Tự tỉnh phủ
Nơi sinh: Làng Tuy Lộc nay là xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Phần mộ: Nhóm biên soạn tìm đến làng Đình Quán (trước gọi là Đình Quan) xã Phủ Diễn (trước gọi là Phù Diễn) Từ Liêm, Hà Nội, hậu duệ của danh nhân Dương Văn An đang ở đây. Các ông Dương Danh Thưởng (73 tuổi), Dương Danh Thinh (69 tuổi), Dương Danh Soạn (67 tuổi) đều nói: con cháu chúng tôi đều được truyền lại rằng Thượng triệu tổ của chúng tôi ở Quảng Bình ra làm quan và lập gia thất ở đây. Nhưng chúng tôi chỉ nhớ đến đời thứ tư là cụ cố Dương Tuấn Trường còn mộ Thượng triệu tổ Dương Văn An ở đâu chúng tôi không được biết.
Nhóm biên soạn trở về xã Lộc Thủy, họ Dương đây có 3 nhánh: Dương Văn, Dương Công, Dương Doản (không còn ai). Ông Dương Văn Vĩnh (52 tuổi) chủ tự nhánh Dương Văn cho biết một đoạn trong gia phả: “Ngày 4 tháng 11 năm Mậu Dần (1578? Hay 1638? Hay 1698?…) Dương Văn Lượng (?) đưa vào từ ngoài Bắc 20 hài cốt để cát táng, trong đó có hài cốt Dương Văn Nhân là thân sinh Dương Văn An”. (Hiện các mộ này ở dưới chân núi Yên Mã). Như vậy, năm 1553, Dương Văn An từ Đông Quan trở về quê nhà chịu tang, có thể là tang mẹ. Sau đó, Dương Văn An có trở lại Từ Liêm, Đông Quan hay không và mất ở đâu, ngày tháng, năm nào, mộ phần ở đâu không thấy ghi chép? Ông Vĩnh nói thêm: Từ sau ngày giải phóng đất nước, Bộ Văn hóa đã vào đây hai đoàn (nay là đoàn thứ ba) nhưng khi hỏi đến mộ Dương Văn An là hoàn toàn bế tắc. Ở Lộc Thủy có miếu Tiền Hiền và bài vị (bằng gỗ lim) thờ Dương Văn An. Nhưng bài vị bị dân quân du kích mang ra đốt khi cải cách ruộng đất, còn miếu Tiền Hiền thì bị bão đánh sập năm 1990.
Tác phẩm nổi tiếng “Ô Châu cận lục”- Thư viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh - mã số HNV-194.
Sau đây là bài giới thiệu thân thế và sự nghiệp nhà văn hóa họ Dương của nhà thơ, nhà nghiên cứu Lương An.
Vào khoảng năm 1554, có một người con của Quảng Bình đã viết một quyển địa lý - lịch sử về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, được nhiều tác giả đời sau đánh giá cao và mãi đến nay, đối với chúng ta vẫn còn một tác dụng nhất định. Người con đáng yêu ấy là Dương Văn An và quyển địa phương chí quý giá ấy là Ô châu cận lục[1].
Dương Văn An, tự Tĩnh Phủ, người làng Tuy Lộc, bây giờ thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy. Đó là một làng nằm bên bờ phải sông Kiến Giang, giữa một vùng đồng quê trù phú từ lâu đời, trung tâm huyện Lệ Thủy.
Làng Tuy Lộc, còn quen gọi là Kẻ Tuy. Giáp với Kẻ Tuy là Kẻ Đợi, tức làng Đại Phúc Lộc cũ (sau này đổi là Đại Phong) và Kẻ Tiểu, tức là làng Tiểu Phúc Lộc (sau đổi là Thượng Phong). Nơi giáp với Đại Phúc Lộc, trên con hói phân ranh hai làng, có chợ Đại Phúc với “chiếc cầu hình cầu vồng bắc qua[2] đường sá đi thông suốt bốn hướng, thuyền ghe buôn bán tụ tập, là một nơi đô hội của phủ Tân Bình”[3]. Cạnh chợ còn có chùa Đại Phúc, “một danh lam của toàn hạt”. Sản vật vùng này cũng khá phong phú, ngoài lúa gạo còn có chiếu hoa Đại Phúc Lộc, dệt rất đẹp và rượu Tuy Lộc nấu rất ngon. Đặc biệt, vùng này đã sản sinh nhiều nhân vật nổi tiếng: Thanh Quận công ở Tiểu Phúc Lộc có công trong lúc theo Lê Thánh Tông đi đánh phong kiến Chămpa đến cướp phá châu Hóa; Phạm Thượng tướng ở Đại Phúc Lộc có công trong lúc theo Lê Lợi khởi binh, giết được nhiều chỉ huy giặc. Riêng tại Tuy Lộc, cũng có không ít người làm rạng mặt quê hương như Nguyễn Danh Cả, tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được phong đến chức Trung Lương đại phu; Nguyễn Đình Toản, hai lần đỗ thi hương, học trò theo học rất đông, lúc làm Tri huyện Kỳ Hoa (bây giờ là Kỳ Anh - Hà Tĩnh) và Võ Xương (nay là Triệu Phong) được nhân dân ca ngợi là thanh cần.
Bây giờ ở Đại Lộc có đến 5 họ. Họ Dương của ông là một họ lớn. Trước Cách mạng tháng Tám, trong họ có nhiều người làm giấy dó rất giỏi. Không ai nhớ chắc, nhưng có người cho rằng chính đời trước đã theo Dương Văn An ra làng Phủ Diễn, huyện Từ Liêm - từ khi ra làm quan ông ra đó học được nghề, đem về truyền lại cho con cháu và bà con trong làng, xóm họ ở, trước đây gọi là xóm Giấy.
Về gia đình và tuổi trẻ Dương Văn An, hiện chúng ta chưa có tư liệu đầy đủ. Đọc bài tựa Ô châu cận lục chỉ thấy ông tóm lược mấy câu: “tôi là học trò, sinh trưởng ở đất này, thấm nhuần giáo huấn đã lâu, thi đậu tiến sĩ năm Đinh Mùi”[4]. Năm Đinh Mùi là năm 1547, đó là năm Tuyên Tông Mạc Phúc Nguyên mới lên ngôi nên mặc dù triều đình có biến động vẫn cố gắng theo lệ cũ mở các khoa thi hương và thi hội để trấn tĩnh lòng dân và chọn người ra giúp đỡ. Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi rõ ông đỗ đồng tiến sĩ vào năm ba mươi tuổi. Căn cứ vào tài liệu này, chúng ta có thể tính ra năm sinh của ông là 1514, tức là năm Giáp Tuất, đời vua Lê Tương Dực.
Qua những lời tự thuật ngắn ngủi trên, chúng ta còn biết, trước khi đi thi, ông lớn lên và theo đường nhi học tại quê nhà. Vùng này, lúc bấy giờ như chúng ta đã thấy là một vùng dân rất hiếu học và nhiều người đỗ đạt khá. Nhưng đến ông mới có người đỗ đại khoa[5]. Xem Đăng Khoa Lục, thấy ông là người Quảng Bình thứ hai đỗ tiến sĩ… Việc ông đỗ đạt như vậy không phải là việc bình thường trên một vùng đất lúc đó còn xa trung tâm chính trị và văn hóa của đất nước.
Sau ngày thi đỗ, Dương Văn An được triều đình Mạc bổ đi làm quan. Theo quan chế thời ấy, những người đỗ đại khoa đều được bổ dụng làm tri huyện hoặc viên ngoại lang. Từ chức vị này sẽ thăng lên phó rồi hiến sát sứ lên đô cấp sự trung[6]. Năm Ất Mão (1555), khi viết bài tựa sách Ô châu cận lục, ông đã được giữ chức Lại Khoa đô cấp sự trung, tước Sùng Nham bá. Chỉ trong 8 năm mà lên được chức ấy, rõ ràng ông đã không gặp trắc trở gì trên đường hoạn nghiệp.
Cũng theo Đăng Khoa Lục, từ chức Đô cấp sự trung, ông được thăng dần lên đến chức Tả Thị lang bộ Lại. Chức quan lớn nhất của ông là Thượng thư (không rõ là bộ nào). Lúc làm Thượng thư, ông được phong lên tước Sùng Nham hầu. Khi mất, không rõ mất tại chức hay sau ngày về trí sĩ, ông còn được triều đình Mạc phong Tuấn Quận công. Ông giữ chức quan nói trên và mất vào năm nào, hiện chưa thấy có tài liệu nào nói rõ.
Dương Văn An đi học, đi thi rồi ra làm quan trong tình hình đất nước bị xáo trộn gay gắt. Chế độ phong kiến Lê đang trên đà suy yếu. Sau những năm không yên ổn dưới triều Uy Mục (1505-1509) và Tương Dực (1509-1516) mà người ta gọi là vua quỷ và vua lợn. Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế Lê Dung Hoàng và giành lấy ngai vàng. Năm 1531, Nguyễn Kim nổi lên phò Lê chống Mạc tại Thanh Hóa, Trịnh Nhung tại Thái Nguyên, Vũ Uyên tại Tuyên Quang, đất nước bị chia xẻ ra từng mảnh. Khi Mạc Phúc Nguyên lên ngôi, một cuộc tranh giành ngôi báu trong nội bộ Mạc lại xảy ra. Mạc Chính Trung (con Mạc Đăng Dung) nổi dậy, khiến Phúc Nguyên phải bỏ Đông Kinh[7] chạy về Hải Dương một thời gian. Sang năm 1551, thế lực Lê - Trịnh mạnh lên, từ Thanh Hóa bắt đầu phản công. Sau khi ông về “cư tang” một năm, Thuận Hóa cũng chuyển từ tay Mạc sang Lê - Trịnh. Suốt 10 năm trời, hai bên giằng co nhau, khi thì bên này vào đánh bên kia, khi thì bên kia ra đánh bên này, nhân dân bị họa nội chiến, khổ cực trăm bề. Mãi đến năm 1592, Mạc mới bị đánh bại. Tính ra triều đại này nắm được chính quyền trong 65 năm. Điều ấy chứng tỏ Mạc cũng có cơ sở xã hội khá vững. Trên thực tế không ít trí thức tiêu biểu của thời ấy đã ra làm quan, toàn tâm toàn ý phục vụ cho triều Mạc như Nguyễn Thiên, Giáp Hải, Phạm Tuấn, Đỗ Uông và nhất là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cái lý đơn giản nhất là khi họ bước vào đời, nhà Mạc đang trị vị và đối với họ, Mạc hay Lê thì cũng vậy, việc thay đổi triều đại là việc tự nhiên trong lịch sử, họ chỉ biết ra cứu dân giúp nước theo nguyện vọng của mình. Họ chưa hề làm tôi nhà Lê nên tư tưởng không có gì vướng mắc.
Dương Văn An cũng nằm trong hoàn cảnh chung ấy. Ông không có gì đáng trách khi hết lòng phục vụ triều Mạc. Điều cần nói đến là trong suốt cuộc đời làm quan, ông đã làm được gì ích nước lợi dân và có giữ được một phẩm chất tốt hay không. Tiếc rằng tài liệu quá ít, không cho phép chúng ta giải đáp được điều này. Nhưng qua một số suy nghĩ riêng mà ông đã ghi lại, chúng ta nhận ra được ở ông là một con người biết yêu quê hương, đất nước, biết tôn trọng công lao vất vả của cha ông, biết giữ điều hay, tránh điều dỡ[8]. Một con người như thế, trong hoàn cảnh nào, cũng có phần đáng tôn trọng, yêu quý.
Năm 1553, trong lúc đang giữ chức Lại Khoa Đô Cấp sự trung thì ở quê nhà, không rõ cha hay mẹ mất, ông phải từ Đông Kinh trở về chịu tang và theo lệ gọi là đình gian, ở nhà cho đến khi hết khó. Lúc này ông được rảnh rỗi xem sách. Nhân có hai người học trò cùng làng chia nhau viết hai tập sách về hai phủ Triệu Phong và Tân Bình[9] và đưa ông xem, ông thấy bên trong “hình trạng các sông núi, tên gọi các sản vật, phong tục thói quen thế nào, nhân vật hay dở ra sao, đều rõ ràng như trên bàn tay” và rất lấy làm mừng. Nhưng có điều ông không nói ra mà chúng ta có thể ngầm hiểu, là hai tập sách, do trình độ của hai người học trò còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, ông nảy ra ý định nâng cao thành một quyển địa lý, lịch sủ đầy đủ và sâu sắc hơn. Ý định ấy, với một con người yêu làng, yêu nước như ông, quả là không thể cưỡng lại nổi. Ông bèn bỏ thì giờ “khảo thêm các sách sử, tham chước những truyền miệng, chỗ rườm rà thì bỏ bớt, chỗ sơ lược thì bổ sung, đặt tên là Ô châu cận lục”[10]. Hai chữ “cận lục” nói rõ ý đồ khiêm tốn của ông muốn giới hạn nội dung từ cuối đời Trần trở lại, chưa dám đi xa hơn vào lịch sử.
Qua sự việc trên đây, rõ ràng quyển sách về cơ bản, là dựa vào hai tập của hai người học trò Tuy Lộc. Vậy thì phần công của ông đến đâu? Đọc xong, chúng ta có thể nghĩ rằng, phần tư liệu về núi, sông, thành thị, đền chùa, quan chế, nhân vật, phong tục, đồ bản, chính là phần ông thêm bớt, còn phần luận thì hoàn toàn do chính ông viết. Tuy vậy, không thể không nhận thấy rằng, giữa Ô châu cận lục và hai tập sách về Tân Bình, Triệu Phong nói trên đã có những khác biệt lớn: khác biệt về quan điểm địa lý, nhân văn, bỏ cách chia ra hai phủ riêng mà nhập lại thành một vùng thống nhất về ranh giới, thuần nhất về phong tục, tập quán sinh sống, đồng nhất về văn hóa, lịch sử, khác biệt về mục đích, sách viết ra không chỉ nhằm cung cấp tư liệu mà chủ yếu là để phát huy truyền thống tốt đẹp, khắc phục thói hư tật xấu trong nhân dân, hay nói như tác giả “để khuyến khích và răn ngừa” (bao biếm). Những khác biệt này, cùng với những khác biệt trong phần sau bổ sung của ông đưa lại, đã khiến bóng dáng hai tập sách cũ mất hẳn đi, đến nỗi, dù Dương Văn An đã nói rõ, các tác giả lớn đời sau như: Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… đứng trên lập trường của Lê, Nguyễn không thích gì triều Mạc, vẫn phải xem Ô châu cận lục là tác phẩm hoàn toàn của ông, của riêng ông.
Qua Ô châu cận lục, người đọc, dù hiện nay cũng vậy, không phải chỉ “thấy” như Dương Văn An đã “thấy”[11] trong hai tập sách về Tân Bình và Triệu Phong mà cảm xúc, cảm nhận sâu sắc về đất nước tươi đẹp, giàu có, thiêng liêng, về nhân dân cần cù dũng cảm, về cha ông có tinh thần hiếu học, có chí khí anh dũng, có đạo đức cao cả, từ đó thấy mình thêm gắn bó với quê hương đất nước. Viết về địa lý, lịch sử mà truyền cảm được như vậy, bởi vì, trước hết, Dương Văn An đã có một trái tim nối liền với từng con sông ngọn núi, từng hòn đất bờ cây của nơi chôn rau cắt rốn và đã nhập lòng mình vào mọi sự vật, thổi cho nó một cuộc sống, một linh hồn.
Là một cuốn sách địa lý, Ô châu cận lục ghi lại những tên làng, tên núi, tên sông, những sản vật, những con chim, con thú, những thành thị, chợ búa, nhà trạm đồn binh, danh lam thắng tích, những ngành nghề và tập quán sinh sống… Nhờ thế, chúng ta biết được đất đai, thổ nhưỡng cùng các nghề thủ công thời ấy, hiểu được quá trình khai cơ lập nghiệp của cha ông trên đất quê hương. Là một cuốn sách lịch sử, Ô châu cận lục ghi lại cho chúng ta tên tuổi của bao nhiêu người con Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã làm rạng rỡ đất nước, đã biến giải đất xa xôi một thời này thành trù mật, phì nhiêu, kể lại cho chúng ta những truyền thuyết xa xưa về các vùng đất, các đền chùa, các thành quách, khiến lịch sử thêm sâu thẳm, thêm vang vọng và kết hợp vào cuộc sống, những truyện cổ dân gian nuôi dưỡng mãi điều ngay lẽ phải trong lòng người…
Những ngọn núi cao, những dòng sông rộng đã được Dương Văn An miêu tả bằng những dòng chữ đầy hình ảnh, đầy sức khêu gợi như tả bằng chính tâm hồn của mình và của nhân dân. Đây là ngọn núi Mã Yên ở huyện Lệ Thủy “Thế núi cao lớn, hình trạng quanh co, chỗ đứt chỗ liền, nơi nghiêng nơi đứng, trông xa tựa cái yên ngựa; có trái núi như con ngựa phi nhanh, muôn nghìn trạng thái, trăm vạn tinh thần, là ngọn núi chót vót giữa nghìn muôn núi”. Những câu viết vừa mang tính cách địa lý, vừa là những nét vẽ sống động của một bức tranh. Núi không đứng lặng, núi là ngựa đi, ngựa chạy, như hành quân cùng dân tộc. Khi ông tả núi Hải Vân, chúng ta lại bắt gặp một chất thơ tràn trề “Chân sát lợi biển, ngọn ngất từng mây, núi chia hai đường nam bắc, mây đưa đón khách đi về…”. Tả rất gọn mà đầy đủ, không thể lầm với một ngọn núi nào khác, “Mây đưa đón khách đi về”, thật là gần gũi, ấm áp, thần tình. Núi thì thế, còn trên sông, một bến đò Dã Độ[12] cũng gợi lên trong cảnh trời nước mênh mang, một cái gì rất quen thuộc: “Hai nguồn Viên Kiều và Cảo Giang rót đến, vừa rộng vừa sâu, hai bờ cao thấp so le, vài bãi nông sâu rộng hẹp; cỏ thơm như nệm trải, sóng gợn tựa gấm giăng, cách diều phản chiếu bóng chiều soi, con đò quay ngang cơn gió thổi…”.
Có lúc, ông có những tứ thơ rất sáng tạo. Chẳng hạn, khi tả vùng cát Đại Trường Sa[13]: “Đất Trường Sa hóa nhà trạm, trời đại hải làm lọng che”[14]. Hình ảnh hóa bầu trời trên vùng cát mênh mang thành chiếc lọng thì thật là vừa đẹp, vừa sâu, vừa mới một cách bất ngờ. Bút pháp địa lý mà đạt đến tính văn học như vậy rất hiếm thấy.
Giới thiệu các sản vật Ô châu, ông sử dụng một lối viết riêng gọi là tổng luận và dùng thể biền văn miêu tả khiến mỗi cây cỏ, mỗi hoa trái như thêm màu đượm vị:
“Lá trầu thơm phức, buồng cau xanh tươi,
“Mơ chua là vị nấu canh, dưa ngọt là đồ thiết khách
“Lúa nếp mọc ở ruộng núi, hương vị thơm tho
“Củ mài mọc ở sườn non, chất vị bình đạm.
“Lụa xã Cao Đôi óng ả, trông như tuyết trắng phủ đầy đường, lúa vàng Đông Dã thơm tho, coi tựa mây vàng che kín lối…”
Mỗi con chim, con thú đều gần gũi, tha thiết tình người:
“Xóm hoa yên tĩnh, chó mặc sức an nhàn, nội biếc bao la, trâu tha hồ béo tốt.
“Hàng hàng tập trận, nhạn biết thu già; lớp lớp ngậm bùn, én mừng xuân sớm.
“Nhà có tin mừng, khách kêu báo trước: nhà mới kiến dựng, sẽ đến vui chung”.
Lúc tả từng phủ, lời văn của ông trang trọng, gợi lên một quang cảnh vừa đẹp đẽ, vừa hùng tráng, vừa thiêng liêng, phần địa lý mờ nhạt đi, để chỗ cho một bài ca về non nước. Hãy nghe ông tả cảnh trí phủ Tân Bình:
“Đất vạch Ô châu, sông tên Lệ Thủy
Non nước Minh Linh, nhân dân Khang Lộc[15]
Châu thành riêng vùng Bố Chánh: địa giới chung phủ Tân Bình.
Tòa thành Ninh Viễn chân ngọn Trường Giang[16], miếu đức Văn Tuyền kề làng Lỗ Xá[17]
Cao ngất kia dãy Hoành Sơn, mùa thu một vẻ: thanh u ấy hang Linh Động, hoa xuân bốn mùa.
Ngọn Mã Yên cao ngất, kỳ hình át tận chín tầng mây; núi Thần Đinh nguy nga; hùng khí đẻ bốn trăm châu cõi[18]
Đất nước ấy, khi soi qua trang lịch sử, bỗng như có một chiều sâu, một cuộc sống tâm linh:
Thái Cảng bắt thuyền, Đặng tướng quân còn in dũng khí. Lỗi Sơn đan lưới, Khổng Viên Giác mãi để uy linh.
Non sông đẹp đẽ, trời đất an bài.
Sông con qua chín dặm về Nam, Trần công trải ba tòa trọng chức; Trường Sa chạm áo Hương phía Bắc, Nguyễn Công giữ một phía trùng quan[19]
Cảnh trí phủ Triệu Phong cũng hùng vĩ và thiêng liêng như vậy:
Dân theo giáo hóa, thời mở thịnh giàu;
Bờ cõi lâu đời, phong quang tỏa khắp.
Núi Thương núi Rùa[20], bức màn đặt dựng; công Tả sông Hữu thế nước trời đào.
Ngọn Lỗi Sơn chót vót ngàn trùng, sông Linh Giang mệnh mang vạn nhánh.
Khí núi Hải Vân tóc mấy trải biếc; hơi non Hương Uyển khói ngát mây xanh.
Sông to sóng trào kín đất, bể cả nước ôm bầu trời.
Trăng dãi chòi thành vệ trấn, tiếng còi đồn nghiêm nhặt trong sương; mây giăng trường học phủ đường, hồi mõ lớp bay dài theo gió[21].
Một lần nữa, những trang lịch sử lại khiến sông núi sáng rõ lên trong cuộc sống của dân tộc.
Trăm trượng hóa thành, yết hầu Thổ rí, một đền La Chữ, cơ sở Hà Công.
Mảnh đất sạch trong Hiến Phủ, Thế Lại nhờ ơn; ngôi đền trung nghĩa Đặng Công Thế Vinh nhờ tiết[22].
Dương Văn An ca ngợi tinh thần lao động cần cù của nhân dân và cảnh xóm làng rộn rịp, giàu có:
Đồng bằng thì nông tang vốn sẵn nghiệp nhà, bờ biển thì cá muối là kho vô tận.
Gà gáy bao dạo, nơi nơi đi chợ; đêm sang canh năm, người người ra đồng.
Trai làng Võ Khuyến chăm việc canh nông, gái xã Trường Dục giỏi nghề khung cửi.
Ruộng An Nhơn mở rộng, kho đụn chứa đầy. Cỏ An Lạc xanh tràn, trâu bò béo tốt.
Xẻ ván đóng thuyền có làng Diêm Trường, Phụng Chánh, rèn sắt làm đồ có làng Tân Lại, Hoài Tài[23]
Ông biểu dương những con người Ô châu kiên quyết chống giặc Minh xâm lược: “Ôi xem cái mức hơn kém của nhân vật, quan hệ đến cơ an nguy của nước nhà, như các đức trọng nghĩa của Đặng Tất, thật là nhân tài của cả nước, chứ đâu phải nhân tài riêng của Ô châu?” Với Đặng Dung, những lời nhận định của ông cũng xác đáng như vậy: “Lấy toán quân cô đơn mà phá giặc mạnh giữa buổi nguy vong, tức là Trương Thế Kiệt đối với Đế Bính nhà Tống vậy! Có thể theo thường lệ mà nghị luận nhân tài ư?”. Điều không thể không ghi nhớ là trong khi biểu dương, ông đã để lại cho chúng ta tên tuổi nhiều nhân vật của quê hương Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên tưởng như đã chìm mất trong xa xưa của quá khứ. Không có ông và Ô châu cận lục, làm sao chúng ta có thể hiểu được cha ông với sự nghiệp cứu nước hiển hách như của Hà Công (ở La Chữ, huyện Hương Trà), Nguyễn Tử Hoan (ở Quảng Trạch), của Phạm Thượng tướng (ở Đại Phong), Nguyễn Danh Cả (ở Tuy Lộc, huyện Lệ Thủy)… những tâm hồn trong sạch như Tri huyện họ Lê (ở Cam Lộ), lấy “kinh luân để dạ là bao của” để xem cảnh “thanh bạch truyền gia (của mình là) chẳng phải nghèo”, hay như Nguyễn Quận (ở Hải Lăng) đi đánh giặc, không lấy của cải mà chỉ đem về một lá cờ chiến thắng. Đúng là nếu không có những trang ghi chép ấy, lịch sử Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên chúng ta đã phải có nhiều trang để trống.
Dưới ngòi bút của Dương Văn An, đất nước, quê hương hiện lên giữa tâm hồn ta, ngọt ngào, nóng hổi và thiêng liêng biết bao, bóng hình con người Thuận Hóa đứng lên trong ta, dễ yêu và dũng cảm biết bao; thực là một ngọn bút có tài, lại được dẫn dắt với một trái tim yêu nước, yêu quê hương tha thiết. Cho nên, nếu Ô châu cận lục được xem như một tác phẩm địa phương chí có giá trị, thì thành công ấy trước hết là của dòng máu đỏ trong huyết quản, trong tâm hồn ông. Điều này không thể gì phủ nhận.
Song Dương Văn An là một phần tử trí thức phong kiến, sống cách chúng ta hơn 400 năm. Sự hạn chế của giai cấp và thời đại đã để lại trong Ô châu cận lục khá nhiều. Đó là quan điểm phong thủy, địa linh nhân kiệt; “có trời đất ấy thì có sông núi ấy, có sông núi ấy thì có nhân vật ấy”. Đó là lập trường chính thống, làm quan với nhà Mạc nên lấy ngọn cờ Mạc làm tiêu điểm của chính nghĩa, xem mọi hành vị chống Mạc là bất trung. Đó là tư tưởng danh gia tử đệ, coi những người thuộc tầng lớp trên là nhân vật tiêu biểu của xã hội, coi một giọt máu quý tộc là vinh quang cho một họ, một vùng.
Việc phê phán những thói hư tật xấu còn lại trong nếp sống là một việc làm đúng đắn: “Sự mua bán thì tùy nơi đong lấy, ba đấu thóc không quá mười hai đồng tiền; cách ăn uống thì hoang phí vô cùng vãi lẫm gạo không đủ dùng mười hai tháng” hoặc: “An táng thì chôn cất rất chóng, không có lệ cúng sớm cúng chiều, cúng tế thì trai tiếu linh đình đến sạt của hàng ức hàng vạn”. Nhưng do tư tưởng ràng buộc, ông luôn đánh vào những thói “trên bộc trông dâu”, “hoa tường liễu ngõ” mà bỏ qua biết bao lệ tục khác còn đáng đả kích hơn, như thói lừa đảo, áp bức, bóc lột nhân dân của bọn quan lại và cường hào. Khi viết: “Làng Ái Mẫu, Ái Tử sao nỡ bán con cho người làng An Nghiệp, An Cư vẫn chưa yên vòng sinh lý”, hoặc: “Mưa ướt áo rơi, lòi Phủ Điền xông pha mấy độ, gió bay nón cỏ, chằm Lôi Trạch lặn lội từng phen”, dường như ông mởi chỉ dừng lại trong cách “tán chữ” hơn là muốn biểu hiện một thực tế đời sống khổ cực.
Những hạn chế trên đây, dù còn gặp không ít, song vẫn không thể làm lu mờ cái điềm hồng, là tình yêu cùng với niềm tự hào về đất nước và nhân dân quê hương, cháy rực trong từng trang Ô châu cận lục. Tấm lòng ấy, tự nó là ánh sáng, là linh hồn quyển sách.
Với một tác phẩm duy nhất, sự đóng góp của Dương Văn An vào kho tàng văn hóa chung của quê hương, của đất nước chưa phải là lớn. Nhưng, với chúng ta, Ô châu cận lục là quyển sách đầu tiên viết về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và ông là tác giả đầu tiên của địa phương. Mọi sự mở đầu bao giờ cũng đáng hoan nghênh và ghi nhớ. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi chúng ta biết rằng trước ông và Ô châu cận lục, chúng ta chỉ có một bài “Thuật hoài” của Đặng Dung, một bài biện của Bùi Dục Tài[24], mấy bài thơ của các nhân vật mà ông đã ghi lại và dù kể cả người, các nơi viết về Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên như Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông... thì tất cả vẫn còn là một con số quá khiêm tốn. Hơn thế, sau ông, cũng phải đến hơn 100 năm chúng ta mới có được một tác phẩm và một tác giả thứ hai: “Hoa Vân cáo thị” của Nguyễn Hữu Dật, khiến chỗ đứng và cuốn sách của ông sống mãi trong lịch sử văn hóa Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Không những thế, Ô châu cận lục còn đứng vững qua sự sàng lọc của hơn 400 năm để đến với chúng ta, tự khẳng định là một tác phẩm, một tài sản có giá trị trong vốn văn hóa chung của dân tộc. Cái giá trị ấy trong quá khứ đã được thử thách hơn một lần: Lê Quý Đôn khi viết Đại Việt thông sử và Phủ Biên tạp lục đã sử dụng Ô châu cận lục. Các nhà biên soạn bộ Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều nhà Nguyễn cũng luôn luôn trích dẫn cuốn sách của Dương Văn An, xem như một nguồn tài liệu phong phú và quý báu.
Mỗi chúng ta bây giờ, khi đọc Ô châu cận lục lại thấy rõ hơn quê hương ta xưa là thế, cha ông ta trước kia là vậy, mảnh đất ấy và những con người ấy thật vô cùng đáng tự hào.
-
Chú thích:
-----
[1] Nghĩa là ghi chép về Ô châu thời gian gần đây.
[2] Dương Văn An ghi: Hùng Kiều là cái cầu vồng.
[3] Những đoạn giữa các ngoặc kép “…” là lời của D.V.A do người biên soạn dịch lại.
[4] Nguyên văn: “Mổ sinh trưởng ư tư nghiệp nhi vi sĩ, phi dược chi hóa, hàm nhu hữu niên, nại ư đinh vi khoa cử tiến sĩ đệ”.
[5] Là Lê Đa Năng người Lệ Thủy.
[6] Lê Quý Đôn - Tiểu văn tiểu lục, Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr.126.
[8] Ông cho sự thành đạt của mình là nhờ sự đổi đời phong tục tác thành nhân tài mà được hun đúc bồi dưỡng “tri phong tục chuyển di chi điệu, nhân văn tác thành chi triều, cửu dĩ huân đào hàm dục”. Ông nhắc mình phải nhớ công lao của cha ông (niệm tổ phụ chi gian nan) một điều thiện còn đẹp hơn chiếc áo vua ban, một điều ác đáng để búa rìu chém phạt (nhất thiện chi bao vinh hoa cồn, nhất ác chi biến lẫm hồ phủ việt).
[9] Đất Thuận Hóa (từ đèo Ngang đến Hải Vân), đời Lê, chia thành 2 phủ và 2 châu. Hai phủ là Tân Bình và Triệu Phong, hai châu là Thuận Bình và Sa Bôi. Phủ Tân Bình (nguyên tên là Lâm Bình) gồm các huyện từ đèo Ngang đến hết huyện Vĩnh Linh bây giờ. Khang Lộc, Lệ Thủy, và Minh Linh (Vĩnh Linh bây giờ). Phủ Triệu Phong từ bắc sông Hiếu đến đèo Hải Vân, gồm các huyện: Võ Xương (sau đổi là Đăng Xương), Hải Lăng. Triệu Phong, Đơn Điền (Phong Điền và Quảng Điền sau này), Kim Trà (nay là Hương Trà). Tư Vinh nay là Phú Vang, Phú Lộc. Năm 1553, phủ Triệu Phong còn gồm cả huyện Điện Bàn (thuộc Quảng Nam - Đà Nẵng bây giờ). Đến năm 1604 mới cắt ra. Phủ Tân Bình đến đời Lê Kính Tông (1600-1619) vì kiêng tên vua, đổi thành Tiên Bình. Năm 1604, Nguyễn Hoàng đổi là phủ Quảng Bình. Các tổ chức hành chính này vẫn giữ nguyên cho đến năm 1801 mới chia thành 3 dinh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (Quảng Đức đến đời Minh Mệnh đổi ra phủ Thừa Thiên).
[10] Ô châu thuộc vùng Triệu Phong, Hải Lăng bấy giờ, lúc còn nằm dưới sự thống trị của phong kiến Chămpa. Năm 1306, sau khi tiếp quản, nhà Trần đổi thành châu Thuận. Đúng ra khi Dương Văn An viết thì phải gọi Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế là đất Thuận Hóa.
[11] Nguyên văn: liệu nhiên như thị như chưởng (rõ ràng như thấy bàn tay).
[12] Ở ngã ba sông Hiếu và sông Thạch Hãn.
[13] Dải cát từ cửa sông Nhật Lệ đến cửa Tùng Luật.
[14] Đại Nam nhất thống chí ghi: Đất Trường Sa làm đường trạm.
[15] Huyện Minh Linh, trước năm 1801 thuộc phủ Tân Bình (Quảng Bình), huyện Khang Lộc sau này là huyện Quảng Ninh.
[16] Thành Ninh Viễn ở xã Uẩn Áo thuộc huyện Lệ Thủy.
[17] Miếu Văn Tuyên: miếu Khổng Tử.
Nguyên văn chữ Hán:
Châu hoạch Ô châu, thủy xưng Lệ Thủy
Sơn thủy Minh Linh, nhân dân Khang Lộc
Châu hoàn Bố Chánh, giới cộng Tân Bình
Minh Viễn vệ thành cận chống Trường Giang chi thế; Văn
Tuyên phủ miến viễn lâm Lỗ Xá chi hương
[18] Hoành Sơn tủng đặc, thu sắc tương cao. Linh Động thanh u xuân hoa trường tại. Yên Mã tiêm cao, thế lực áp kỷ tằng chi hán; Thần Đinh tốt khí bình thôn tứ bách chi châu.
[19] Thái Cảng tróc châu, do tướng Đặng tướng quân dũng khái. Lỗi Sơn kết võng, cửu truyền Khổng Viên Giác anh linh. Sơn giang tân lệ, thiên địa an bài.
Tiểu giang kinh cửu lý chi nam. Trần Công lịch tam ty yếu nhậm: Trường Sa khống áo Hương chi bắc, Nguyễn Công đương nhất diện trùng quan.
[20] Núi Thương ở phía Tây Huế. Núi Rùa ơt bờ Bắc cửa Tư Hiền, núi Hương uyển là núi Hòn Chén, sông Linh Giang là sông Hương.
[21] Nguyên văn chữ Hán: Dân đông Thuận Hóa; thời hiệp Triệu Phong.
Vĩnh cổ phong cương; bao thu phong cảnh.
Thương Lĩnh, Quy Lĩnh; thế tráng khôn duy;Tả giang hữu Giang hùng khóa thiên tiệm. Lỗi Sơn chi thiên lý tháp hán; Linh giang chi vạn thái phù thiên.
Hương ái Hải Vân, thùy hoành vân kế; nhân dân Hương Uyển, lục niểu hương yên. Trường giang chi thôn thổ ba đào; đại hải chi quát bao vũ trụ. Vệ trấn chi thành lâu mãn nguyệt, sương tức thú già; phủ trung chi học xá như vân, phong truyền giáo đạc.
[22] La Chữ nhất từ, Hà Công cơ chỉ, Hóa Thành bạch trĩ, Thổ Rí hầu khâm. Hiến Phủ trừng thanh chi địa, Thế Lại kỳ ân, Đặng Công Trung (3) … nghĩa chi từ. Thế Vinh kỳ tiết. (Thành hoàng làng Thế Vinh - xã Phú Mậu) chức vị: bình chương trọng sự Đặng Quốc Công, khuôn quốc đại vương bảo an chính trực, hựu thiên đôn ngưng, dục bảo trung hưng, trác vĩ thượng đẳng thần). Phải chăng là Đặng Tất? Hiến phủ tức là Ty Hiến sát sứ. Mỗi xứ có 3 Ty là Đô tổng binh sứ ty (Thuận Hóa chỉ là Đô ty). Thừa chính sứ ty và Hiến sát sứ ty.
[23] Những tên làng dùng ở đây là tên cũ lúc bấy giờ.
[24] Biện về làm ra chiếc gậy để đánh Tần Sở cùng viết với Hạ Ngọc Chúc, một đồng khoa và đồng nghiệp của ông.