LeVanLoi miscellaneous articles

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2023-07-11
***
Tiến sỹ Dương Văn An và “Ô Châu cận lục”
Tác giả: Lê Văn Lợi

-

Ở Đồng Hới, phường Đồng Hải có đường Dương Văn An, một đầu vuông góc với đường Hồ Xuân Hương, một đầu vuông góc với đường Hàn Mặc Tử. Đường Dương Văn An song song với đường Nguyễn Đình Chiểu và đường Cao Bá Quát. Như vậy, xung quanh đường Dương Văn An đều là các đường phố mang tên các nhà thơ lừng danh, nhưng liệu các bạn có biết Dương Văn An là ai không? Hôm nay mình lục tìm trên Internet, trong các tàng thư nhằm để nhàn đàm và giới thiệu với các bạn về cụ Dương Văn An và tác phẩm của cụ là Ô Châu cận lục (chữ Hán là 烏州近錄).

-

Dương Văn An, tự Tĩnh Phủ, người làng Tuy Lộc, bây giờ thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Nếu xuôi dòng Kiến Giang thì Lộc Thủy nằm bên hữu ngạn (bên phải). Mình là đồng hương cùng huyện với Cụ và các bạn là đồng hương cùng tỉnh với Cụ. Nếu các bạn xuôi tiếp đến cuối xã Lộc Thủy, bạn sẽ đến làng An Xá, đó chính là làng quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cùng khóa với chúng ta (K74-77), lớp T có bạn Trần Tiến Dũng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng quê ở Lộc Thủy. Làng Tuy Lộc, còn quen gọi là Kẻ Tuy. Giáp với Kẻ Tuy là Kẻ Đợi, tức làng Đại Phúc Lộc cũ (sau này đổi là Đại Phong) và Kẻ Tiểu, tức là làng Tiểu Phúc Lộc (sau đổi là Thượng Phong). Nơi giáp với Đại Phúc Lộc, trên con hói phân ranh hai làng, có chợ Đại Phúc. Cạnh chợ còn có chùa Đại Phúc.

Cụ Dương Văn An thi đậu tiến sĩ năm Đinh Mùi (1547). Cụ là người Quảng Bình thứ hai đỗ tiến sỹ. Các bạn có thể thắc mắc sao mãi đến năm 1547 Quảng Bình mới có 2 tiến sỹ? Mình xin nhắc lại đôi nét về lịch sử hình thành vùng đất Quảng Bình.

Căn cứ theo “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim thì vua Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành bắt được vua là Chế Củ vào năm Kỷ Dậu (1069). Để chuộc tội, Chế Củ dâng cho vua Lý 3 châu là châu Địa-lý, châu Ma-linh và châu Bố-chính. Những châu ấy nay ở địa hạt tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị.

Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân sai sứ dâng chiếu cầu hôn công chúa Huyền Trân đến vua Trần Anh Tông của Đại Việt. Vua Trần bằng lòng gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân và nhận hai châu Ô và Lý mà Chế Mân đã dâng làm vật sính lễ. Nhà Trần đổi châu Ô làm Thuận Châu, và châu Lý làm Hoá Châu. Đất Thuận Hóa gồm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế ngày nay.

Như vậy, có thể nói lịch sử người Việt ở Quảng Bình mới bắt đầu khai thiên lập địa vào thế kỷ thứ 14. Chúng ta hiểu rằng Quảng Bình là một vùng đất lúc đó còn xa trung tâm chính trị và văn hóa của đất nước. Vì vậy nên đến thời của Dương Văn An đất Quảng Bình chỉ mới có 2 tiến sỹ là hoàn toàn có thể hiểu được.

-

Sau ngày thi đỗ, Dương Văn An được triều đình Mạc bổ đi làm quan. Chức quan lớn nhất của ông là Thượng thư – tương đương Bộ trưởng bây giờ (không rõ là bộ nào). Năm 1553, trong lúc đang giữ chức Lại Khoa Đô Cấp sự trung thì ở quê nhà, không rõ cha hay mẹ mất, ông phải từ Đông Kinh trở về chịu tang và theo lệ gọi là đình gian, ở nhà cho đến khi hết khó. Lúc đang chịu tang ông được đọc hai tập tài liệu của hai người đồng hương biên chép về hai phủ Tân Bình và Triệu Phong. Bởi ham thích, nên sau đó ông đã khảo cứu thêm, bổ sung và sửa chữa để làm ra sách ông đặt tên là “Ô Châu cận lục”. Các công trình nghiên cứu đều thừa nhận “Ô Châu cận lục” là tác phẩm “địa phương chí” sớm nhất của Việt Nam, ghi chép về nhiều phương diện như núi sông, thành quách, phong thổ, nhân vật...của dải đất miền Trung từ Quảng Bình trở vào đến Quảng Nam ở thế kỷ 16. Các bạn phân biệt “địa phương chí” là ghi chép về vùng miền, khác với tác phẩm “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi là cuốn "địa lý-lịch sử đầu tiên" của Việt Nam. Nhưng như thế cũng rất vĩ đại và tự hào rồi.

Nói thêm một chút về dịch cụm từ “Ô Châu cận lục”, chữ Hán là 烏州近錄. Wikipedia dịch là “ghi chép thiết yếu về châu Ô”. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Lương An thì hai chữ “cận lục” nói rõ ý đồ khiêm tốn của ông muốn giới hạn nội dung từ cuối đời Trần trở lại, chưa dám đi xa hơn vào lịch sử. Mình dùng phần mềm Google Translate dịch cụm từ chữ Hán thì được kết quả là “Hồ sơ gần đây của châu Ô”. Theo mình thì quan điểm của nhà nghiên cứu Lương An chính xác hơn.

Căn cứu theo Wikipedia thì “Ô Châu cận lục” gồm 6 quyển viết về sông, núi (quyển 1), các thứ thuế, sản vật, cây cối, loài chim, thú (quyển 2), bản đồ, địa lý, phong tục (quyển 3), thành thị (quyển 4), đền-chùa, danh lam (quyển 5), quan chế, nhân vật (quyển 6).

-

Thưa các bạn, do mình không biết chữ Hán nên mình xin trích đăng một số đoạn dịch của nhà nghiên cứu Lương An về tác phẩm này.

► Tả ngọn núi Mã Yên ở huyện Lệ Thủy:

Thế núi cao lớn, hình trạng quanh co, chỗ đứt chỗ liền, nơi nghiêng nơi đứng, trông xa tựa cái yên ngựa; có trái núi như con ngựa phi nhanh, muôn nghìn trạng thái, trăm vạn tinh thần, là ngọn núi chót vót giữa nghìn muôn núi”.

► Tả núi Hải Vân:

Chân sát lợi biển, ngọn ngất từng mây, núi chia hai đường nam bắc, mây đưa đón khách đi về…”.

► Tả ngã ba sông Hiếu và sông Thạch Hãn:

Hai nguồn Viên Kiều và Cảo Giang rót đến, vừa rộng vừa sâu, hai bờ cao thấp so le, vài bãi nông sâu rộng hẹp; cỏ thơm như nệm trải, sóng gợn tựa gấm giăng, cánh diều phản chiếu bóng chiều soi, con đò quay ngang cơn gió thổi…”.

► Tả vùng cát Đại Trường Sa (Dải cát từ cửa sông Nhật Lệ đến cửa Tùng Luật):

Đất Trường Sa hóa nhà trạm, trời đại hải làm lọng che”.

► Giới thiệu các sản vật Ô châu:

Lá trầu thơm phức, buồng cau xanh tươi,

Mơ chua là vị nấu canh, dưa ngọt là đồ thiết khách

Lúa nếp mọc ở ruộng núi, hương vị thơm tho

Củ mài mọc ở sườn non, chất vị bình đạm.

Lụa xã Cao Đôi óng ả, trông như tuyết trắng phủ đầy đường, lúa vàng Đông Dã thơm tho, coi tựa mây vàng che kín lối…”.

► Giới thiệu chim muông, thú ở Ô châu:

Xóm hoa yên tĩnh, chó mặc sức an nhàn, nội biếc bao la, trâu tha hồ béo tốt.

Hàng hàng tập trận, nhạn biết thu già; lớp lớp ngậm bùn, én mừng xuân sớm.

Nhà có tin mừng, khách kêu báo trước: nhà mới kiến dựng, sẽ đến vui chung”.

► Tả cảnh trí phủ Tân Bình:

Đất vạch Ô châu, sông tên Lệ Thủy

Non nước Minh Linh, nhân dân Khang Lộc

Châu thành riêng vùng Bố Chánh: địa giới chung phủ Tân Bình.

Tòa thành Ninh Viễn chân ngọn Trường Giang, miếu đức Văn Tuyền kề làng Lỗ Xá

Cao ngất kia dãy Hoành Sơn, mùa thu một vẻ: thanh u ấy hang Linh Động, hoa xuân bốn mùa.

Ngọn Mã Yên cao ngất, kỳ hình át tận chín tầng mây; núi Thần Đinh nguy nga; hùng khí đẻ bốn trăm châu cõi.

► Cảnh trí phủ Triệu Phong:

Dân theo giáo hóa, thời mở thịnh giàu;

Bờ cõi lâu đời, phong quang tỏa khắp.

Núi Thương núi Rùa, bức màn đặt dựng; sông Tả sông Hữu thế nước trời đào.

Ngọn Lỗi Sơn chót vót ngàn trùng, sông Linh Giang mệnh mang vạn nhánh.

Khí núi Hải Vân tóc mây trải biếc; hơi non Hương Uyển khói ngát mây xanh.

Sông to sóng trào kín đất, bể cả nước ôm bầu trời.

Trăng dãi chòi thành vệ trấn, tiếng còi đồn nghiêm nhặt trong sương; mây giăng trường học phủ đường, hồi mõ lớp bay dài theo gió.

► Ca ngợi tinh thần lao động cần cù của nhân dân và cảnh xóm làng rộn rịp, giàu có:

Đồng bằng thì nông tang vốn sẵn nghiệp nhà, bờ biển thì cá muối là kho vô tận.

Gà gáy bao dạo, nơi nơi đi chợ; đêm sang canh năm, người người ra đồng.

Trai làng Võ Khuyến chăm việc canh nông, gái xã Trường Dục giỏi nghề khung cửi.

Ruộng An Nhơn mở rộng, kho đụn chứa đầy. Cỏ An Lạc xanh tràn, trâu bò béo tốt.

Xẻ ván đóng thuyền có làng Diêm Trường, Phụng Chánh, rèn sắt làm đồ có làng Tân Lại, Hoài Tài.

-

“Ô Châu cận lục” là quyển sách đầu tiên viết về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Tiến sỹ Dương Văn An là tác giả đầu tiên của địa phương chúng ta. Sau hơn 400 năm, nếu các bạn có dịp lục tìm tài liệu trong các tàng thư, khi nói đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên thì người ta vẫn phải tham chiếu đến “Ô Châu cận lục”, vì ngoài tác phẩm này gần như không có một tác phẩm nào khác.

“Ô Châu cận lục” vẫn lặng lẽ nằm trong tàng thư nhưng khi đọc “Ô Châu cận lục” thì đất nước, quê hương hiện lên giữa tâm hồn ta, ngọt ngào thân thương biết nhường nào.

-----

Chú thích:

①      Huyện Minh Linh, trước năm 1801 thuộc phủ Tân Bình (Quảng Bình), huyện Khang Lộc sau này là huyện Quảng Ninh.

②      Thành Ninh Viễn ở xã Uẩn Áo thuộc huyện Lệ Thủy.

③      Miếu Văn Tuyền: miếu Khổng Tử.

④      Núi Thương ở phía Tây Huế. Núi Rùa ở bờ Bắc cửa Tư Hiền, núi Hương uyển là núi Hòn Chén, sông Linh Giang là sông Hương.

➖➖➖