LeVanLoi miscellaneous articles

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2018-02-13
***
Hò khoan giã gạo (Hò khoan Lệ Thủy)
Tác giả: Lê Văn Lợi

Tết đến, nhớ quê hương da diết. Bây giờ thông thương, đi lại dễ dàng. Bảo rằng về quê có gì khó đâu. Đúng thế. Nhưng về quê với cái xa xưa, về với “hồn quê” thì e rằng rất khó. Về quê mình phải hiểu quê, phải “cảm” được cái thần thái, hồn túy của quê thì mới sướng.

 

Vì mình gốc Lệ Thủy nên tuy học Trường Cấp 3 Đồng Hới mình vẫn muốn giới thiệu đến các bạn nét quê Lệ Thủy. Nét quê Lệ Thủy cũng rất gần với các bạn mà. Sông Kiến Giang chảy vào “Vời” (phá Hạc Hải) và đổ về chung dòng Nhật Lệ. Dòng Nhật Lệ lại đổ ra biển và cửa biển lại nằm ở Đồng Hới. Từ Cấp 3 Đồng Hới về cửa biển Nhật Lệ có mấy bước chân thôi à. Bạn ngược lên, lần rẽ theo vết nước ngược qua Vời bạn lại về với sông Kiến Giang. Đó – Lệ Thủy quê mình. 😊

 

Trong lần trước mình có giới thiệu với các bạn về bơi chải trên sông Kiến Giang. Sân khấu của bơi chải là sông Kiến Giang. Dân quê Lệ Thủy khi xưa đều bám theo hai bờ sông. Gần như mọi người dân đều tham gia vào lễ hội: người thì chèo, người thì bơi, người thì múc “nước sông ngọt ngào” tưới và giải khát cho các trải bơi.

 

Lần này mình muốn giới thiệu với các bạn Hò khoan giã gạo. Kiến thức của mình là do Cha của mình kể lại cho mình lúc mình còn rất nhỏ. Cha của mình mất rất lâu rồi (năm 1967), mất vì bom Mỹ. Và giờ mình hồi tưởng. Theo các chuyên gia thì Hò khoan Lệ Thủy có 9 mái (dùng từ theo trường phái “quê” nghe các bạn): Mái chè, mái xắp, mái nện, mái ba, mái ruỗi, mái nhì vá hò nậu xắm, hò khơi (ở miền biển) và hò lĩa trâu (ở miền đồi núi). Các mái hò này đều gắn liền với công việc mưu sinh. Người Lệ Thủy “một nắng hai sương” – vất vả lắm. Điệu hò và lời ca rất mộc mạc, ít ra là theo cảm nhận của chính mình. Mình không có kiến thức sâu về các làn điệu Hò khoan Lệ Thủy, mình chỉ viết lại theo hồi tưởng về một loại hình dân ca – sân khấu “Hò khoan giã gạo”.

 

Người nông dân Lệ Thủy thuở xưa nghèo – hẳn là vậy. Lấy đâu ra các sàn diễn, sân khấu như ở châu Âu. Sân khấu của “Hò khoan giã gạo” là một cối giã gạo để ở giữa sân (cươi). Ánh đèn sân khấu là ánh Trăng. Nếu là Trăng từ 14 đến 20 thì tuyệt đẹp – còn nếu không thì cũng chả sao – Trăng mờ ảo một chút cũng được. Diễn viên – nghệ sỹ là 1 cặp nam – nữ. Các buổi biểu diễn của họ đều là các màn biểu diễn thực tế (tương tự như các màn truyền hình thực tế - Reality Show – mà các bạn chiêm ngưỡng đến mức bội thực hiện nay trên truyền hình). Các đôi này thường là các đôi quen, nổi tiếng, có “số má”, được nhiều người trong vùng biết đến. Các buổi biểu diễn của họ thường chật kín khán giả, ngồi xung quanh cối giã gạo.

 

Họ bắt đầu buổi diễn bằng câu: “Ơi hô khoan, … xin mời các bạn xố con.” Và khán giả sẽ cổ vũ và đáp lại họ bằng câu “Ơi lạ hố”. Các ca từ mang tính hình thức này không phải lúc nào cũng rõ nghĩa. Đây cũng là điểm chung của các loại hình biểu diễn trên khắp thế giới, kể cả các vở opera.

 

Tiếp theo câu chào là câu đố được một bên đưa ra – thường là bên nữ. Để giúp bên nam có thời gian suy nghĩ, bên nữ thường kể lể kéo dài và để cho khán giả cũng tự họ tìm ra “lời giải”. Đến lượt bên nam cần phải có câu hò đối đáp lại. Tất cả các câu đố và câu hò đều bột phát, tình huống bất ngờ, không hề có kịch bản từ trước. Thế mới hấp dẫn chứ!

 

Nếu bên nam thấy câu đố quá khó, họ thường dùng mẹo câu giờ là đưa ra câu hò hỏi lại bên nữ “cho rõ”. Bên nữ bắt buộc phải “giải thích thêm”. Tất cả đều bằng các câu hò có vần có điệu, ngân nga dưới đêm trăng bên dòng sông Kiến Giang thơ mộng. Cuộc sống sao mà êm đềm, an nhiên đến vậy!?

 

Nếu chúng ta đóng vai là người không hiểu ngôn ngữ ca từ, ta sẽ buộc phải nghe làn điệu – các mái hò. Các mái hò không quá cao, cũng không quá trầm – rất dễ ngân. Nhịp hò khoan thai, có phần trầm mặc. Mái hò phải chăng là sự giải tỏa tâm trạng, nói với bạn tri kỷ, nói với xóm làng để biểu lộ cái “tâm can” của mình?

 

Chúng ta thường quen với các sân khấu hiện đại, ở đó ca sỹ - nghệ sỹ thường hát và nhún nhảy đồng thời. Người nghệ sỹ trong Hò khoan giã gạo phải vận động nhiều hơn thế. Các bạn không biết đã có ai trải nghiệm giã gạo chưa. Mình rất hân hạnh đã có nhiều trải nghiệm giã gạo rồi. Không hề nhẹ nhàng tý nào – chỉ một lúc là mồ hôi mồ kê vã ra đầm đìa. 😊 Nói thể để các bạn biết rằng người nghệ sỹ trong Hò khoan giã gạo cũng phải rất quen nghề và rất khỏe mới “diễn” được đấy!

 

Các bạn có thể đã trải nghiệm với âm nhạc “bác học” từ Phương Tây (nhạc cổ điển, opera, …), sân khấu chèo, sân khấu quan họ với liền chị, liền anh từ Bắc chí Nam. Mình giới thiệu thêm Hò khoa giã gạo với sân khấu là “cươi” nhà, ánh đèn sân khấu là ánh Trăng, người nghệ sỹ và khán giả là nông dân quê mình. Thật là kỳ ảo lắm thay!

 

Ngày mai là ngày lễ tình nhân (14-2), ngày này cũng là bên Tây mới nhập vào bên Ta thôi. Các bạn hãy là “tình nhân” của mình nhé, các bạn cũng là “tình nhân” của nhau nữa, hãy “tri kỷ” như cặp nam nữ trong Hò khoan giã gạo vùng quê Lệ Thủy – sông Kiến Giang để đắm mình vào hồn túy của Quê.

 

Cung chúc tân xuân Mậu Tuất – sức khỏe, an khang, thịnh vượng!