-
Báo cáo với cả xóm trên Metaverse, sau khi đón Tết, chúng ta thường nghĩ đến du xuân: “đi đâu loanh quanh cho đời … nhộn nhịp” (nhại và mô-đi-phê lời bài hát “Một cõi đi về” của Trịnh Công Sơn). Ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, có khá nhiều lựa chọn với các danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long, Sa Pa, Chùa Hương, … Nếu đi các điểm lừng danh đó thì mình hẳn không viết status này vì đã có quá nhiều các bài viết từ các phượt thủ, bloggers, youtubers, … hoặc đã đi vào thơ ca như bài thơ “Chùa Hương” của Nguyễn Nhược Pháp.
Bài này xin giới thiệu với cả nhà một trải nghiệm khá thú vị tới một địa điểm thôn quê, vùng núi, còn khá hoang sơ. Đó là thảo nguyên Đồng Lâm, hồ Nong Dùng thuộc xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
🚌 Bao xa? Tất nhiên, cái này tùy vào địa điểm xuất phát. Lấy một ví dụ cho dễ hiểu: khoảng cách từ Hà Nội đến xã Hữu Liên khoảng từ 125 đến 130 cây số: Hà Nội → Bắc Ninh → Bắc Giang → Quốc lộ 1A → Hữu Lũng rẽ trái vào tỉnh lộ ĐT243 → đi tiếp khoảng 25 km là đến nơi.
🏨 Nơi lưu trú? Rất thú vị nha, cả nhà: ở đây toàn là “homestay” nhà sàn. Xin gửi kết quả tìm kiếm từ Google để ai có nhã ý thì tra cho tiện.
🕑 Bao lâu? Trả lời câu hỏi này tùy vào “quỹ thời gian” của từng người. Theo mình thì “tối ưu” là 2 ngày 1 đêm – tốt nhất là vào dịp cuối tuần Thứ Bảy + Chủ Nhật.
🍲 Đặc sản? Một cách vắt tắt: ốc núi, nem nướng Hữu Lũng, gà quay, vịt quay Lạng Sơn, khâu nhục, bánh chưng đen và cá suối chiên.
💰 Chi phí? Lấy trường hợp đại gia đình nhà mình cho dễ nha: 20 người lớn + 4 trẻ nhỏ, 2 ngày 1 đêm với tổng chi phí là 20 triệu VND. Nghĩa là: 1 triệu VND / người / 2 ngày 1 đêm.
-
Với những ai suốt ngày “lang thang trên từng nẻo đường danh lam thắng cảnh” thì thông tin ở trên có lẽ là đủ. Hãy đeo ba lô lên và đi thôi!
---
Tiếp theo, xin lược kể một vài trải nghiệm dành cho những ai đủ kiên nhẫn đọc tiếp 😊.
~
Ngày ❶: Lên đường + check-in hồ Nong Dùng + lửa trại + ngâm chân với thảo dược của người Dao đỏ.
► Lên đường. Sáng hôm lên đường thời tiết lạnh và khô. Các cháu “trưởng đoàn và phó đoàn” chưa đến đấy lần nào nên phải nhờ Google Maps đưa đường chỉ lối. Cũng đâu vào đấy cả. Đường ĐT243 đúng là luồn lách giữa các dãy núi đá vôi. Vui mắt là người dân trồng các vườn na ngay chân sườn núi (giống na lừng danh của Lạng Sơn). Dưới gốc na là đá vôi thì lấy đâu ra chất dinh dưỡng nhỉ? Vì lý do này, người dân phải gắn các gói phân bón vào cạnh gốc cây na. Gói phân bón này sẽ nhỏ giọt dần dần để nuôi cây trong môi trường khắc nghiệt.
► Đến nơi. Phải khoảng 11 giờ thì đoàn mới đến nơi – homestay Bình Minh. Ra đón đoàn là một thanh niên cao gầy, trạc tuổi ngoài 20. Khác với các khách sạn ở thành phố, nhân viên thường phải mặc đồng phục, thì chàng “homestay boy” này ăn mặc giản dị nhưng có gương mặt thân thiện, cởi mở.
Homestay gồm sân trước, sân sau, tầng trệt và tầng nhà sàn (tầng trên). Nhà sàn được chia thành các “buồng ngủ”: giường là sàn gỗ, được lót một tấm đệm, có chăn, màn đầy đủ.
Tầng trệt là nơi tiếp đón (có hẳn một góc reception nhé) và nhà ăn. Bình thường nhà ăn là khoảng không gian sinh hoạt cho du khách. Đến bữa người ta kê bàn, ghế thành các mâm. Bàn, ghế đều được làm bằng gỗ, tre hoặc nứa. Ở góc có một thùng đựng rác được đan bằng mây. Ở góc sân trước có bày một bàn uống nước. Bàn và ghế uống nước là các thân gỗ (hình như gỗ nghiến). Sân lát gạch màu mận chín. Phía trên hiên treo một dãy lưa thưa các rò phong lan. “Cổng chào” cũng được làm bằng tre, nứa.
Toàn bộ không gian được thiết kế theo phong cách “thân thiện với môi trường” (environmentally friendly). Nghĩa là môi trường không chịu sức ép về rác thải nhựa. Vật dụng, đồ dùng, rác thải đều là chất hữu cơ, phân hủy ngay. Có thể thấy, tuy là ở “quê” nhưng du lịch cộng đồng ở Hữu Liên vẫn được cập nhật, bắt kịp với trào lưu không gian xanh, cuộc sống xanh, môi trường bền vững.
► Bữa trưa. Mâm cơm là một cái mẹt, lót lá chuối. Thực đơn được các cháu “trưởng đoàn, phó đoàn” “order” trước một hôm. Mỗi mâm có tổng cộng khoảng 10-11 món. Ở nhà không mấy khi thấy đói bụng nhưng khi đi đến đây, mặc dù đã “ăn dặm” dọc đường khi ngồi trên ô tô, bữa trưa vẫn thấy ngon miệng khác thường. Chắc một phần do đi đường xa, nhưng lý do chính có lẽ là được ăn toàn món đặc sản, thôn quê, mới lạ so với ở nhà.
Nhắc đối với những ai đang ăn kiêng: Nhớ phải giữ “lập trường thật kiên định” chứ nhìn thấy các món ăn quá hấp dẫn là khó “giữ mồm giữ miệng” lắm đấy! 😊
► Check-in hồ Nong Dùng. Sau bữa trưa, sau khi tranh thủ ngả lưng nghỉ ngơi mươi mười lăm phút, đoàn chúng tôi ra hồ Nong Dùng cách homestay khoảng chừng 3km. Trái với tưởng tượng khi xem quảng bá trên các trang mạng, hồ Nong Dùng mùa này nước cạn, lòng hồ thu nhỏ nên trông khá bé.
Nhìn từ trên cao xuống, ở một góc hồ chúng ta có thể nhìn thấy nhiều thuyền kayak buộc quanh một bè nứa. Mùa này trời lạnh nên không có ai thuê. Dọc theo sườn đồi đổ xuống hồ người ta bố trí sẵn nhiều rạp bạt dành cho những ai có nhu cầu cắm trại (camping). Quanh đấy có một quán cà phê được thiết kế theo kiểu một nhà sàn không mái che, có khuông nhìn (view) trực tiếp xuống hồ. Hôm đó trời se lạnh, nắng vàng nhạt, có một đôi nam thanh nữ tú đang nhâm nhi ly nước, nhìn trời nhìn đất nhìn mây – kể cũng lãng mạn.
Chếch phía lối vào bên tay trái người ta trồng các khóm hoa hình xương rồng (nhưng không phải là cây xương rồng). Đằng sau các khóm hoa này là một vài chuồng chim bồ câu. Các đôi chim bồ câu tình nhân đang tíu tít bên nhau hoặc bay đi lượn lại. Cảnh thật thanh bình.
Ngay bên phải lối vào là một “nhà bếp dã chiến”: sân có khoảng 3 – 4 bếp nướng thịt barbecue, nướng bằng than hoa – không phải bằng bếp điện. Loại bếp này dành cho các nhóm dã ngoại: họ “sắm sẵn” các loại thịt nướng như xúc xích, thịt cừu, thịt bò, … cộng với vài chai/bịch rượu vang; sau khoảng thời gian “hiking” (đi bộ lang thang hoặc đạp xe loanh quanh) thì cả nhóm bày “đồ” ra nướng rồi “thẩm” với rượu vang đỏ - bạn sẽ cảm nhận hương và vị của món ăn thật sự rất “tasty” (đậm đà, êm dịu ở đầu lưỡi, hơi ấm của rượu lan tỏa khắp cơ thể - đặc biệt ấn tượng trong thời tiết se lạnh như ở đây). Hôm đó thấy nhà bếp “khoe” là họ sẽ đón một đoàn “VIP” ba bốn chục người vào quãng chiều tối. (Đoàn VIP đấy không phải đoàn chúng tôi đâu, lưu ý với cả nhà thế nhé! 😊)
Trong thời đại Metaverse như hiện nay, khi mà người người đều có smartphone, sau khi “check-in” (đặt chân đến, hít hà không khí đồng quê, ngắm nhìn cảnh quan, hiking) thì một trong những việc cần phải làm là ghi lại khoảnh khắc bằng các bức ảnh, nhờ các mạng xã hội như Facebook hay Zalo lưu lại. Đoàn chúng tôi không phải là ngoại lệ: cũng tạo dáng, chọn hình nền phải đủ cả hồ, núi, bầu trời, không được ngược nắng, khoảng cách không được quá xa cũng không được quá gần, nhìn đủ rõ mặt nhưng cũng cần đủ xa để che các nếp nhăn của thời gian, …
► Đốt lửa trại. Sau bữa tối, chúng tôi được “homestay boy” thông báo là sẽ có chương trình “đốt lửa trại”. Cụm từ này gây rất nhiều phấn khích, đặc biệt đối với các trẻ nhỏ - vốn chỉ loanh quanh ở đô thị, nay được khám phá một trải nghiệm mới: “lửa trại”. Tối ở Hữu Liên lúc đó trời khá lạnh, khoảng từ 8 đến 10 độ C. Cạnh lối đi vào homestay có một sân khá rộng. Người ta tổ chức “đốt lửa trại” ở sân này. Củi đốt là các khúc tre lồ ô to. Sân không có đèn điện và hôm đó không có trăng sáng nên điểm “lửa trại” khá nổi bật trong không gian tối mù mịt. Giữa sân là đốm lửa lớn, xung quanh đoàn chúng tôi người đứng người ngồi cùng quay mặt vào đốm lửa. Để tăng phần sinh động, bạn “homestay boy” đem ra một loa thùng to có kết nối không dây với điện thoại di động. Nhờ đó, các bạn trẻ trong đoàn, sau khi kết nối điện thoại với loa, tổ chức hát karaoke ngay tại sân – micro chính là điện thoại. Một trải nghiệm khá thú vị, đặc biệt vào thời điểm “đêm đông”. (Chắc cả nhà ai cũng biết bài “Đêm Đông” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương.)
► Ngâm chân. Sau “lửa trại” là đến tiết mục “ngâm chân với thảo dược của người Dao đỏ”. Ở Hà Nội thì dịch vụ này được coi là một thứ xa xỉ nhưng ở đây (Hữu Liên) thì dịch vụ này có thể nói là “nguyên bản”. Chậu ngâm là chậu gỗ cả nhà nhé (tất nhiên là không dùng chậu nhôm hay chậu sắt rồi). Phải nói ngâm chân nước nóng trong thời tiết giá lạnh thì đúng là như “cậu với mợ”. Nếu đọc quảng bá trên mạng thì danh mục tác dụng của “ngâm chân với thảo dược của người Dao đỏ” có vẻ như dài đến vô tận: lưu thông khí huyết, tăng cường tuần hoàn máu; giảm đau xương khớp, tê bì tay chân; cải thiện trí não, tinh thần, giảm chứng mất ngủ; tăng cường thể chất, thải độc và cải thiện nội tiết, … Cái mà mình trải nghiệm được rõ rệt là sau khi ngâm chân mình ngủ rất sâu. À, mà cũng không rõ là do tác dụng của ngâm chân hay không khí trong lành!? 😊
~
Ngày ❷: “Đêm nhà sàn” + lang thang ở “Mông Cổ thu nhỏ”: thảo nguyên Đồng Lâm.
► Đêm nhà sàn. Cứ tưởng tượng là toàn bộ đoàn 24 người quây quần trong một nhà sàn mấy chục mét vuông. Dù có vách ngăn chia thành một số buồng nhỏ nhưng đại thể vẫn là không gian mở. Nằm trong buồng này vẫn nghe thấy rất rõ tiếng chuyện trò ở các buồng kia. Khi có người đi ra đi vào, dù khẽ chân đến mấy cũng dễ dàng nhận biết.
Không rõ là do tác dụng của ngâm chân với thảo dược của người Dao đỏ hay do không khí khác lạ mà mình chìm vào giấc ngủ sâu một cách nhanh chóng. Sáng sớm tỉnh dậy thấy rất rõ bầu không khí ở đây tĩnh mịch, im ắng không hề có tiếng động như ở phố phường. Cảm nhận thấy cái lạnh và khô chẳng khác gì thời tiết ôn đới ở châu Âu vào cuối mùa thu đầu mùa đông. Rất dễ chịu. Lúc đấy thèm có một chiếc xe đạp để đi loanh quanh ngắm làng quê lúc sáng sớm tinh mơ.
► Check-in thảo nguyên Đồng Lâm. Đã đến Hữu Liên thì có thể nói “bất đáo Đồng Lâm phi phượt thủ”, nhại theo danh ngôn “bất đáo trường thành phi hảo hán” của Mao Trạch Đông. Câu “Bất đáo trường thành phi hảo hán” có nghĩa là chưa đến thăm Vạn lý trường thành bên Trung Quốc thì chưa thành hảo hán (anh hùng). Còn câu nhại “bất đáo Đồng Lâm phi phượt thủ” có nghĩa là chưa thăm Đồng Lâm thì chưa thể gọi là phượt thủ. Mà “phượt thủ” nghĩa là gì? Là người có sở thích khám phá, thích chinh phục những điều mới mẻ và đôi khi phượt chính là một phần đam mê dành cho những con người ưa mạo hiểm. Câu nhại này chỉ là để làm cho chuyến du ngoạn thêm phần “rôm rả” thôi cả nhà nhé – đừng hiểu câu đó theo nghĩa “hàn lâm” 😊.
✪ Hôm đó chúng tôi được homestay thông báo là muốn đến Đồng Lâm thì cách duy nhất là phải đi xe ôm vì người ta không cho ô tô đi vào. Đi xe ôm vào Đồng Lâm là trải nghiệm tuy thú vị nhưng có phần mạo hiểm. Xe ôm ở đây không có mũ bảo hiểm. Làn đường từ bãi đỗ ô tô vào thảo nguyên được xây bằng xi măng nhưng chiều ngang của làn đường khá hẹp. Khi có 2 xe máy đi ngược chiều nhau thì người lái xe phải tránh rất khéo – nếu không rất dễ bị chệch khỏi làn đường xi măng, có thể làm đổ xe. (Lo xa là thế nhưng thấy mấy bác xe ôm cứ đi vèo vèo.) Ra khỏi làn đường xi măng là đến đoạn đường đất, lượn lênlượn xuống đồi, với lối mòn có nhiều đường rãnh khó đi. Khi hỏi chuyện anh xe ôm thì được anh này khoe: “em phải bơm căng lốp hơn bình thường và phải dùng một loại lốp ‘đặc biệt’ chống trơn trượt”. Câu này chắc là dùng để trấn an du khách nhát gan như mình!?
✪ Đồng Lâm khá rộng – theo tìm hiểu trên mạng thì diện tích khoảng gần 100 héc ta. Bao bọc xung quanh thảo nguyên là các dãy núi đá vôi cao vút. Giữa các tham cỏ là một con suối uốn lượn vòng vèo. Xa xa thấy mấy đàn ngựa đang ung dung gặm cỏ. (Ở đây nghe nói chỉ có vài hộ dân nuôi trâu, ngựa, họ không làm chuồng trại mà chăn thả tự do, cách vài ngày sẽ tới thăm chúng một lần. Chủ nhân của chúng “tự động nhận dạng” chứ chúng không cần đeo biển). Nhìn từ trên cao xuống, thảo nguyên tựa lòng chảo bằng phẳng. Xa xa trên các trảng cỏ bằng phẳng thấy một đoàn hàng trăm các cháu nhỏ cấp tiểu học đang đi dã ngoại, chạy nhảy nô đùa với nhau tỏ ra rất thích thú. Vào mùa mưa từ khoảng tháng 7 đến tháng 10, nước sẽ ngập, vùng đồng cỏ thành hồ nước lớn độ sâu khoảng 2-3 mét, đàn ngựa sẽ chỉ ở khu vực cao hơn hoặc gần rìa núi. Lúc đấy, thay vì cắm trại trên bãi cỏ, du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền kayak.
✪ Ở một góc khác, người ta cho du khách thuê cưỡi ngựa. “Quầy” cho thuê cưỡi ngựa là một điểm trên một bãi trống khá rộng. Ngựa đã được đeo sẵn yên, có bàn đạp ở hai bên hông. Bạn không phải lên ngựa là “phi như bay” đâu, ngựa có người dắt – bạn chỉ việc ngồi lên đó, trải nghiệm, làm dáng và chụp ảnh. Mỗi một “cuốc” cưỡi ngựa có giá là 30 nghìn đồng (đi vòng quanh khoảng hơn 100 mét). Nam có thể đội mũ cao bồi (cowboy) từa tựa như xứ Texas bên Huê Kỳ. Còn nữ thì có thể choàng khăn, áo từa tựa như các thiếu nữ bên xứ Mông Cổ. (Thú thật với cả nhà là mình chưa biết đến Huê Kỳ cũng như Mông Cổ, chỉ là thấy giông giống với những gì mình xem tranh, ảnh, video trên mạng nên làm phép so sánh thế cho “độc giả” dễ hình dung.)
✪ Tiếp đó, mình thong thả đi bộ dọc theo suối (suối cạn gần khô). Trên đường đi, thỉnh thoảng gặp các bạn trẻ đang camping (cắm trại) hoặc thấy một đoàn xe máy đi vào với đồ dùng lỉnh kỉnh đèo theo xe. Trông họ tỏ ra là các phượt thủ chuyên nghiệp.
✪ Lại nói về hiệu ứng âm thanh. Từ xa hàng cây số mình vẫn nghe khá rõ các bài hát và làn điệu được bật ra từ loa thùng đặt cạnh chỗ các cháu thiếu niên đang dã ngoại. Có lẽ các dãy núi xung quanh đã tạo thành vách và phản xạ truyền âm thanh đi xa và rõ hơn chăng? Đấy là mình đoán thế, không dám chắc đó có phải là hiệu ứng từ các dãy núi hay không.
✪ Khi lục tìm trên mạng, cả nhà chắc sẽ được nhiều trang giới thiệu với nhiều ảnh do các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chụp. Trong bài post này, mình chỉ đăng một vài ảnh “người thật việc thật”, chất lượng ảnh không tốt đâu, mục tiêu là để cả nhà tham khảo thảo nguyên ở nguyên trạng “mặt mộc” của nó mà chưa qua công đoạn “hóa trang”. Mà cũng chỉ được một vài góc chụp với ánh sáng yếu, máy chụp ảnh là cái điện thoại cổ lổ sĩ từ thời kỳ đầu những năm 2010. Xin phép được biện minh: cái “thô” có cái hay của “thô”. Chả thế mà thiên hạ đổ cả đống tiền ra để sưu tầm đồ cổ là gì 😊. Lưu ý thêm: ảnh hay video dù chuyên nghiệp đến mấy cũng không bao giờ thay thế được trải nghiệm. Bạn phải “check-in”: đến tận nơi, thưởng ngoạn cảnh quan với đầy đủ tất cả các giác quan, rồi cảm nhận (một thứ giác quan nằm ngoài 5 giác quan thông thường), rồi lưu ký vào trong tâm thức của mình.
~
Bình duyệt (review):
Bắt chước các bậc cao thủ du lịch chuyên nghiệp, mình xin có một vài lời bình theo cảm nhận cá nhân.
✪ Hồ Nong Dùng, thảo nguyên Đồng Lâm hiện vẫn giữ được hiện trạng nguyên sơ của tự nhiên. Và rất mong hiện trạng nguyên sơ đó được bảo tồn dài lâu.
✪ Lý tưởng cho việc cắm trại, picnic hoặc đơn thuần là hiking (đi lang thang) vào mùa khô (mùa đông, đầu xuân).
✪ Giá như … Mình đi du lịch rất ít và chẳng hề có kinh nghiệm gì trong việc tổ chức du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, mình cứ mạnh dạn nêu vài “góp ý” nhỏ mong nơi này sẽ thu hút được nhiều du khách và trở thành điểm đến hấp dẫn.
- Trong phần “lửa trại” nên thay phần hát Karaoke bằng “nhảy sạp”. Nhảy sạp là một nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Việc tổ chức nhảy sạp khá đơn giản, không quá cầu kỳ, chỉ cần vài cặp cây tre to với hoạt náo viên chính là “homestay boy”, đủ để tổ chức một buổi nhảy sạp sôi động, vui vẻ và chắc chắn để lại nhiều ấn tượng cho du khách.
- Nên có xe đạp cho du khách thuê. Đi xe đạp là một trong những hoạt động gắn liền với du lịch. Có xe đạp, trong thời gian rỗi, du khách thường thích “lang thang một mình” quanh làng bản để thư giãn và cảm nhận nơi mình du lịch.
- Nên có quà lưu niệm (souvenir) mang bản sắc của đồng bào dân tộc ít người như áo, mũ, đồ trang sức. Đành rằng du khách có thể mua đặc sản, nhưng “đặc sản” ăn xong là hết còn đồ lưu niệm sẽ gắn bó với du khách lâu dài hơn.
~
Status của mình đến đây là hết rồi. Bạn nào đọc mà cảm thấy buồn ngủ thì xin hãy tỉnh lại nha 😊.
---

Mâm chính bữa trưa ở homestay Bình Minh.
-

Đại gia đình ở hồ Nong Dùng (dùng flying camera).
-

Quang cảnh chiều bên hồ Nong Dùng.
-

Chip (tên gọi thân mật của cháu Hà Chi) vắt vẻo trên cầu gỗ ở hồ Nong Dùng.
-

Góc sinh hoạt dã ngoại của các cháu thiếu niên ở thảo nguyên Đồng Lâm.
-

Mít (tên gọi thân mật của cháu Vân Anh) – trong trang phục “cô gái Mông Cổ” trên lưng ngựa ở thảo nguyên Đồng Lâm.
-

Một lối mòn khi đi sâu vào thảo nguyên Đồng Lâm.
-

Từ một góc khuất ánh nắng mặt trời nhìn ra lối vào thảo nguyên Đồng Lâm.