LeVanLoi miscellaneous articles

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2017-08-25
***
Bơi chải ở Lệ Thủy
Tác giả: Lê Văn Lợi

Hôm trước có đố vui bạn Hà ở Nha Trang là ở Lệ Thủy có 2 thứ mà không có nơi nào khác có. Câu trả lời của mình là Bơi chải và Hò khoan.

Lại nhân tiện thấy bạn Hồng Hà post một video về bơi ở Lệ Thủy – tự nhiên thấy nhớ và muốn viết một cái gì đó. Khoe Lệ Thủy một chút nha – quê hương của mình mà:

Lệ Thủy gạo trắng nước trong

Ai về Lệ Thủy thong dong con người.

 

Bơi chải thời xa xưa được tổ chức vào dịp Tết Nguyên Đán. Sau ngày Độc Lập 1945 (Quốc Khánh), bơi chải chuyển sang 2-9 dương lịch. Người dân Lệ Thủy xem 2-9 cũng là Tết – gọi là Tết Độc Lập. Tết là ngày hội. Dân Lệ Thủy thích sống trong lễ hội (mà suy cho cùng thì dân nơi nào chả thích sống trong lễ hội nhỉ). Lệ Thủy là vùng sông nước. Hồi xưa đi lại ở Lệ Thủy là đi bằng đò nên thi bơi là một trò chơi dân gian gắn liền với cuộc sống hàng ngày của họ.

 

Bơi chải ở Lệ Thuỷ là một phần máu thịt của người dân. Người ta bàn tán trước 2-9 khoảng chừng nửa tháng. Mọi người đoán già đoán non là năm nay "đò" nào sẽ vô địch. Đóng đò (đóng thuyền bơi) là một phần quan trọng quyết định đến thắng lợi và vì vậy nên người đóng đò giữ bí mật đến phút chót. (Cái này thời nay dùng từ mỹ miều “bản quyền” đấy. Người xưa chưa có công cụ pháp lý nên vẫn theo kiểu dân gian là “giấu mẹo”.) Đò hay là đò đi nhẹ mà trải bơi (người bơi) không tốn nhiều sức. Sau phần "bung phao" đò đấy phải chiếm ngay vị trí đầu tiên. Phần này vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta ai đã chứng kiến xuất phát của đua công thức 1 (Formula 1), sẽ có cảm giác này rất rõ. Không có gì thú vị hơn xem "bung phao". (Viết đến đây mình vẫn có cảm giác hồi hộp và háo hức không thể nói thành lời. Mỗi lần chứng kiến thời khắc “bung phao” – mình cảm giác thấy được quá khứ hiện về, ngày vui lễ hội hàng trăm năm trước của lớp lớp tiền nhân hiển hiện ra trước mặt. Một luồng điện rùng mình chạy toàn thân. Mình nghĩ không chỉ riêng mình đâu, ai cũng có cảm giác như thế đấy.)

 

Vai trò quan trọng tiếp theo là người chèo lái. Người chèo lái không phải là anh cầm bánh lái ở phía sau đâu. Người chèo lái phải giữ nhịp sao cho đồng bộ với trải bơi. Người chèo lái thường có kinh nghiệm sông nước và đặc biệt phải rất dẻo dai. Người này phải phân phối sức lực trong suốt chặng đường bơi.

 

Đứng giữa thuyền chúng ta thấy có 2 người. Người gõ mõ bắt nhịp cho tất cả các trải bơi bơi cùng nhịp. Song song với bắt nhịp, người này thường hát một giai điệu đơn giản nào đó nhằm động viên các trải bơi (hát dân gian dễ nghe – đôi khi phải dùng một số từ sexy để gây cười và giải tỏa sức ép). Sau 2-9 người này thường mất giọng (tương tự như các ứng viên tổng thống Mỹ mất giọng sau khi trúng cử - đơn cử như tổng thống Bill Clinton mất giọng sau khi trúng cử năm 1992). Một người nữa cầm gàu tát nước để tránh đò bơi không bị chìm và họ múc nước tát và tưới lên đầu tất cả các trải bơi - một hình thức làm mát và cũng để cho các trải bơi uống một chút nước. Chứng kiến những người cổ động bơi chúng ta sẽ thấy họ lấy nón múc nước tưới cho các trải bơi. Các trải bơi thường há mồm hứng nước tưới của các cổ động viên. Các cổ động viên thường hô "lên đi, lên đi bơi Xuân Thuỷ" - ví dụ Xuân Thuỷ là tên đò bơi. Chữ “bơi” trong câu cảm thán “Lên đi bơi Xuân Thủy” không có nghĩa là “bơi” đâu mà là tương tự như câu “Lên đi hỡi Xuân Thủy”. Tuy nhiên sự trùng hợp về nghĩa bóng và nghĩa đen thật là thú vị.

 

Trên đoạn đường trường lúc bơi, chúng ta thấy người cầm gàu tát nước hất tung nước lên trời tạo thành một đường cong parabol như pháo hoa nước. Nhìn từ xa thì cảnh tượng thật là ngoạn mục. Hồi mình còn bé mình chạy theo đò bơi mà mình yêu thích dọc hai bờ sông (hồi đó chưa có xe đạp hay xe máy đâu – chạy bộ thôi). Chạy một đoạn xong lại phải ra một điểm quan sát thuận lợi gần bờ để được “nhìn thấy” đò bơi hô động viên vài câu. Xong, lại chạy tiếp.

 

"Trở đò" - quay đầu là một động tác rất quan trọng - nếu không khéo thì đò bơi sẽ bị chìm. Người ngồi đầu dùng "chầm" để ngoáy kiểu như neo thuyền, những người khác theo chiều quay người thì ngoáy, người thì bơi. Người chèo lái thì cũng phải ngoáy, còn người chèo phách (đứng phía trước chèo lái) phải gạt mạnh. Thường các đò bơi quay theo ngược chiều kim đồng hồ - vì chèo lái nằm ở phía trái đò bơi.

 

Phần thưởng lớn nhất là gì? Là danh tiếng – là niềm vui. Danh tiếng đấy sẽ theo họ suốt cả đời người. Làng có đò bơi nhất năm đó sẽ tiếp tục khoe trong cả năm tiếp theo và có khi là khoe cả đời.

 

Người dân Lệ Thuỷ sống là như vậy. Niềm vui thật đơn giản và thật là thanh tao.

 

Cùng với hò khoan Lệ Thuỷ (mà nghe nói Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã đem theo và truyền bá cho người dân Nam Bộ, sau biến hoá thành cải lương) thì bơi là một sinh hoạt văn hoá thấm vào xương tuỷ, máu thịt của dân nơi đây.

 

Lệ Thuỷ là vùng sông nước mà. Hò khoan giã gạo và bơi - thật thanh bình.

 

Có dịp mời các bạn về Lệ Thủy nhé – mình xin làm hướng dẫn viên du lịch. Mình sẽ kể cho các bạn những câu chuyện không chỉ có bơi đâu – kể cả những câu chuyện mang tính chất tâm linh nữa.  Mà tâm linh là lòng tin. Cuộc đời con người sao có thể thiếu lòng tin và những lễ hội của cả một cộng đồng như bơi chải ở Lệ Thủy, phải không các bạn? :-)