các cụm từ khóa sau đây vào Google Maps:

  • Điểm xuất phát: Mũi Viết, Phong Thủy, Lệ Thủy, Quang Binh
  • Thượng tiêu: Cồn Soi Mỹ Thủy (Thượng Tiêu), Mỹ Thủy, Lệ Thủy, Quang Binh
  • Hạ tiêu: Điểm quay đầu (Hạ tiêu), Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quang Binh

Qua đây cũng xin cảm ơn các bạn cập nhật bản đồ Google Maps đã định vị sẵn các điểm thiết yếu liên quan, đó là Mũi Viết, Thượng tiêu và Hạ tiêu. (Tham khảo ảnh đính kèm,  trích xuất từ Google Maps.)

Đo khoảng cách trên bản đồ Google Maps thì một tao (thượng tiêu ↔ hạ tiêu) xấp xỉ 11km, một vòng (2 tao ⇄) khoảng 22km. Đường đua này dài hơn một chút so với đường đua bán marathon là 21,0975 km. Cũng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị.

[Mở ngoặc: nghe nói các cụ thời xa xưa bơi 3 vòng 6 tao. Các cụ hồi xưa dẻo dai hơn bây giờ nhiều 😊.

Đóng ngoặc]

-

✪ Xuất phát.

12 đò bơi xếp hàng ngang đoạn Chợ Tréo. Phía đuôi của mỗi đò bơi người ta chăng ngang một dây phao để đảm bảo điểm xuất phát là ngang nhau. Ngay phía sau mỗi đò bơi có một đò của ban tổ chức.  Khi có hiệu lệnh xuất phát thì dây phao này bung (buông) ra. (Không hiểu sao từ nhỏ mình cứ nghĩ từ này là “bung phao” chứ không phải “buông phao” – chắc tai mình có vấn đề 😊)

Đò hay là sau phần "buông phao" đò đấy phải chiếm ngay vị trí đầu tiên. Điểm này vô cùng quan trọng. Vì nếu chiếm được vị đầu tiên ngay từ đầu thì các đò khác khó lòng vượt qua. Nếu chúng ta ai đã chứng kiến xuất phát của đua công thức 1 (Formula 1), sẽ có cảm giác này rất rõ. Không có gì thú vị hơn xem "buông phao". (Viết đến đây mình vẫn có cảm giác hồi hộp và háo hức không thể nói thành lời. Mỗi lần chứng kiến thời khắc “buông phao” – mình cảm giác thấy được quá khứ hiện về, ngày vui lễ hội hàng trăm năm trước của lớp lớp tiền nhân hiển hiện ra trước mặt. Một luồng điện rùng mình chạy toàn thân. Mình nghĩ không chỉ riêng mình đâu, ai cũng có cảm giác như thế đấy.)

Vì tính chất quan trọng của xuất phát nên giai đoạn này các đò cạnh tranh nhau quyết liệt (lúc này các trai bơi vẫn còn sung sức).

-

✪ Trở tiêu.

"Trở đò" - quay đầu là một động tác rất quan trọng. Nếu không khéo và thiếu nhịp nhàng thì đò bơi sẽ bị chìm. Người ngồi đầu đò bơi dùng "chầm" để ngoáy nước theo kiểu như “thả neo” đò, những người bên trái mạn đò thì ngoáy chầm (cản nước), người ngồi bên phải mạn thuyền thì “bát” chầm (gạt nước để thuyền quay nhanh). Người chèo lái thì “cạy” (ngoáy nước để đuôi đò dịch sang phải), còn người chèo phách (đứng phía trước chèo lái) phải “bát” (gạt mạnh mái chèo). Đò bơi quay theo ngược chiều kim đồng hồ - vì chèo lái nằm ở phía trái đò bơi.

Khi quan sát phần quay đò ở thượng tiêu (Cồn Soi) chúng ta thấy góc quay tương đối rộng nên đò bơi quay không quá đột ngột. Người lái và chèo lái cần “lấy khút” (ôm cua) bám mép trái đò bơi sát cồn, nhưng không được sát quá vì sát quá sẽ bị mắc cạn. Các trai bơi có thể bơi ở nhịp vừa phải, không “dặt”, không “khoan”.

Hạ tiêu hoàn toàn khác. Khúc sông ở hạ tiêu rất hẹp. Ban tổ chức thiết lập điểm quay đò bằng một ụ nổi (thùng tô-nô) kích thước nhỏ, có cắm cờ báo cùng với một tổ ba bốn người báo hiệu điều khiển. Đò bơi gần như phải quay 180 độ nên người ngồi đầu cùng của đò bơi và người chèo lái phải phối hợp nhịp nhàng để đò bơi quay nhanh mà không bị chìm (hiện tượng “sa lái” – mất lái).

Khi 2 đò bơi cùng song song chuẩn bị trở tiêu thì sao? Đò bơi phía bên trái bao giờ cũng nắm lợi thế (nằm ở vòng trong của khúc cua). Đò bơi phía bên phải đành phải lựa thế theo đò bơi bên trái, tránh bị tình trạng mũi đò bơi trái chờm lên giữa thân đò bơi phải (bị “bạng”), vì như vậy đò bơi bên phải dễ bị chìm.

-

✪ Giữ nhịp.

Đây là vai của người gõ mõ. Lúc xuất phát đương nhiên nhịp phải nhanh để bứt phá (từ chuyên môn gọi là “mái dặt”. Nhưng đường trường thì nhịp phải khoan thai, đều đặn để giữ sức cho trai bơi (“mái khoan”). Song song với bắt nhịp, người này thường hát một giai điệu đơn giản nào đó nhằm động viên các trai bơi (bài hát dân gian dễ nghe – đôi khi phải dùng một số phương ngữ sexy để gây cười và giải tỏa sức ép). Trên đoạn đường trường lúc bơi, chúng ta thấy người cầm gàu tát nước hất tung nước lên trời tạo thành một đường cong parabol như pháo hoa. Nhìn từ xa thì cảnh tượng thật là ngoạn mục. Khi quay từ trên cao, chúng ta có cảm tưởng như đò bơi là một con rồng vừa bơi vừa phì phì phun nước. Người chèo lái, chèo phách, các cặp chầm nhịp nhàng giống hệt rồng trăm chân đang khua nước. Nhìn các đò bơi nối đuôi nhau chẳng khác gì các thần rồng đang vẫy vùng vui nhộn trên sông Kiến Giang.

-

✪ Khán giả.

Hồi xưa lúc mình còn nhỏ, đi “coi bơi” là đi bằng đò. Hồi đó chưa có cầu, chưa có xe đạp, chưa có xe máy. Không có TV. Chẳng có gì cả. “Coi bơi” bằng mắt thường. Khi các đò bơi gần đến nơi mình thường phải chèo ra gần luồng đò bơi sẽ đi qua. Để làm gì? Chỉ có mỗi hai việc thôi: hô và “khoát nước”.

✦ Hô thế nào? Trước khi đón đò bơi đến thường mọi người biết đó là đò bơi nào. Lấy ví dụ đò bơi “Phan Xá” thì sẽ hô “lên đi, lên đi bơi Phan Xá”. Chữ “bơi” trong câu cảm thán “Lên đi bơi Phan Xá” không có nghĩa là “bơi” đâu mà là tương tự như câu “Lên đi hỡi Phan Xá”. Sự trùng hợp về nghĩa bóng và nghĩa đen thật là thú vị. Cũng khối người nhầm tên đò bơi – thế là sau đó cãi nhau loạn xị.

✦ Khoát nước thế nào? Nữ thường lấy nón đội trên đầu làm “gáo” múc nước sông tung nước lên các trai bơi trên đò. Con trai thì lấy “gàu” tát nước hoặc vục tay xuống nước để tung lên. Nước tung lên như mưa tưới mát cho các trai bơi. Nhiều trai bơi cũng nhân đó hớp vài giọt nước. Chúng ta thường xem trên TV khi chạy trên đường đua dài người ta bố trí nhiều trạm tiếp nước. Khi khát, các vận động viên “tạt” qua trạm lấy chai nước uống một vài ngụm hoặc tưới lên người làm mát cơ thể. Trai bơi ở Lệ Thủy không có được thứ xa xỉ đó. Nhưng họ lại được “đặc ân” từ người coi bơi “khoát nước” – tiếp nước một cách dân giã mà gần gũi vô cùng. (QBTV có quay nhiều cảnh “khoát nước” đấy – không nơi nào khác có cảnh đấy đâu.)

-

Lễ hội kết thúc rồi … Nhưng “bơi” ở Lệ Thủy đi theo người dân suốt cả cuộc đời.

-

✪ Để kết thúc status, lúc đầu mình định trích xuất một số ảnh đẹp từ video trên youtube nhưng sau một hồi thì thấy hình như có bao nhiêu ảnh đi nữa cũng chả đủ để truyền tải nổi cái thần của lễ hội. Thôi đành chọn một giải pháp đơn giản hơn là nhờ phần mềm trí tuệ nhân tạo DALL·E vẽ một bức tranh theo trường phái ấn tượng về “Lễ hội bơi đua trên sông Kiến Giang”.

-

✪ Ngoài ra, mình còn nhờ ChatGPT (cũng là phần mềm trí tuệ nhân tạo) làm một bài thơ bằng tiếng Anh về lễ hội. Cả hai thứ là tranh ấn tượng và thơ đều rất khó “bình”, khó “chê”. Cũng giống như “Lễ hội bơi đua trên sông Kiến Giang”, cái để lại cho chúng ta là niềm vui, niềm hân hoan. Mà “niềm vui, niềm hân hoan” đều là các thứ ấn tượng, bảng lảng, khó có thể chính xác được.

-

Bài thơ “Lệ Thuỷ Dragon Boat Race”, tác giả ChatGPT:

~

In Vietnam's land of ancient grace,

On National Day, in vibrant chase,

Beside the Kiến Giang's gentle flow,

The Lệ Thuỷ Dragon Boat Race aglow.

 

On September's second, a special day,

When freedom's spirit finds its way,

Amidst the cheers and beating drums,

The dragon boats, like legends, come.

 

With banners bright and colors bold,

Their stories from the past retold,

The boats, like serpents on the tide,

In unity, they glide and ride.

 

Oarsmen, strong with hearts aflame,

Each rower bearing their family's name,

They pull together, as one they strive,

In honor of the lives they've thrived.

 

The drums, they echo through the air,

A rhythm that no soul can bear,

As dragons dance on water's crest,

With fervent spirits, they are blessed.

 

A spectacle of power and grace,

On Kiến Giang's river's embrace,

The Lệ Thuỷ Dragon Boat Race unfurls,

A tale of tradition, in the world.

 

The crowds, they gather, hearts elate,

To celebrate this storied fate,

A symbol of strength and unity,

On this day of pride and community.

 

Through the currents, they sail so fast,

Each moment, a memory to last,

In the Lệ Thuỷ Dragon Boat Race,

Vietnam's spirit finds its place.

 

So on this day, we come together,

In stormy weather or gentle weather,

To honor the past, the present, too,

In the dragon boats, our spirits renew.

 

In the land of Vietnam, so dear,

The dragon boats, year by year,

Keep tradition and history alive,

On Kiến Giang's river, they strive.

 

Lệ Thuỷ Dragon Boat Race, we sing,

To the rhythms of paddles, the dragon's wing,

A symbol of pride on this special day,

On Vietnam's National Day, in September's sway.

~