Báo cáo anh Bảy là kể từ hôm anh Bảy gửi email giới thiệu bài của anh đăng trên Applied Physics Research [Vol 7, No 2 (2015): Differential Transforms. The Case of the Fourier Transform, tạm dịch, Biến đổi vi phân – trường hợp biến đổi Fourier] – do anh có động viên em là “chịu khó một chút”, nên định bụng sẽ đọc vào dịp nghỉ 30/4 – nhưng sau khi chịu khó rất nhiều nhìn vào bài báo của anh, em vẫn như nhìn vào bức vách :-)
Em biết là anh muốn chia sẻ niềm vui và rất mong có nhiều người chia sẻ với các phát hiện của mình, but unfortunately, anh có thể cô đơn với hiểu biết của mình! Thưa anh, chuyện này là rất thường ạ. Trong một bài viết giới thiệu về Thuyết tương đối của Einstein, tác giả (em không nhớ tên) có phỏng đoán rằng trên thế giới số người hiểu thuyết này một cách đầy đủ không vượt quá con số 18!
Đành phải gác lại việc tìm hiểu vi phân, tích phân, biến đổi Fourier để đi du lịch Huế - muốn hiểu thêm về 9 đời chúa và 13 đời vua nhà Nguyễn. Huế thật lạ. Người Huế vẫn nhẹ nhàng như muốn giữ chậm, níu kéo thời gian đừng trôi nhanh mặc cho đời “giao lưu ảo trên mạng” không ngừng “câu view” bằng mọi cách với tốc độ chóng mặt.
Đời Vua Minh Mạng là đời thịnh trị nhất nước ta thời phong kiến, trên bộ mở mang bờ cõi còn rộng hơn cả ngày nay, trên biển có các hải đội Hoàng Sa và Trường Sa, trấn giữ đường buôn bán hàng hải trên biển – được thuyết minh rằng lúc đó vua Minh Mạng đổi Việt Nam thành Đại Nam, khống chế Ai Lao, kiểm soát Chân Lạp, cử quan đến đô hộ Nam Vang. Ông cũng là tổng chỉ huy thủy binh, đặc biệt là làm chủ hoàn toàn các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tưởng tượng một biểu đồ Descartes trong đó trục hoành là thời gian và trục tung là thế cuộc để ngẫm. Đúng là thời gian trôi đi vật đổi sao dời.
Trên trục hoành thời gian, quay lại thời điểm năm 1671 khi mà các chúa Nguyễn ở Đàng Trong miệt mài khai khẩn đất đai để mở mang bờ cõi của con cháu Vua Hùng về phía Nam thì ở phương tây Newton và Leibniz phát minh ra Calculus đặt nền tảng cho vi phân và tích phân. Vua Tự Đức cho xây lăng mộ của chính mình xong khi nhà vua vẫn trị vì. Nhìn lại, thật lạ và hấp dẫn ở chi tiết vua Tự Đức cho khắc lên bia của mình “bản tự kiểm điểm” để tạ tội với tiền nhân và giang sơn, đó là tội tuyệt tự (nhà vua không có con – đây là tội bất hiếu) và để cho Pháp xâm chiếm năm 1858 (nhà vua lên ngôi năm 1848). Thời đó nhà vua đã tự giác làm “bản tự kiểm điểm” ở cấp cao nhất và nhận mọi trách nhiệm về mình như vậy quả cũng là đi trước thời đại :-) Chiến thắng của Pháp ở Đà Nẵng năm 1858 là chiến thắng của công nghệ cao với công nghệ thấp. Quy luật này hình như vẫn apply cho thời nay!?
Đi thăm các lăng tẩm đền đài nhà Nguyễn để lại em có cảm giác như đi giữa các công viên và các lâu đài của các tiền nhân để lại cho hậu thế. Vừa lững thững đi với tâm trạng relaxed em có cảm giác các ngài vẫn mỉm cười ngắm con cháu theo thăng trầm của trục thời gian.
Các nhà bác học như Newton, Einstein, Fourier do muốn giải thích các qui luật của vũ trụ cho nhân loại nên họ “đành” phải phát minh ra các phương trình, các mệnh đề, các tính toán, … làm nền cho các quy luật như vạn vật hấp dẫn, chứng minh rằng 2 hạt ánh sáng đi ngược chiều nhau với tốc độ 300.000 km/s thì vẫn chỉ đạt tốc độ 300.000 km/s nếu so hạt này với hạt kia.
Em đoán, với tư tưởng như vậy nên bài báo của anh Bảy là nhằm làm nền cho việc giải nghĩa các hiện tượng vật lý. Ví dụ, hiện tượng khúc xạ. Liệu tia sáng đến điểm gấp khúc bị hấp thụ rồi phát ra tia mới hay tia sáng đó giống như một quả bóng bàn gặp mặt bàn rồi nẩy lên văng tiếp ra xa?
Cuối bài báo, anh Bảy có lời cảm ơn chị Bảy vì chị đã tiếp sức anh bằng trà hoa nhài. Tìm các công thức toán học và giải thích quy luật vũ trụ chỉ bằng năng lượng của trà hương hoa nhài – thật là một thú vui thanh tao lúc tuổi già. Anh Bảy ký tên là một người thuộc Hội Vật lý Tp. HCM – vẫn tao nhã, vẫn gắn với nguồn cội. Vẫn biết khoa học là không biên giới nhưng nảy mầm ở đâu – still play a very important role :-)
Chúc anh Bảy và các anh/chị luôn vui nhã.
levanloi