Trong lúc chờ đến ngày hội khóa, mình “hầu” các bạn một chuyện nữa. Chuyện liên quan đến khóa học của tất cả chúng mình!
Chắc các bạn đều biết sự tích Marathon: cái tên Marathon bắt nguồn từ câu chuyện của huyền thoại Pheidippides, một sứ giả đưa thư người Hy Lạp. Câu chuyện kể rằng ông được phái đi từ cánh đồng Marathon (thị trấn Marathon) tới thành Athena để báo tin quân Ba Tư đã bị đánh bại trong trận Marathon. Truyền thuyết kể rằng ông đã chạy không nghỉ và khi đến nơi thì hét to "Νενικήκαμεν" (Nenikékamen, "Chúng ta đã chiến thắng") trước khi gục ngã và qua đời. Khoảng cách mà ông chạy có chiều dài chính thức là 42,195 km. Cuộc đua Marathon trong Olympic hiện đại được đưa vào từ năm 1896.
Sở dĩ mình dông dài đoạn đầu như thế là vì mình muốn dựa hơi sự tích nổi tiếng. Hồi mình học lớp 8 năm 1974 thì mình phải ở trọ ở nhà một người, hình như trên đường như đường Lý Thái Tổ bây giờ, nhưng hồi đó chưa có tên đường như vậy đâu. Khoảng cách từ nơi mình ở trọ đến nhà mình ở Lệ Thủy là khoảng 42km. Hồi đó chưa có cầu như bây giờ nên mình phải đi qua đò ôông Vần trên sông Kiến Giang (đoạn Phong Thủy qua Xuân Lai – Xuân Thủy) nên có thể coi khoảng cách chính xác là 42,195 km J!
Số là thế này: năm 1974, ba đứa mình gồm bạn Trần Tiến Dũng (hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình) – quê ở Lộc Thủy – Lệ Thủy, bạn Nguyễn Văn Khiên – quê ở Dương Thủy – Lệ Thủy và mình quê ở Xuân Thủy, trong thời gian đầu ở trọ cùng một nhà. Tuổi 14, 15 thời đó đi xa là cả một cuộc phiêu lưu (đấy là nói bạn Dũng, bạn Khiên thôi chứ mình đã đi sơ tán ở một mình từ lúc 8 tuổi cơ, đã phiêu lưu từ trước rồi – khoe tý J). Những ngày đầu ở trên Cộn (hồi đó gọi là thế), mình và hai bạn Dũng, Khiên nhớ nhà khủng khiếp. Cảm giác của một vị thành niên lần đầu tự lập nhưng rất thiếu tự tin. (Nói băng qua chuyện khác một chút: như ông Winston Churchill, thủ tướng Anh 2 nhiệm kỳ 1940-1945 và 1951-1955, khi còn nhỏ (6-8 tuổi) “được” bố mẹ ông là những nhà quý tộc Anh gửi học xa nhà và ông chỉ được gặp bố mẹ một năm một lần vào dịp Giáng Sinh. Bọn mình con nông dân mà đến tuổi 14,15 mới phải tự lập -kể cũng còn kém xa ông ý).
Trong một dịp nghỉ, nếu mình nhớ không nhầm thì đó là 2 ngày Chủ Nhật và Thứ Hai của tuần tiếp theo, Ba Người Lính Ngự Lâm (ý nói Dũng, Khiên và mình) quyết định lên kế hoạch đi bộ từ Cộn lên Lệ Thủy. Lúc đầu bọn mình nghĩ đi 42,195 km chắc như đi từ nhà trọ đến trường, xa hơn một chút thôi, chứ có vấn đề gì. Hồi đó bọn mình chưa biết sự tích Marathon nên xem mọi chuyện thật là nhỏ! Mình còn nhớ đó là một đêm sáng trăng, đã quá ngày rằm, đâu như 17 hay 18 âm lịch gì đó. Hồi đó không ai có đồng hồ cả (bạn Dũng con nhà quý tộc nhưng thời đó cũng chưa có đồng hồ! J). Mình đang ngủ ngon lành thì bạn Khiên gọi thất thanh là trời sáng rồi phải dậy đi ngay. Thế là mắt nhắm mắt mở ba chàng tức tốc lên đường. “Đồng hồ sinh học” của bạn Khiên “chính xác” đến mức mà ba đứa mình đi bộ lên Quán Hàu trời mới tờ mờ sáng J.
Ba đứa bọn mình đã không lường trước được thử thách về khoảng cách. Sau này, khi nghĩ lại, bọn mình đã rất thấm vì sao người ta chọn khoảng cách Marathon để cho các vận động viên hàng đầu của thế giới thi đấu (đi 1.000 mét khác xa đi 10.000 mét và khác rất xa nếu đi hơn 40.000 mét). Khi đi lên đến Hồng Thủy (Lệ Thủy), bọn mình người bủn rủn, gần như kiệt sức, không thể lê bước. May quá, ở đó có nhà của chị mình và bọn mình đã vào nhà chị để nghỉ ngơi và ăn cơm trưa. Có lẽ không có bữa ăn nào ngon như bữa hôm ấy. Sau này các bạn có thể thưởng thức nhiều món cao lương mỹ vị nhưng cảm giác ngon thì không có gì để so sánh với bữa hôm đó cả! Đúng là ăn vào đến đâu cảm thấy hồi sinh đến đấy. Một thử thách phải nói vượt quá sức chịu đựng của lứa tuổi.
Khi trở lại Cộn, bạn Dũng và bạn Khiên có xe đạp để đi nhưng mình vì nhà nghèo nên tiếp tục “walking”, vẫn tằng tằng “En marche”. 42,195 km từ Lệ Thủy quay về trường đối với mình đã trở nên ngắn hơn, vì có lẽ mình đã quen, đã phần nào “thấm đòn” từ lần đi và tình thần đã lên dây cót chuẩn bị cho chuyến Marathon trở lại. Đến mức, về đến nhà trọ, mình vẫn còn “thòm thèm” đi thêm một ít nữa. Đúng là khi đã vượt qua một thử thách nào đó, con người như được truyền thêm ý chí và sức mạnh nhờ đã có “trải nghiệm”.
Không biết là bạn Dũng và bạn Khiên thế nào chứ kỷ niệm đó đối với mình không bao giờ phai mờ. Sau này mình cũng gặp một số hoàn cảnh khác, một vài thử thách khác nhưng thử thách đi bộ Marathon từ Trường về Nhà và từ Nhà quay lại Trường là thử thách sâu đậm nhất.
Đó, mình hầu chuyện các bạn chuyện của bọn mình. Mình đặt tên tiếng Anh là Marathon School – Home để nghe cho nó thi vị và oách oách chút. Có thể thay địa danh huyền thoại Marathon bằng Đồng Hới. Nhưng thôi, chúng ta cứ giữ tên Marathon vì cái tên này đã trở thành tên một môn thể thao của Thế vận hội, đại diện cho một thử thách của nhân loại về chạy đường trường. Tất nhiên Marathon là chạy, còn bọn mình đi bộ. Đặt tên thế, gọi là góp vui :-).