LeVanLoi miscellaneous articles

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2023-01-25
***
Đón Tết Quý Mão (2023)
Tác giả: Lê Văn Lợi

Báo cáo với cả nhà, đón Tết bao năm rồi nhưng hôm nay mới rỗi rãi đăng một bài. Chả nhẽ cứ đọc mãi bài của thiên hạ mà mình không nói gì? 😊

-

“Chuẩn” Tết?

Thế Tết bắt đầu từ lúc nào? Nếu chiếu theo câu “ba mươi chưa phải là Tết” thì chính xác Tết chỉ có 3 ngày: Mồng Một, Mồng Hai và Mồng Ba tháng Giêng. Để thỏa mãn tính tò mò xem “chuẩn” của Tết là như thế nào, mình lục tìm trong các tàng thư và bài đăng trên mạng Internet thì được trang Wikipedia đề cập khá đầy đủ về Tết. Hóa ra Tết bắt đầu từ tận Rằm tháng Chạp và mãi đến Khai hạ (Mồng Bảy tháng Giêng) mới hết Tết (khoảng 3 tuần).

▶ Rằm tháng Chạp: “Tổng kết” năm và lên “kế hoạch” đón Tết.

➥ Cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp): chính thức sửa soạn đón Tết, tiễn thần bếp lên Trời và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu của gia chủ.

➥Tất niên (30 tháng Chạp): cỗ cúng và gia đình sum họp lại với nhau để ăn cơm buổi tất niên.

➥ Giao thừa: đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà (ngoài trời).

➥ Ba ngày tân niên (Mồng Một, Mồng Hai và Mồng Ba tháng Giêng).

① “Ngày mồng Một tháng Giêng” là ngày Tân niên đầu tiên và được coi là ngày quan trọng nhất trong toàn bộ dịp Tết, người Việt cổ thường không ra khỏi nhà, chỉ bày cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc và chúc tụng nhau trong nội bộ gia đình. Đối với những gia đình đã tách khỏi cha mẹ và cha mẹ vẫn còn sống, họ đến chúc Tết các ông bố theo tục: Mồng Một Tết cha.

② “Ngày mồng Hai tháng Giêng” là ngày có những hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta chúc Tết các bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Riêng đàn ông chuẩn bị lập gia đình còn phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai (nhạc gia) để chúc Tết theo tục Đi sêu.

③ “Ngày mồng Ba tháng Giêng” là ngày sau khi cúng cơm tại gia theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết, các học trò thường đến chúc Tết thầy dạy học theo tục Mồng Ba Tết thầy.

➥ Hóa vàng: Tục hóa vàng ngày Mồng Ba hoặc Mồng Bảy, không ít gia đình vẫn theo truyền thống cũ: làm cơm, đốt vàng mã gửi người thân khuất bóng lời cầu nguyện một năm mới nhiều may mắn.

▲ Khai hạ: Ngày Mồng Bảy tháng Giêng là ngày cuối cùng của chuỗi lễ hội Tết. Trong ngày này, người Việt làm lễ hạ Cây nêu, gọi là lễ Khai hạ, kết thúc Tết.

-

Đó là nói về lịch, còn sớ, hàng mã và văn khấn thì sao?

Sớ là một loại văn bản cổ dùng để trình bày ước vọng của người dưới dâng lên bề trên mong được y chuẩn. Ứng dụng của sớ rất rộng rãi, nhưng thời nay chỉ còn sử dụng trong việc cúng lễ. Sớ cũng có niêm luật chặt chẽ và không phải ai cũng làm được. Vì vậy, đối với các gia đình thông thường như gia đình mình, việc này “bà xã” phải cậy nhờ đến thầy ở chùa. Thông thường có các sớ để cúng ông Công ông Táo, cúng Tất niên, cúng giao thừa, cúng ngày Mồng Một và cúng ngày Mồng Ba (Hóa vàng).

Vàng mã là gì? Là một loại giấy kích thước và trang trí giống (hoặc gần giống) với đồ dùng ở âm giới như giấy bạc hoặc quần áo. Theo quan niệm của những người còn sống, những người đã chết được đưa xuống cõi âm, một nơi giống với cõi dương. Những người ở cõi âm đều sinh hoạt giống như trên dương thế và họ cũng cần có những vật dụng dành cho cuộc sống. Việc chuẩn bị cho các lễ còn tùy tâm và tùy vào năng lực của từng gia đình. Chợ ngày Tết rất dễ nhận biết một số lễ gần thành chuẩn: bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo, bộ vàng mã cúng lúc giao thừa.

Việc chuẩn bị văn khấn cũng không phức tạp. Nhà mình chọn mua một quyển văn khấn nôm theo bài. Cứ đến dịp nào là giở bài tương ứng ra đọc. Một cách giản lược: tục thờ cúng tổ tiên của người Việt chúng ta là một cách kết nối dương gian với âm giới. Khi cúng, chúng ta mong muốn ông bà tổ tiên “hâm hưởng” các thứ chúng ta sắp đặt một cách cung kính lên bàn thờ. Đồng thời chúng ta mong muốn ông bà tổ tiên phù hộ độ trì cho toàn bộ gia đình già trẻ gái trai đặng được sức khỏe, công việc được thuận lợi, may mắn. Lời văn các bài khấn như không hề có cách trở âm dương. Ngẫm kỹ nội hàm của bài khấn chúng ta có cảm giác là khi khấn ông bà tổ tiên như nghe được ước nguyện của chúng ta. Thế mới nói lòng tin là tiên đề. Đã nói đến lòng tin thì chúng ta không cần phải giải thích. Chúng ta tin như thế - đơn giản thế thôi.

Còn nhớ lúc Bà (mạ của mình) còn sống, Bà thường cúng đọc lầm rầm – mình cũng chú ý nghe lõm bõm nội dung. Sau khi đọc qua các quyển sách khấn mua về và nhớ lại, mình thật sự ngạc nhiên vì nội dung rất giống với những gì Bà đọc lẩm nhẩm mình đã từng nghe mặc dù Bà không biết chữ. Văn hóa truyền khẩu thật là vĩ đại!

-

“Chuẩn” ở đâu nữa?! Cứ người người, nhà nhà làm từa tựa như nhau thì đấy là chuẩn! 😊

-

Đón Tết ở đâu?

Đón Tết ở đâu? Câu trả lời tưởng hiển nhiên: đón Tết ở nhà, ở quê – chứ còn ở đâu nữa?! Ấy thế nhưng đối với những cư dân di cư như mình thì câu chuyện “quê” lại không được mặc nhiên như thế. Mình gốc Lệ Thủy, Quảng Bình nhưng lại sinh sống ở Hà Nội đã 38 năm - và lại thường đón Tết ở Hà Nội. Ở lâu thì thành quê – có lẽ thế. Nhà mình may mắn nằm trong làng Bái Ân – phường Nghĩa Đô, dọc theo cạnh phía Bắc của Hồ Tây (đường Lạc Long Quân). Tuổi đời của làng Bái Ân kém đúng 1 tuổi so với Thăng Long – Hà Nội, tức là làng ra đời từ năm 1011 (đã 1012 tuổi).

Xin được lược kể thánh tích của làng:

Sau khi ra Thăng Long, chỉ 1 năm sau (1011) vua Lý Thái Tổ đã ra kinh lý vùng Bưởi. Theo truyền thuyết đã được chép vào sử sách thì đầu xuân (1011) nhà vua ngự thuyền trên sông Tô Lịch ra chơi ngoại thành. Đến bến Giang Tân, nhà vua thấy có mấy vuông lĩnh giăng lên vẽ một con rồng uốn khúc bay. Vua liền dừng thuyền lên bờ hỏi một cụ già thì được biết ở đây có nghề dệt lĩnh, lụa và vẽ rồng tượng trưng cho sự kiện rồng bay lên (thăng long) để đón nhà vua. Vua hỏi về từng làng ở ven sông Thiên Phù và sông Tô Lịch rồi cho đổi tên các xóm bến, xóm nghè, xóm dậu là xã Nghĩa Đô vì là dân có nghĩa (với vua) và cho đổi tên xóm bãi là Bái Ân (nghĩa là ân thấm khắp cả).

-

Làng Bái Ân bây giờ tuy đã thành “phố” hết cả rồi nhưng vẫn giữ được lõi của làng Việt Nam cổ: làng có chùa (chùa Dụ Ân), có đình làng là nơi thờ phụng thành hoàng làng - cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng chung cho con cháu, dòng tộc trong làng cũng như cư dân ở đậu như gia đình mình. Vào chiều Mồng Một Tết hàng năm cả nhà mình thường đến lễ chùa Dụ Ân đầu tiên rồi đến thăm đình.

Làng Bái Ân có 3 thành hoàng làng, rất đặc biệt. Thánh tích kể là:

Vào đời vua Lý Nhân Tông (1072-1127), vua hay ốm đau, chữa mãi không khỏi. Lúc đó có thầy pháp y cho rằng phía mạn Bưởi và Nghĩa Đô bây giờ có thần sông đòi phải có hiến tế người thì vua mới khỏi bệnh. Cung vua lúc bấy giờ ra lệnh là người nào đầu tiên ra bãi phải nhảy xuống sông hiến tế. Làng Bái Ân có một cặp vợ chồng nhảy xuống sông hiến tế vào ngày 30/11 âm lịch. Người em của người chồng thấy anh và chị dâu đã mất thì cũng đòi đi theo và cũng nhảy xuống sông tự vẫn vào ngày 6/12 cùng năm. Vì lý do này, làng Bái Ân có 3 thành hoàng làng gồm cặp vợ chồng và người em và có 2 ngày giỗ là 30/11 và 6/12 âm lịch.

-

Cảnh sinh hoạt ngày Tết ở chùa Dụ Ân (thuộc làng Bái Ân) và đình làng vẫn đượm tình quê. Cây cảnh trong chùa được con cháu gần xa cung tiến (cúng dường). Mình là dân di cư đến nên không quen ai ở làng nhưng thấy người làng đến nói chuyện rất thân mật với thầy trụ trì chùa. Đình làng luôn luôn có người túc trực ba ngày Tết để đón khách đến thăm (người làng và khách thập phương). Khách được lì xì một phong bao màu đỏ, một gói muối và một chiếc bật lửa. Vì sao phong bao màu đỏ, gói muối và bật lửa?

(*) Màu đỏ là tượng trưng cho may mắn.

(*) “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là phong tục tập quán quen thuộc của người Việt để tiễn năm cũ, đón năm mới. Theo quan niệm xưa, việc mua muối đầu năm để chào đón may mắn, tài lộc. Ý nghĩa của việc “muối đầu năm” còn là để cha mẹ nhắc nhở con cái “ăn dè, ăn nhịn”, tiết kiệm để dành tiền “cuối năm mua vôi” xây nhà. Sở dĩ, câu nói này có ý nghĩa như vậy bởi với người Việt, “tậu trâu, lấy vợ, làm nhà” là 3 việc quan trọng của đời người.

(*) Chiếc bật lửa chứa đựng những mong muốn về một năm mới an lành, vui vẻ và nhiều tài lộc.

Vãn cảnh chùa

Ngày Tết, khi  hương xuân đã tràn ngập đất trời, thì dường như người ta lại mong muốn tìm về một khung cảnh, một không gian gợi mở tâm hồn, như một dịp để nhìn lại chính mình trong thời gian qua, để chiêm nghiệm nhiều điều trong cuộc sống, để hướng về những giá trị của tâm linh.

Nhà mình chiều Mồng Một Tết đi vãn cảnh chùa ở các chùa gần nhà. Như đã kể ở trên, đường du xuân vãn cảnh chùa bắt đầu từ chùa Dụ Ân (của làng Bái Ân) rồi đi bộ sang chùa Võng Thị, tiếp đó là chùa Sải (Tĩnh Lâu tự). Chùa Võng Thị và chùa Sải cạnh Hồ Tây nên cảnh rất đẹp.

Lễ chùa vào ngày Tết đem lại cho chúng ta một cảm giác thanh tịnh khác thường. Chúng ta biết giáo lý của nhà Phật là lòng từ bi, bác ái cho muôn vật (chúng sinh). Cùng với tiếng chuông chùa, tiếng kinh nhè nhẹ lặp “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật” tạo không gian chùa như đắm vào Vũ trụ bao la, cảm nhận được sự lắng đọng, yên tĩnh của vạn vật. Tâm của chúng ta vì vậy tĩnh lặng, hiền hòa, thời gian như chậm lại, bình an phủ khắp.

Sáng Mồng Hai Tết nhà mình đi chùa Kim Liên, phía bên kia Hồ Tây ở mạn Nghi Tàm, Quảng An. Ban đầu chùa có tên là Đại Bi, về sau chúa Trịnh tu bổ lại vào năm 1771 và đổi tên là Kim Liên.  Chùa gốc là một đảo, có kiến trúc như bông sen lặng lẽ trên mặt Hồ Tây. Bà (mạ của mình) có di ảnh được gửi vào chùa, nương nhờ cửa Phật, hằng ngày được nghe kinh, nhờ đó được siêu thoát lên cõi Cực Lạc – Vĩnh Hằng. Nhờ được gửi ở đây, hàng năm gia đình mình đến thăm Bà mặc dù mộ của Bà nằm ở Lệ Thủy, Quảng Bình cách Hà Nội hơn 500 km. Cửa Phật đã kết nối âm dương và xóa nhòa khoảng cách.

-

Chúc Tết trên Metaverse

Khác với thời xưa thông tin hiếm hoi đến mức chỉ nghe được lời chúc Tết trên đài phát thanh công cộng qua thời điểm giao thừa (mà nghe cũng không rõ vì tiếng pháo Tết) – còn bây giờ thì tràn ngập lời chúc, hình ảnh, video clip trên các mạng xã hội. Chỉ nội việc bấm Like thôi cũng đã mỏi tay. 😊

Để đáp lại tấm thịnh tình, cho mình gửi lời chúc Tết đến cả nhà (friends trên Facebook) bằng hình vẽ có sự trợ giúp của phần mềm trí tuệ nhân tạo DALL·E theo các phong cách hội họa dân gian là phong cách tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), phong cách tranh Hàng Trống (Hà Nội), phong cách tranh Kim Hoàng (Hà Tây cũ) và phong cách tranh làng Sình (Huế).

-

Chúc cả nhà Quý Mão AN KHANG THỊNH VƯỢNG!

---

-

-

-

---