K/g các anh/chị BelUnion
Kể từ đợt BelUnion về hè 2012 tại Quảng Bình thấm thoắt đã hơn 4 năm – đúng là time flies! Gia đình nhỏ của levanloi về quê đợt này vào cuối tháng 11 – mùa đông. Sao lại về mùa đông? Báo cáo các anh/chị là nhằm tránh cái nóng “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” và tránh cái dữ dội của thảm họa môi trường Formosa (Formosa nằm ở ranh giới Hà Tĩnh – Quảng Bình, dòng hải lưu đã đẩy chất thải độc hại của Formosa dọc theo tầng đáy ven bờ biển từ Quảng Bình đến Quảng Trị đến Thừa Thiên – Huế, giết hết tôm cá biển – vốn là mưu sinh của bà con sống dọc theo bờ biển, gây ra cảnh hoang tàn về du lịch – đặc biệt cho Quảng Bình).
Gia đình tôi vẫn chọn Sun Spa Resort để nghỉ mấy ngày dù biết rằng mùa này nơi đây sẽ rất vắng. Thôi thì một chút hồi ức về trải nghiệm BelUnion tại Quảng Bình vì BelUnion cũng đã chọn nơi này vào năm 2012. Và hơn nữa tôi vẫn muốn có một trải nghiệm về du lịch Quảng Bình vào một thời điểm mà có lẽ là điểm Min trong đồ thị phát triển. Hôm tôi về lại đúng vào đợt mưa rét, tôi thầm nghĩ “thế là cầu được ước thấy” nhé.
Đến Sun Spa, đi một đoạn từ cửa đón khách (reception) đến các điểm khác trong resort vẫn thấy nhân viên của resort “chốt” tại các điểm, vẫn tươi cười chào đón khách, đèn vẫn sáng tại quán bar, tại bể bơi, tại các lối đi dẫn ra các điểm nghỉ dưỡng, … Tất cả chất lượng dịch vụ vẫn được đảm bảo, mặc dù đây là mùa đông, đây là thời điểm thấp nhất sau thảm họa môi trường Formosa. Thật đáng nể tư duy của tập đoàn Trường Thịnh (chủ của Sun Spa Resort), họ bền bỉ, kiên tâm với thời gian để vượt khó. Tôi nhìn các gương mặt tươi cười của nhân viên và thấy họ thân thương biết nhường nào. Biển mùa đông ngoài kia vẫn gầm rú nhưng cây lộc vừng trước cửa khu nghỉ dưỡng vẫn tĩnh lặng ìm lìm trổ các giải lụa hoa một cách điệu đà.
Về vào mùa mưa ẩm ướt ở Lệ Thủy (quê của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, quê của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quê của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm), nước lũ vẫn còn ở trên sông Kiến Giang, nước lũ vẫn tràn Vời (Vời là đầm nước lợ nối sông Kiến Giang với sông Nhật Lệ) mới thấy trái ngược hẳn với mùa nắng nóng khô hạn, vốn là bias của dân tứ xứ khi nghĩ về Quảng Bình. Đường nhựa và đường cốt bê tông chăng khắp nơi, len lỏi đến tất cả các làng quê nghèo. Lướt xe trên đường nhựa có một cảm giác thật thú vị, một cảm giác “phượt” khi nhìn thấy sát mép đường là nước phù sa màu bàng bạc (màu của đất sét trắng), một cảm giác như đi thăm vùng bưng biền của Nam Bộ, chỉ khác là phù sa sông Me-kong màu thẫm huyết dụ. Nước là tài sản Trời ban cho con dân Lệ Thủy. Dân Lệ Thủy từ lúc làm nhà đã phải chuẩn bị để chống lụt. Nước lụt hàng năm là một phần của đời sống dân Lệ Thủy. (Chả cứ dân Lệ Thủy, nước chẳng phải là nguồn gốc của sự sống, là nguồn gốc của muôn loài đó sao?!)
Du lịch Lệ Thủy có gì? Có, nhưng ít và đơn sơ lắm. Du lịch văn hóa có Hò khoan nhưng Hò khoan đang mai một và dần chìm vào quên lãng. Anh/chị muốn nghe một câu hò của Hò khoan? Rất khó tìm được bối cảnh và người để dựng một script “Hò khoan – Giã gạo”. Giã gạo thì không còn nữa – máy móc làm hết rồi. Thật khó để dựng cảnh trai gái đối đáp qua câu hò. Thường là gái đưa ra câu đối (một dạng văn vần – thơ: tức cảnh thành thơ) và trai hò đáp lại (cũng là thơ tức cảnh). Một hình thái sinh hoạt văn nghệ dân giã và tình tứ lãng mạn, có lẽ rất nhiều ở các vùng quê khác cũng có, chứ không riêng gì ở Lệ Thủy. Một giai thoại (chưa có bằng chứng chứng minh) là Hò khoan đã được Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, lúc mở mang bờ cõi nước Việt tại Đồng Nai, Sài Gòn và An Giang đã xuất khẩu thành các điệu hát Cải lương. Cái này là do con dân Lệ Thủy quá tôn thờ Nguyễn Hữu Cảnh mà suy diễn ra thế chăng?!
Du lịch văn hóa còn có lễ hội đua thuyền (dân ở đây gọi là bơi trải) nhưng chỉ xảy ra vào dịp Tết Độc lập (2/9). (Nói băng ngang một chút: không hiểu sao dân Lệ Thủy gọi ngày 2/9 là Tết Độc lập chứ ít khi gọi là Quốc Khánh – chắc là dân thích ăn Tết :-)). Phần nói về văn hóa bơi trải hơi dài, nếu có thời gian xin hầu anh/chị bằng một entry khác.
Nếu anh/chị quan tâm đến du lịch tâm linh thì Lệ Thủy có nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp (xin lưu ý là nhà chứ không phải là lăng mộ), khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh và chùa Hoằng Phúc. Xin các anh/chị chuẩn bị tinh thần trước: mọi thứ ở đây đều đơn sơ, tĩnh lặng và có phần vắng vẻ. Nếu anh/chị có nhu cầu nghe tiếng ồn ào đông vui hay cần sự nhộn nhịp, nhìn thắng cảnh qua vai và lưng của người khác thì đi thăm các nơi này không phải là sự lựa chọn lý tưởng.
Nhà tưởng niệm của bác Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy. Nhà 3 gian, 2 chái, có một bác thuộc dòng họ Võ trông nhà và đón khách. Làng An Xá nằm ở cuối sông Kiến Giang, giáp với Vời (Vời là đầm lầy nước lợ). Nhà tưởng niệm của bác Giáp tương đối dễ tìm: từ Đồng Hới đi xuôi về hướng nam khoảng 40 km, đến ngã ba Cam – Liên rẽ phải, vào chợ Tréo, qua cầu Liên Thủy – Phong Thủy đến làng Đại Phong xuôi theo hữu ngạn sông Kiến Giang khoảng 2 km là đến.
Khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh nằm ở xã Trường Thủy, phía thượng nguồn sông Kiến Giang. Kiến trúc theo tư duy đời nhà Nguyễn, có lẽ bắt chước khu lăng tẩm đền đài ở Huế: khu vực chờ cách ly bởi một hồ sen rồi đến phần thờ Trời, tiếp đó là bàn thờ và tựa vào sườn núi là lăng mộ (đầu tựa núi – chân đạp thủy). Phải nói khu lăng mộ được xây rộng rãi ở trên khu vực núi cao thể hiện sự tôn kính đối với người đã có công lớn mở mang bờ cõi của Việt Nam. Chỉ tiếc là địa điểm hơi khó tìm: từ Đồng Hới đi xuôi về hướng nam khoảng 40 km, đến ngã ba Cam – Liên rẽ phải, vào chợ Tréo, qua cầu Liên Thủy – Xuân Thủy, đi tiếp đến xã Mai Thủy, hỏi đường đi lên Thác Ro, xã Trường Thủy. Gần đến nơi, anh/chị sẽ nhìn thấy bảng chỉ dẫn ra khu lăng mộ.
Chùa Hoằng Phúc nằm ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy. Trước đây, khi tôi còn nhỏ, mọi người hay gọi là chùa Trạm. Chùa được Phật hoàng Trần Nhân Tông lập năm 1301 (như vậy là đã 715 năm!). Mãi tận cuối năm 2014 chùa Hoằng Phúc mới bắt đầu được phục dựng và đầu năm 2016 đã khánh hạ. Trong các vết tích chùa cũ, có một hình ảnh rất đáng chú ý: cổng chùa cũ có một cây cổ thụ (hình như là cây si) ôm và che cho cổng chùa, một hình ảnh rất thú vị: cây si như muốn che chở cho chùa, đẩy mọi tai ương và ma quái ra khỏi chùa. Chùa tương đối dễ tìm: từ Đồng Hới đi xuôi về hướng nam khoảng 40 km, đến ngã ba Cam – Liên rẽ phải, vào chợ Tréo rẽ trái, ngược theo tả ngạn sông Kiến Giang khoảng 3 km sẽ dễ dàng nhận ra khu chùa vì khu chùa có 2 tháp cao nổi bật so với các nhà dân cư khác.
Ăn ở đâu? Nổi tiếng nhất là quán ăn có tên Quê Hương (quán Quê Hương nằm ở khu Mũi Viết là trung tâm thị trấn Kiến Giang). Anh/chị nhớ nhắc họ nấu ít ớt nếu anh/chị không quen ăn cay (cay lắm đấy – nếu anh chị không nhắc là không ăn nổi đâu). Có 2 món mà tôi yêu thích là chả cá thát lát và cá quả kho (ở Lệ Thủy cá quả được gọi là cá đô). Rau ở Lệ Thủy có nén (như hành ta nhưng mùi vị đậm hơn) – dưa nén hoặc gọi món gà kho nén.
Từ Đồng Hới đi Lệ Thủy, sau khi qua Quán Hàu, anh/chị có thể bảo lái xe đi theo đường quốc lộ mới, sát biển (gọi là đường tránh lũ). Anh/chị sẽ có một trải nghiệm thú vị, vì đường này chạy trên các đồi cát trắng, xung quanh không hề có dân cư. Đường khá êm, xe có thể dễ dàng đạt 120km/h. Một cảm giác như anh/chị xuyên qua một vùng miền tây nước Mỹ (tôi chưa đi Mỹ, do xem phim và tôi tưởng tượng ra thế :-)). Điều này càng được khẳng định khi trên đường thỉnh thoảng anh/chị bắt gặp biển hiệu đề chữ Emergency kèm theo số điện thoại – ý nói là số điện thoại gọi lúc khẩn cấp. Điểm lạ là ở chỗ biển hiệu này không có tiếng Việt. Nếu bà con ở Lệ Thủy mà đi ra đường này thì chẳng khác gì đi ra nước ngoài, chả hiểu mô tê gì sất, vì người ta toàn viết tiếng Tây. Quảng Bình đang phát triển nên có nhiều điều kỳ kỳ là lạ như thế, anh/chị thông cảm :-).
Trên đây là tôi giới thiệu để phòng trường hợp anh/chị quay trở lại du lịch Quảng Bình, đi động Sơn Đoòng để xem một vùng được khu Phong Nha – Kẻ Bàng giấu trong lòng nó hơn 2 triệu năm với rất nhiều loại động thực vật không tìm thấy nơi nào trên thế giới, go shopping khu Vin Mall (do Vin Group đang xây – nằm bên bờ sông Nhật Lệ, có view nhìn ra cửa biển, vươn qua Bảo Ninh và bên kia Bảo Ninh là bờ biển). Biết đâu khi anh/chị đã chán với những nơi kỳ vỹ hoặc những khu shopping hiện đại, anh/chị lại về với “cảnh quê”, “món quê”, trầm mặc với với văn hóa tâm linh, du lịch quá khứ ở Lệ Thủy thì sao ?!
Vui nhã
levanloi