Thưa thầy cô và các bạn:
Mỗi dịp xuân về sau nén hương thắp lên Bàn thờ Tổ Tiên Ông Bà, sau chén rượu nồng là nghĩ đến tương lai vận hạn: năm nay bản thân mình, gia đình mình, bạn bè của mình sẽ có những diễn biến gì? Tốt? Xấu? Tương lai luôn luôn bí ẩn. Tự nhiên và cuộc sống tiến triển theo thời gian vốn rất nhiều bất ngờ. Thú vị cũng có mà éo le cũng nhiều. Một trong các thú vui ngày xuân là xem bói để đoán vận mệnh. Bói thì nhiều kiểu nhưng năm nay mình bói Kiều cho cả khóa của chúng ta nhé. Các bạn chú ý đây chỉ là cho vui thôi, chẳng có gì là đúng sai hay cả. À, mà nếu có bạn nào sang năm chiêm nghiệm lại thấy đúng thì cũng đừng quá khen mình nghe 😊.
Lại nói về bói Kiều. Chúng ta biết Truyện Kiều là truyện thơ lục bát có tổng số 3254 câu. Bói Kiều là chọn một cách ngẫu nhiên để được một tứ thơ 4 câu: “lục – bát – lục – bát” trong 3254 câu nói trên. Hồi xưa có 2 kiểu bói: bói theo sách và bói kiểu dân gian.
Bói theo sách khá phức tạp, dựa vào Bát Quái, Thập Can, Ngũ Hành. Người xem bói chọn một trong 18 chủ đề. Sao lại là con số 18? Vì 18 là hợp số của thập căn (10 gốc) và bát quái (8 thể) mà thành (10+8=18). 18 chủ đề gồm:
_Bát quái_
1. Càn – Niên vận: cả năm tốt hay xấu.
2. Khảm – Công danh: thăng bổ sớm hay muộn.
3. Cấn – Tài lộc: tiền của dồi dào hay hao hụt.
4. Chấn – Âm tín: muốn hỏi tin tức một ai đó.
5. Tốn – Tranh tụng: kiện tụng được hay thua.
6. Ly – Bình an: vận nhà bĩ hay thái
7. Khôn – Hôn nhân: vợ chồng tốt hay xấu
8. Đoài – Thương mại: buôn bán lỗ hay lãi
_Thập can_
9. Giáp – Thiên di: đổi chỗ ở động hay êm
10. Ất – Tật bệnh: Bệnh nặng hay nhẹ.
11. Bính – Khoa đồ: thi đỗ hay hỏng.
12. Đinh – Tử tức: đường con cái ra sao.
13. Mậu – Xuất hành: ra đi may hay rủi.
14. Kỷ – Truy tầm: tìm kiếm thấy hay mất.
15. Canh – Ưu tư: lo sự lành hay dữ.
16. Tân – Thám yết: đi thăm có được không.
17. Nhâm – Kỹ nghệ: nghề nghiệp lợi hay hại.
18. Quý – Tâm sự: tình riêng có toại hay không.
Vì chúng ta đã ở tuổi tri thiên mệnh rồi nên cần gì đi chi tiết đến vậy nữa, đúng không các bạn? Chúng ta chọn bói “tổng thể” nha, tất tần tật ghép vào làm một 😊.
Bói theo kiểu dân gian là lật trang Truyện Kiều một cách ngẫu nhiên rồi lấy ngón tay chỉ ấn vào một dòng nào đó. Kết quả là đọc 4 câu lục bát bắt đầu từ câu gần nhất với ngón tay chỉ.
Bói theo sách đòi hỏi phải tung 2 đồng xu cho 3 kết quả: cùng sấp, cùng ngửa và một sấp một ngửa. Bói theo kiểu dân gian cần lật 1 trang sách và chỉ ngón tay vào giữa trang. Cả 2 cách đều cần có yếu tố ngẫu nhiên. Tuy nhiên, tung 2 đồng xu hay lật trang Truyện Kiều đều không thực hiện được trên mạng Internet?! 😊
Vì vậy nên mình bói theo kiểu “tân cổ giao duyên” của học sinh khóa 1974-1977 Trường Cấp 3 Đồng Hới. Cách làm như sau:
Bởi vì khóa chúng ta vào trường năm 1974 và ra trường năm 1977 nên chúng ta sẽ lấy 4 câu lục bát sát nhất với câu 1974 trong truyện Kiều. Vì bói Kiều yêu cầu câu đầu tiên phải là câu Lục và câu kết phải là câu Bát nên chúng ta bắt đầu bằng câu 1975. Bốn câu thơ đó như sau:
---
Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Con tằm đến thác cũng còn vương tơ!
Cùng nhau kể lể sau xưa,
Nói rồi lại nói, lời chưa hết lời.
---
Phán bói Kiều: theo quy tắc, khi bói Kiều người ta không căn cứ vào nội dung liên kết của đoạn thơ trong “Truyện Kiều” mà người ta chỉ phán theo ngẫu hứng của tứ thơ đó. Phán như thế nào là theo tâm trạng của người phán.
---*** Phán:
Vương tơ là nói đến tơ lòng, nói đến tình cảm quyến luyến sau bao năm xa cách: / Dẫu rằng sông cạn đá mòn/ Con tằm đến thác cũng còn vương tơ/. Nhớ lại hội khóa năm 2017, các thầy cô và các bạn đoàn viên sau 40 năm xa cách. Và tâm sự tưởng như không bao giờ có thể dứt ra được: / Cùng nhau kể lể sau xưa/ Nói rồi lại nói, lời chưa hết lời/.
Người trong độ tuổi khóa này là người có tình cảm có trước có sau, tình bạn hữu keo sơn, quyến luyến bền bỉ như những con tằm giăng tơ.
***--- Hết phán
Các bạn có thể “phán” khác với mình.
Thế còn năm Kỷ Hợi thì sao, vì phải bói năm Kỷ Hợi mà? Để cho dễ, mình đổi âm lịch Kỷ Hợi sang dương lịch 2019 vậy 😊. Nếu lấy bắt đầu từ câu 2019, chúng ta sẽ được đoạn thơ sau:
---
Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
Chỉn e quê khách một mình,
Tay không chưa dễ tìm vành ấm no!
---
---*** Phán:
Lứa học sinh chúng ta có may mắn được trải nghiệm qua tất cả các giai đoạn thăng trầm của đất nước (chiến tranh & hòa bình, cơ hàn và phát triển). Phần lớn chúng ta phải xa quê để tìm kế sinh nhai nên hai cụm từ “phận bèo” và “lênh đênh” vận vào cuộc đời: / Phận bèo bao quản nước sa/ Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh/. Lứa tuổi này hợp với xu thế thời đại hiện nay: sống với nhiều trải nghiệm, sống với nhiều phông nền văn hóa: nghèo về vật chất nhưng giàu về tình cảm, tâm hồn thanh tao, đầu óc mẫn tiệp.
Chúng ta chưa giàu về tiền của? Đúng rồi – đây nhé: / Chỉn e quê khách một mình/ Tay không chưa dễ tìm vành ấm no/ Phần lớn trong chúng ta cũng chưa ngơi nghỉ đâu vì chúng ta vẫn phải “tìm vành ấm no”.
***--- Hết phán
Quẻ bói đến đây là hết rồi 😊.
Chúc mừng năm mới Kỷ Hợi An khang Thịnh vượng đến tất cả thầy cô và các bạn khóa 1974-1977 Cấp 3 Đồng Hới thân yêu!
Tuy đã hết quẻ chính, nếu các bạn còn tò mò, mình bói tiếp theo tháng sinh (tính theo dương lịch). Cách làm: mình chọn các tứ thơ gần cuối của Truyện Kiều và cách nhau 30 câu. Vì sao lại như vậy? Vì chúng ta gần như đã trải qua hết đoạn trường và đây là quãng thời gian chiêm nghiệm, đoàn viên. Các bạn tự nhìn vào khổ thơ và tự phán. Phán thế nào là theo tâm trạng của các bạn. Kết quả như sau:
--- --- Các bạn sinh tháng 1, câu 2919 đến 2922 ---:
Đại vương tên Hải họ Từ,
Đánh quen trăm trận sức dư muôn người
Gặp nàng khi ở châu Thai,
Lạ gì quốc sắc thiên tài phải duyên.
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 2, câu 2949 đến 2952 ---:
Kim thì cải nhậm Nam bình,
Chàng Vương cũng cải nhậm thành Châu dương.
Sắm xanh xe ngựa vội vàng,
Hai nhà cùng thuận một đường phó quan.
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 3, câu 2979 đến 2982 ---:
Nghe tin ngơ ngác rụng rời,
Xúm quanh kể lể rộn lời hỏi tra:
Này chồng này mẹ này cha,
Này là em ruột này là em dâu.
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 4, câu 3009 đến 3012 ---:
Trông xem đủ mặt một nhà:
Xuân già còn khỏe huyên già còn tươi.
Hai em phương trưởng hòa hai,
Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa!
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 5, câu 3039 đến 3042 ---:
Được rày tái thế tương phùng.
Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay!
Đã đem mình bỏ am mây,
Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 6, câu 3069 đến 3072 ---:
Những là rày ước mai ao,
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình!
Bây giờ gương vỡ lại lành,
Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi.
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 7, câu 3099 đến 3102 ---:
Bấy chầy gió táp mưa sa.
Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 8, câu 3129 đến 3132 ---:
Hết lời khôn lẽ chối lời,
Cúi đầu nàng những vắn dài thở than.
Nhà vừa mở tiệc đoàn viên,
Hoa soi ngọn đuốc hồng chen bức là.
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 9, câu 3159 đến 3162 ---:
Cửa nhà dù tính về sau,
Thì còn em đó lọ cầu chị đây.
Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan!
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 10, câu 3189 đến 3192 ---:
Thêm nến giá nối hương bình,
Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan.
Tình xưa lai láng khôn hàn,
Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa.
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 11, câu 3219 đến 3222 ---:
Cho hay thục nữ chí cao,
Phải người tối mận sớm đào như ai?
Hai tình vẹn vẽ hòa hai,
Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ.
---
--------------------------------
--- --- Các bạn sinh tháng 12, câu 3249 đến 3252 ---:
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
---
--------------------------------
*** Hết ***