Lời tựa: Các bạn đã biết đến cờ tưởng là một nội dung thi đấu đặc thù của môn cờ (như cờ vua, cờ tướng) trong đó một đấu thủ hoặc cả hai đấu thủ chơi cờ bằng tâm trí, không có bàn cờ hoặc các quân cờ trên bàn cờ. Lần này mình chơi khó các bạn là mình vẽ bức tranh tưởng, không phải bằng bút mà bằng lời – mà mình mô tả khá ngắn nên chắc các bạn sẽ có một chút … nhức đầu khi xem tranh.
Tranh tưởng: Là một loại hình nghệ thuật mới, siêu tưởng, chỉ dành riêng cho học sinh khóa 1974-1977 Cấp 3 Đồng Hới. Chỉ có học sinh khóa này mới nhìn thấy các nét vẽ trong bức tranh, người khác nhìn vào chả thấy gì – rất lạ như thế!
Nền tranh: Nền tranh là một sự hòa quyện từ quá khứ đến hiện tại và tương lai – nền sáng màu xanh ngọc. Lúc đầu khi bạn xem nền, bạn chỉ thấy có ảnh khuôn viên của trường. Khi nhìn kỹ, bạn lùi lại một tý, bạn sẽ thấy nền hiện lên khung cảnh trường năm 1974-1977 với hàng loạt viên táp lô đặt ở hai bên lối vào. Sân bóng của trường nền đất đỏ ba-zan có bụi mờ (gần giống với bụi sân đất nện của giải Grand Slam quần vợt Rolland Garros ở Paris - Pháp).
Nhìn kỹ hơn nữa, bạn sẽ thấy nền xuất hiện rất mờ, hơi khó đọc: một quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Quyết định đó được ký ngày 18 tháng 10 năm 1963. Nội dung chính của quyết định là cử thầy Lê Khánh làm Hiệu trưởng Trường Cấp 3 Đồng Hới. Khi bạn để tay hoover (lướt nhẹ) lên tên của thầy Lê Khánh, bạn sẽ thấy một khuôn mặt xinh đẹp tựa tiên nữ hiện lên, cộng với lời chú thích: bạn Lê Thị Diệu Ty, con gái rượu của thầy. Khi bạn nhấn nút Next phía bên phải tên của thầy Lê Khánh một số lần, bạn sẽ thấy tên của thầy hiệu trưởng Trần Đình Các thân yêu của chúng ta xuất hiện. Cả hai thầy đều đã thành người thiên cổ, đều có khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt đen nhìn bạn. Khi bạn có một ý nghĩ nghịch ngợm xuất hiện trong đầu thì đôi mắt của các thầy sẽ trở nên nghiêm khắc (nhưng vẫn bao dung), toàn bộ nền của bức tranh như trở nên nghiêm trang hơn, bao trùm lấy bạn. Tự nhiên, bạn sẽ tự thấy mình như bị thôi miên lọt thỏm vào một không gian đa chiều. Trong không gian đa chiều đó có chiều thời gian và chiều cảm xúc. Bạn có thể nhấc, kéo, thả chiều thời gian bạn sẽ nhìn thấy nền của quá khứ, hiện tại và cả tương lai nữa :-) Chiều cảm xúc tác động lên bạn khi bạn xem và thẩm bức tranh tưởng: bạn có thể bị hồi hộp (không phải do tăng huyết áp đâu), bạn có thể cảm thấy rất hạnh phúc (cũng không phải do bạn gặp người yêu cũ đâu), bạn có thể cảm thấy trào dâng thương nhớ và lưu luyến một thời (cũng không phải do bạn là người hoài cổ đâu). Tất cả là do bạn xem tranh đấy :-)
Cảnh chính giữa tranh: Cảnh động, 11 bức ảnh lần lượt xuất hiện như đèn ông sao, là ảnh dự hội khóa của các lớp: A, B, C, D, E, G, K, H, I, M và T. Các ảnh này đều có một số điểm chung: các thầy / cô giáo ngồi ôm hoa “hiền lành như học trò ngoan” và các bạn đứng đằng sau hân hoan như bắt được cái gì đó! Một điểm chung khác là bạn Diệu Ty có mặt ở tất cả các lớp, bạn Trần Cảnh thì ôm micro (cứ như sợ micro sẽ tự biến mất), bạn Nguyễn Văn Long (lớp E) thì đang chỉ chỉ trỏ trỏ :-)
Nối với cảnh động ở trên là các chùm tia la-ze bảy sắc cầu vồng: cảnh hoa ban trắng trời Tây Bắc từ Sơn La, biểu trưng Khuê Văn Các từ Hà Nội (hình Khuê Văn Các và lấp lánh hình Cụ Rùa rót Bia Tiến sỹ lên mái trường Cấp 3 Đồng Hới), Cố đô Huế kết nối với trường bằng một luồng xanh ngọc với số 9 hiện lên bao phủ lấy trường (số 9 biểu thị cho sự hoàn mỹ và may mắn), Bình Định gắn với trường bằng các tia tạo thành một thế võ với hoa văn tạo thành chữ Tây Sơn huyền ảo, Đà Nẵng gắn với trường bằng con rồng phun lửa (rồng phun lửa của Đà Nẵng khi về với trường thì có ý như đang làm công tác bảo vệ trường: cứ thấy ai không phải khóa 1974-1977 sẽ “phì” lửa dọa – nhưng không nguy hiểm, chỉ hơi nong nóng cỡ như gió Lào tháng 7 âm lịch thôi), biểu trưng Nha Trang gắn với trường là “tấm thảm bằng nước biển” (bạn chỉ thường nghe nói thảm bằng cói, bằng lụa, bằng vải, … bạn đã từng nghe nói thảm bằng nước biển chưa?), Phú Yên gắn với trường bằng một họa tiết mới 'hoa vàng trên cỏ xanh', Sài Gòn gắn với trường bằng bức ấn của Chúa Nguyễn Phúc Chu trao cho Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, còn Bà Rịa – Vũng Tàu lại gắn với trường bằng 1 ngọn hải đăng … Còn nhiều nữa, khó kể được hết.
Các bạn chú ý nhé, tranh bằng lời, bạn không đọc sẽ không “thẩm” được tranh đâu :-) Đọc tiếp đi!
Ở góc phải dưới của tranh: có ảnh bán thân của bạn Phan Quang Minh (lớp E). Dưới chân ảnh bán thân của bạn Minh là phố Hà Nội cổ - trầm mặc, suy tư. Bên cạnh có chú thích, chữ viết tay rất đẹp và nhỏ theo kiểu trường Tây (Pháp) xưa: Bể học là vô cùng – hãy lấy cái hữu hạn để tiếp cận cái vô hạn. Câu này khó hiểu lắm, chúng ta cứ biết vậy thôi, khỏi nhọc công suy nghĩ :-)
Ở góc trái dưới của tranh: có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh thu nhỏ của thành phố Đồng Hới với biểu trưng mang tính ước lệ ở giữa rất uy nghi, trang nghiêm với chú thích: GO: Mr. Nguyen Xuan Quang, Mr. Tran Tien Dung, Mr. Nguyen Van Long et al. Qua dòng chú thích này, chứng tỏ họa sỹ bị bệnh nghề nghiệp khá nặng: họa sỹ này gốc là người nông dân lại làm nghiên cứu bàn giấy lâu năm (chắc mới chuyển nghề làm thêm là hội họa sơn tường, vẽ tranh cổ động :-). Mách nước: đối với những ai chưa rõ chữ GO: nghĩa 1: giống như trong tiếng Anh: đi, tiến bước; nghĩa 2: viết tắt của Government Office: giải nghĩa nhanh: Văn phòng của cơ quan công quyền. Cạnh trái dưới có 2 phác họa bằng bút chì: 1 nét liền thể hiện gương mặt của Mẹ Suốt (cạnh biểu trưng tính cách bất khuất của người Quảng Bình) và một phác họa nữa gồm 2 nét: dễ dàng nhận diện sông Nhật Lệ êm đềm (cạnh các nhấp nháy của sóng biển trắng xóa). Nền của góc này nhằng nhịt hình nhưng vẫn đọc được chữ Phong Nha – Kẻ Bàng. Gam màu của góc này thẫm hơn nhưng nhìn toàn cảnh giống như tạo ra đài phun nước hướng về trường.
Ở góc phải trên: dễ dàng nhận ra nền là các bãi cát trắng kéo dài tạo nên hình ảnh sinh động của câu thơ ‘Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình’ . Trên nền này có một họa tiết mang tính phác họa là 2 người dân đang bình thản câu cá - tạo ra quang cảnh đối nghịch, có phần “bất cần đời” của người dân ven biển. Khắc nghiệt thì cứ khắc nghiệt – mưu sinh vẫn ung dung tự tại.
Ở góc trái trên có một vệt hình đường hàng không biến sân bay Đồng Hới thành trung tâm. Đường này được tác giả hình tượng hóa (sửa lại bản đồ): một đầu nối Động Sơn Đoòng, một đầu lại nối với Động Thiên Đường và một đầu nối với sân bay Đồng Hới. Du khách từ khắp nơi trên thế giới bay thẳng đến sân bay Đồng Hới và làm một tour các động bằng máy bay :-) Tranh tưởng thì vẽ gì chả được!
Bức tranh này được tích hợp công nghệ hiện đại nhất. Khi ánh mắt của một ai đó nhìn vào một điểm trên bức tranh thì ngay lập tức có hai quá trình nhận dạng diễn ra: mắt đó là của ai và điểm trên bức tranh sẽ lập tức hiện VR (Virtual Reality – thực tế ảo) / hoặc bản nhạc gắn liền với những kỷ niệm, những trải nghiệm của người đó với địa điểm tương ứng. Ví dụ, bạn nhìn vào một gốc cây mà bạn đã hẹn hò … hụt với “người mình yêu” – chưa phải là người yêu mình – thì trên tranh sẽ tự động xuất hiện một video clip (kiểu như live stream hiện nay ấy) phát lại toàn bộ quá trình của bạn: tập tỏ tình trước khi hẹn, thời gian chờ tưởng dài như vô tận của cuộc hẹn và sự tẽn tò của bạn khi đến 10h tối mà “người ấy” không đến (10h tối hồi ấy là muộn lắm rồi). Đại loại thế.
Đấy, tranh của mình đến đây là hết rồi. Ngày mai mình lại mưu sinh nên mình vẽ tranh tặng các bạn xem. Các bạn chịu khó xem nhé! Thích hay không thích thì cứ Like cho mình một cái để động viên :-)
---

Quyết định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục (lúc đó là ông Nguyễn Văn Huyên) cử thầy Lê Khánh (ba của bạn Lê Thị Diệu Ty) về làm Hiệu trưởng trường Cấp 3 Đồng Hới.
Ngày ra quyết định: 18/10/1963