Các bạn ơi, mình lấy lại bài viết của mình năm ngoái để “kích hoạt” không khí năm nay một tý nhé!
Sau hội trường, chợt nhớ câu hát “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn” trong bài “Nỗi Buồn Hoa Phượng” (Thanh Sơn sáng tác). Thấy lòng nao nao - ủy mị … :-) Nếu bạn nào muốn nghe lại bài này thì vào đường liên kết: https://www.youtube.com/watch?v=j6ZjOdrwP6k (Phi Nhung hát).
Sáng 19/03/2016 học sinh cũ rất hồ hởi đến hội trường. Mình và phần lớn bạn bè tóc đã hoa sương (phong sương?), phần lớn đã lên chức ông bà, đến để tri ân trường, tri ân một thời và cùng ôn lại một thời hoa phượng. (Phải mở đầu như thế cho nó ướt át cải lương, giống như dòng nhạc bolero êm đềm thời đó, ai cũng thuộc một vài câu để ngân nga, để tỏ ra mình thuộc loại “ngầu”.)
Nghĩ cũng lạ. Quảng Bình thời năm 1973-1974, sau “chiến tranh ác liệt” 1967-1968 lại đến “chiến tranh phá hoại” 1971-1972, mà ngay sau Hiệp định Pa-ri lại mọc ra một lớp chuyên toán trên mảnh đất bị chiến tranh cày nát, mảnh đất nghèo nhất của cả nước “chó ăn đá, gà ăn sỏi” – thật cũng thần kỳ. Mình được chọn vào lớp chuyên toán. Khỏi phải nói mình sung sướng như thế nào. Mỗi một ngày đi học là một ngày hạnh phúc (dù hơi đói). Xin cảm ơn thầy cô và xin cảm ơn chính quyền thời đó. Chính quyền thời đó muốn đào tạo nhân tài – mặc dù mình chẳng trở thành người tài – nhưng kế hoạch và mơ ước của chính quyền đẹp làm sao!
Thầy Trần Thanh Thiên, chủ nhiệm và là giáo viên dạy toán. Lớp và trường đều lên quyết tâm thi đấu với các trường rất nổi tiếng thời đó (trường “Tổng hợp Hà Nội”, “Lam Sơn Thanh Hóa”, “Lê Hồng Phong Nam Định”, …) Kiểu nhà quê như mình mà được thi đấu với các bạn cao siêu các trường đó, hồi đó đã là quá tự hào. Đúng là tự hào kiểu nhà quê :-) Sau này thầy cô và các bạn khác đã đạt được nhiều danh vọng nhưng ước mơ và nỗ lực từ “sỏi đá” như thế của một thời, mình nghĩ, sẽ không bao giờ phai mờ. Mình nhớ, thời đó, khi học lớp 8, thầy Dũng dạy vật lý, tổ chức một seminar chuyên đề về “Thuyết tương đối” của Einstein. Mình còn nhớ, thầy cố gắng giải thích và thuyết phục bọn mình về thí nghiệm tưởng tượng: nếu chúng ta đi trên một du thuyền với tốc độ ánh sáng và nếu chúng ta quan sát một hạt ánh sáng đi ngược hướng với du thuyền thì chúng ta cũng chỉ đo được tốc độ ánh sáng không vượt quá 300.000 km/s! Bọn mình cũng hơi nghi ngờ nhưng vẫn vô cùng háo hức với thuyết Tương đối. Một vùng nhà quê như thế mà vẫn bàn đến thuyết Tương đối thì quá “oách” còn gì!
Trở lại sáng ngày 19/03/2016. Mình được các “quan chức” và các bạn doanh nghiệp đón đến trường bằng ô tô, sau khi đã uống cà phê sáng tại “Saigon – Quang Binh Café”, bên bờ sông Nhật Lệ, nhìn sang bên kia là Bảo Ninh, lướt ánh mắt theo cầu Nhật Lệ hơi chìm trong sương mờ, sau khi đã hít thở đầy hơi muối gió biển đưa thoảng vào. Tìm chỗ đỗ ô tô để vào trường là một vấn đề - ý nói các bạn giờ đã “thịnh vượng” lên nhiều :-).
Vào trường thì gặp ai cũng chỉ để tay bắt mặt mừng, đứng thành từng nhóm để chụp ảnh. Nhớ nhớ quên quên. Đại loại mình nghe phổ biến câu “trông cậu là mình nhận ra ngay … nhưng tên cậu là gì nhỉ?”. “Có phải hồi đó cậu yêu cái A và nó không để ý đến cậu mà nó hay để ý đến cậu B …” “Không phải à, ừ thế thì thôi, cho qua nhé”. Mọi người coi quá khứ tất cả đều là kỷ niệm đẹp, tinh nghịch và trêu nhau một thời – “bao nhiêu ngày qua chứa chan tình thương”.
Rồi bọn mình cũng phải tạm biệt – “Ngày mai xa cách mỗi đứa mỗi nơi” – “Giờ như nước trôi qua cầu” Nhật Lệ … :-)
Đất nước thịnh vượng và yên bình, thì chúng ta còn gặp lại nhau nhiều, lần sau ôn lại kỷ niệm lần gặp trước, lại bồi hồi nhớ đến quá khứ êm đềm và tươi đẹp một thời … Thế thôi.
Năm nay hẹn gặp lại các bạn khóa 1974-1977 vào ngày 22/07/2017.