---
Tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện ngày xửa ngày xưa …
Để thống nhất ngôn từ ngày xưa và ngày nay của riêng khóa 1974-1977 Trường Cấp 3 Đồng Hới, người dẫn chuyện thống nhất với các bạn một số cụm từ sau nhé:
* Lang sư: thầy giáo
* Nương sư: cô giáo
* Lang học sỹ (Từ Thức): nam sinh
* Nương học sỹ (Giáng Hương): nữ sinh
* Tộc: Lớp
(Từ Thức và tiên nữ Giáng Hương trích trong tác phẩm "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ.)
-
#0. Giấc mơ. Đêm hôm đó nhằm Tiết Xuân của năm Đinh Dậu (2017), vào khoảng cuối giờ Tý, đầu giờ Sửu nhất loạt các lang học sỹ và nương học sỹ khóa 1974-1977 của Trường Cấp 3 Đồng Hới đều có một giấc mơ lạ là tự nhiên thấy một tiên ông râu tóc bạc phơ bay lượn từ cửa sông Nhật Lệ lên Trường Cấp 3 Đồng Hới và vẽ thành các áng mây hồng có chữ “Tứ”, chữ “Thập” và chữ “Hội”. Sáng hôm sau, lúc nhâm nhi cà phê, các nương học sỹ và lang học sỹ cố luận xem đây là tiên ông nhắc về việc gì. Sau đó, gần như tất cả đều ồ lên: À đúng rồi, cần tổ chức Hội khóa 40 năm (tứ thập) ngày các Từ Thức / Giáng Hương của khóa 1974-1977 ra trường. 😊 (Chú giải: Đoạn này người dẫn chuyện dựa trên một câu chuyện có thật của sự tưởng tượng.)
-
#1. Mưu việc lớn. Đấy là vào hồi sáng ngày 15/04/2017. Hôm đó, nương học sỹ Tộc A là Lê Thị Diệu Ty quy tụ các lang học sỹ và nương học sỹ khác thuộc Tộc A, Tộc B, Tộc C, Tộc D, Tộc E, Tộc G, Tộc K, Tộc H, Tộc I, Tộc M và Tộc T để mưu việc lớn. Các lang học sỹ và nương học sỹ có “việc lớn” là kêu gọi quy tụ các lang học sỹ và nương học sỹ khóa 1974-1977 gặp mặt nhau sau 4 thập kỷ xa cách. Tiêu chí mà các lang và nương đưa ra gồm mấy cụm từ đơn giản sau: giao lưu, bạn hữu, yêu thương, an nhiên và kết nối.
@Giao lưu: Gặp nhau để nhớ lại nhau, chuyển từ quên thành nhớ, để bắt tay nhau, chào nhau;
@Bạn hữu: Các nương học sỹ và lang học sỹ đã từng là bạn của nhau và sau hội khóa muốn nối lại tình bằng hữu xưa;
@Yêu thương: Gặp lại nhau để yêu thương nhau, để củng cố lại chân lý sống: người yêu người sống để yêu nhau;
@An nhiên: Gặp lại nhau để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, để sống an nhiên, tự tại;
@Kết nối: Gặp lại nhau để kết nối trong đời thường và trên mạng ảo, để “khoe” công thành danh toại của con, cháu, để hỗ trợ nhau, an ủi nhau lúc khó khăn, lúc thiếu may mắn;
Các đại học sỹ đã phân ban liên lạc gồm các lang học sỹ và nương học sỹ sau (theo thứ tự ABC):
Tộc A: Thanh, Bảy, Long
Tộc B: Tâm, Kim Hùng, Vinh Quang
Tộc C: Lựu, Minh, Toán, Vĩnh
Tộc D: Cảnh, Doàn, Thăng
Tộc E: Long, Hà, Vĩnh Minh
Tộc G: Ninh, Hùng
Tộc K: Tuyến, Duân
Tộc H: Thuỷ, Bé, Đặng Quý
Tộc I: Hoá, Minh
Tộc M: Thanh
Tộc T: Nhân, Tiến Dũng, Dũng Tiến
Hội nghị hôm đó bàn rất nhiều việc lớn khác, nhưng để câu chuyện ngày xưa được cô đọng, người dẫn chuyện xin phép cho qua … 😊 (Chú giải: Đoạn này người dẫn chuyện dựa trên một sự thật là “văn bản” lưu của “Hội nghị”.)
#2. Hội khóa. Sáng thứ Bảy 22/07/2017 là một ngày “khác thường” đối với các nương học sỹ và lang học sỹ của khóa 1974-1977. Hôm đó họ đi đến trường trên các con tàu du hành vũ trụ “lượng tử”, đi từ quá khứ 1977 và cập bến hiện tại 2017. Vì không gian của trường nhỏ nên các du thuyền đỗ đầy các ngõ ngách của thành phố Đồng Hới. Có một số phải đỗ tạm ở Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bảng và các nương học sỹ, lang học sỹ phải đi taxi bay từ đó về đến trường (các bạn ấy vẫn đến đúng giờ!).
Nếu để mô tả một cách mang tính ước lệ về không khí hội khóa, người dẫn chuyện xin mượn 2 câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
~
Dập dìu tài tử, giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
~
Tài tử ở trên là lang học sỹ và giai nhân là nương học sỹ của khóa 1974-1977 😊
Lại nữa, người kể chuyện mô đi phê bài “Mưa Xuân” của nhà thơ Nguyễn Bính để cho hội khóa thêm phần dân dã nhé:
~
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội khóa 77 đi ngang ngõ
Lang rằng: “Nương sỹ hát sáng nay”
~
Trong hội khóa, các nương học sỹ và lang học sỹ tay bắt, mặt mừng, nâng cốc chúc nhau và ca hát. Có lẽ phải mượn một câu thơ nữa của bài thơ trên để mô tả cảm giác của các bạn lúc đó:
~
Hình như hai má em bừng đỏ
Có lẽ là em nghĩ đến anh
~
Các lang sư và nương sư cùng hòa mình vào lễ hội chung, trên sân khấu tay ôm các bó hoa tươi thắm và nở nụ cười hân hoan chào đón các nương học sỹ và lang học sỹ.
-
#3. Chia tay. Rất khó để diễn tả thành lời lúc tạm biệt. Người dẫn chuyện lại đành phải mượn thơ của Nguyễn Bính trong cùng bài thơ “Mưa Xuân” nhưng được mô đi phê:
~
Nương ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ lang mới gặp nương đây?
Bao giờ hội Khóa đi ngang ngõ
Để lang, nương rằng “hát sáng nay”?
~
Người dẫn chuyện hẹn các bạn lang học sỹ, nương học sỹ vào hội khóa 50 năm vào mùa hè năm 2027 nhé 😊
-
Chuyện kể đến đây là hết rồi!