-
Có thể tiêu đề trên từa tựa như “Return to Eden”. Tuy nhiên, “Return to Eden” là một series truyền hình hư cấu của Australia nhưng “Return to Belgium” là một câu chuyện có thật … sắp xảy ra của BelUnion (12/09/2019 – 18/09/2019). Trong bài post này tôi chỉ đề cập đến thứ vô hình mà anh/chị không nhìn thấy. Thứ mà anh/chị nhìn thấy thì tôi làm sao mà “dám khoe”, con mắt anh/chị còn tinh đời hơn nhiều ấy chứ.
Cảnh báo: Thông tin của bài này không đáng tin cậy lắm đâu vì người viết là U60 – nhớ nhớ quên quên khi ở tuổi này là chuyện thường ngày ở huyện. 😊
Tuổi chúng tôi bây giờ là U60. Lúc chúng tôi đến Belgium là U20. Hơn bốn mươi năm rồi. Càng già người ta càng sống với hoài niệm, đặc biệt là hoài niệm đẹp, hoài niệm mộng mơ. Xin trích lời trong bài ca “Mong ước kỷ niệm xưa” của nhóm Tam ca 3A:
~
Nếu có ước muốn trong cuộc đời này
Hãy nhớ ước muốn cho thời gian trở lại
Bên nhau tháng ngày, cho nhau những hoài niệm
Để nụ cười còn mãi lắng trên hàng mi, trên bờ môi
~
#BelUnion. Ngày xửa ngày xưa … cuối năm 1978 và năm 1979. Để dễ hình dung, năm đấy sau năm 1975 là 3 năm. Mà năm 1975 sau 1945 là 30 năm. Việt Nam sau ngày Độc lập là chiến tranh và chia cắt. Chúng tôi lớn lên trong chiến tranh, bom đạn, đói khổ, chia cắt. Cả một dân tộc như vậy, không riêng gì chúng tôi. Người ta nói rằng một vết thương 30 năm của một đất nước phải cần ít nhất 40-50 năm để hồi phục. (Hình như là đúng phải không nhỉ?) Thế hệ chúng tôi được “may mắn” trải nghiệm qua tất cả.
Chúng tôi đến Belgium chia làm 3 đợt, gọi theo “phương ngữ” BelUnion là 3 thê đội:
@Thê đội 1: Đến Bruxelles sáng thứ Năm 26/10/1978 gồm 10 anh (xếp theo ABC): Đặng Quốc Anh, Phạm Mạnh Cổn, Trương Quốc Dũng, Lê Thái Hồng, Nguyễn Khiêm, Lê Đức Kiển, Nguyễn Hồng Quang, Mai Huy Thế, Trần Văn Thìn, Lê Văn Vọng;
@Thê đội 2: Đến Bruxelles vào thứ Tư 1/11/1978: gồm 11 anh (xếp theo ABC): Lương Mạnh Bá, Nguyễn Ngọc Hà, Phạm Hồng Hải, Phan Huấn, Nguyễn Sỹ Huề, Nguyễn Quốc Khánh, Lê Văn Lợi, Vũ Xuân Minh, Trần Hữu Nam, Lê Thanh Nhân, Trần Quốc Trung;
@Thê đội 3: Đến Bruxelles vào cuối năm 1979 gồm 20 anh (xếp theo ABC): Dương Văn An, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Đàm, Trần Quang Đẩu, Trần Văn Điệt, Phạm Quang Hà, Nguyễn Viết Hải, Trần Văn Hùng, Nguyễn Viết Khôi, Phạm Mạnh Lâm, Tạ Ngọc Long, Phạm Văn Năng, Nguyễn Kỳ Phượng, Đặng Đình Quang, Nguyễn Minh Tân, Bạch Văn Thuần, Trương Tiến Thục, Vũ Đức Trọng, Nguyễn Văn Vinh, Ngô Trọng Vũ;
Quay ngược thời gian một chút trước đó 5 năm, vào các ngày 6&7/10/1973, anh Đỗ Tấn Sỹ đã chủ trì thành lập @Hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Belgium. Hội này cùng với các thê đội 1, 2, 3 ở trên chúng tôi đặt tên và gọi là BelUnion.
Sao lại có tên là BelUnion. Chúng ta tách ra thành 2 vế gồm Bel và Union.
*. Bel là tiếp đầu ngữ của Belgium. Đồng thời khi phát âm Bel cũng có nghĩa là đẹp – trong tiếng Pháp là Beau - Belle, trong ngôn ngữ Latin là Bellus – Bella. Belle trong tiếng Anh còn có nghĩa là “đẹp nhất”, ví dụ: “Belle of the season”.
*. Union có nhiều nghĩa nhưng chúng tôi chọn từ “Hợp nhất”. Từ “Union” có lịch sử phát triển từ Latin (và tiếng Pháp cổ) là “Unus” (một) – “Unio” (đoàn kết) biến thành từ “Union” trong tiếng Anh vào thời kỳ Trung hưng.
**. Như vậy, BelUnion là “Hợp nhất các bạn hữu đã từng học tập, nghiên cứu và sinh sống tại đất nước Belgium xinh đẹp từ thời kỳ những năm 80”. Anh/chị thấy không, một từ ngắn thế mà giải nghĩa được rất dài! 😊
-
#Wonderland. Bây giờ nếu các anh/chị muốn đi chơi ở đâu đấy trên toàn thế giới thì chỉ cần có tài chính tốt + mấy click chuột là có thể tham quan và trải nghiệm các nền văn hóa khắp 5 châu – dễ như thay một nốt nhạc vậy. Nhưng đối với chúng tôi hồi đó, Belgium là xứ sở thần tiên (wonderland). (Bây giờ cũng vậy – chả thế mà chúng tôi lập kế hoạch cả năm nay chỉ để phục vụ cho “chuyến trở về quê” này đó sao?!) Ngoài ra, BelUnion còn là cả một thế giới lãng mạn. Tại sao tôi lại nói như vậy. Các anh/chị chịu khó đọc giải thích của tôi nhé:
Có một điểm đặc biệt và khá tình cờ là đoàn chúng tôi toàn nam sinh trong khi anh Đỗ Tấn Sỹ chỉ có 3 cô con gái. Để mô tả 3 cô con gái của anh/chị Sỹ, tôi xin phép “nhại và modifier” thơ của Nguyễn Du:
~
Toàn tập ba ả tố nga,
Chương Đài chị cả, tiếp là Kỉnh Trang.
Sau cùng là bé Minh Giang,
Mỗi người một vẻ, mười trang vẹn mười.
Nét chung: trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
~
Tất nhiên, các “ả tố nga” bây giờ đều đã thành gia thất và thần thời gian đã góp phần tàn phá một ít nhan sắc của họ nhưng trong con mắt của lũ chúng tôi ngày ấy là thế - “Beauty is in the eye of the beholder”.
Lại nói thêm về anh chị Bảy. (Như chúng ta đều biết, đây là một cách gọi thân mật của các gia đình Nam bộ đối với anh chị Đỗ Tấn Sỹ - anh Sỹ là con thứ sáu trong gia đình nên gọi là anh Bảy.) Anh Bảy có bằng tiến sỹ, là một nhà vật lý học, toán học. Gần đây anh có rất nhiều bài báo và nghiên cứu về toán cao cấp, cơ học lượng tử (Quantum Mechanics). Vào thời chúng tôi mới sang Belgium, anh tập hợp xung quanh anh các anh em sinh viên, trí thức. Anh Bảy có gương mặt bầu bĩnh, hiền lành và luôn toát lên vẻ trí tuệ tiềm ẩn ở bên trong. (Các anh trong Hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Belgium cũng khắc họa một nét tương tự: cao ráo, hiền lành, trí tuệ và thường đeo kính. 😊)
Chị Bảy là tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam “đời xưa”. Chị Bảy tôi không biết tên thật, chỉ biết chị là vợ anh Bảy. Sự nghiệp của chị là sự nghiệp của anh Bảy. Chị cũng giống như rất nhiều bà mẹ Việt Nam, tên của chị là tên của chồng, công việc của chị là phụng sự chồng và gia đình. Một sự hy sinh thầm lặng, tạo nên một chuẩn mực gia đình tiêu biểu của giá trị truyền thống Việt Nam theo kiểu “đời xưa”.
“Lãng mạn BelUnion là thế đấy!” :-)
-
#Union_of_Love. Khi chúng tôi đến Belgium, tuy chúng ta đã thống nhất đất nước nhưng lòng người Việt Nam vẫn còn chia cắt. Các hoạt động mà anh Bảy dẫn dắt anh em chúng tôi đều là các hoạt động yêu thương, ái hữu, giúp đỡ, hòa hợp, hòa giải và tất cả đều hướng về Việt Nam. Các hoạt động này chuyển từ trạng thái chia cắt, thù hận đó thành trạng thái kết nối, yêu thương.
Có rất nhiều các hoạt động vào các dịp lễ, tết nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là hoạt động “cắm trại”. Các “trại” hồi đó gồm “trại hè”, “trại đông” và “trại lễ Phục sinh”. Còn trại lần này ở Heidehoeve, Someren, Hà Lan (từ chiều 13 đến sáng 15 tháng 9) có thể gọi là trại “thu-đông”, vì đã hết hè nhưng cũng chưa tới mùa đông. Nghe từ “cắm trại” có vẻ rất hoang dã, nhưng thực tế không hẳn thế đâu. Cũng trong ấm ngoài êm, không đạt đến mức như ở khách sạn nhưng cũng không kém là bao.
Cắm trại là một sinh hoạt cộng đồng rất đặc biệt. Khi ở đời thường có thể chúng ta vẫn giữ một khảng cách nào đó, nhưng khi đến trại thì mọi cách biệt đều bị xóa nhòa. Hơn nhau ở trại chỉ là thắng cờ tường hoặc thắng tú lơ khơ “tiến lên” hay siêu hơn là bơi được nhiều vòng bể bơi 15 – 20 mét. Ngôn ngữ ở trại là ngôn ngữ “nịnh” nhau là chính. Người gầy sẽ được khen là béo, người hơi béo quá thì sẽ bị chê thẳng thừng là độ này “gầy quá”. Thật ra thì mọi người vẫn thế - chỉ là ngôn ngữ yêu thương nhau thì mọi người dùng từ hơi ngược thế thôi. Hồi đó khen nịnh nhau chưa dùng từ “ngầu” như bây giờ nhưng lại dùng từ khác. Ví dụ: bộ váy này của chị đẹp “dễ sợ”, hay anh chơi bóng bàn hay “dã man”.
Sau khi rời trại, mọi người có cảm giác thân với nhau hơn. Trước đó có thể chưa vừa lòng nhau chuyện gì đó nhưng qua trại là “xóa” hết. Kết quả của trại là tình thân hữu và yêu thương.
Một địa điểm nữa mà trong chuyến “Return to Belgium” lần này mọi người hay nhắc đến là Hội quán Banning. Dịch sang tiếng Anh cho sang sang một tý là “Association Hall”. Đây là một ngôi nhà nhỏ, số 49 phố Emile Banning thuộc quận Ixelles, Brúc-xen. Có thể coi Hội quán Banning là điểm trung tâm của các hoạt động BelUnion và là “nhà khách” của BelUnion và của Hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Belgium. Tuy là ngôi nhà nhỏ nhưng đã tiếp các nhân vật lừng danh. Lấy ví dụ như ở đây đã tiếp nhà yêu nước Nguyễn Khắc Viện, đến để giải thích cho chúng tôi nguồn gốc của Khơ me đỏ (Khmer Rouge) và vì sao Trung Quốc lại xâm lược biên giới phía Bắc của nước ta. Hay ở đây cũng đã tiếp nhà thơ Chế Lan Viên nói về các vần thơ triết lý của ông. Chúng tôi còn nhớ mãi nhà thơ Xuân Diệu đến Hội quán và chê nhà này nhỏ quá. Nhân đó ông cũng trêu người bạn thân của mình là Huy Cận vì được phân phối một căn hộ 25 m2 ở tầng 2 vì Huy Cận lúc đó đang giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Còn nhiều nhân vật nữa. Muốn biết thêm chắc phải hỏi anh Nguyễn Quốc Khánh, người được cho là từ điển về sự kiện BelUnion 😊.
Đấy, chúng ta đến Hội quán Banning không đơn giản là một buổi gặp mặt đơn thuần đâu – mà đến với những hoài niệm thời gian không trở lại. Wa :-)
-
Tất nhiên, thời gian không trở lại rồi. Để níu kéo thời gian tôi liên tưởng đến một nhân vật khá tiêu biểu cho văn hóa, nghệ thuật của Belgium là Jacques Brel với bài “Ne Me Quitte Pas” (tạm dịch: Đừng bỏ rơi anh). Cũng giống như Jacques Brel đã nhân cách hóa các hoài niệm đẹp với một người tình. Hoài niệm bỏ đi giống như người tình của chúng ta bỏ đi vậy. Nhưng chúng ta sẽ nhớ mãi dù thời gian không trở lại. Trở lại Belgium lần này là chuyến du hành về hoài niệm và tất nhiên là cả thưởng thức các món đặc sản nữa. Háo hức quá!
-
Chỉ còn vài tiếng nữa là đến giờ lên máy bay. Nếu có anh/chị nào sốt ruột và cần giết thời gian thì đọc post này cho chóng đến giờ G.
Hẹn gặp lại bên đó vào trưa mai!
Vui nhã
LeVanLoi