LeVanLoi'log, ⌚ 2020-05-10
***
Đàn sếu
Tác giả: Trích bài luận của ThS. Nguyễn Thị Thanh Nga - Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG HN
~
Người Nga rất coi trọng những con sếu bay về vào mùa xuân, bởi đối với họ, đó là hình ảnh của những con chim mang đến niềm vui và hạnh phúc. Họ cầu mong những con sếu mang lại cho họ sức khỏe, sự sinh sôi và bình an cho gia đình. Việc nhìn thấy cả đàn chim sếu đang bay trên bầu trời vào mùa xuân là dấu hiệu của việc gia đình đó sắp có thêm thành viên mới, hoặc sắp được đoàn tụ với người thân.
~
Ngược lại, hình ảnh đàn sếu xếp theo hình cái nêm bay đi trú rét vào mùa thu lại tượng trưng cho sự buồn nhớ cố hương. Quả thật, tiếng sếu kêu khắc khoải làm ai cũng thấy nao lòng. Trong tiếng kêu ấy như ngập tràn sự tuyệt vọng và buồn đau. Dân làng thường chạy theo đàn sếu và kêu “Колесом дорога!”, để chúng nhớ đường trở về vào mùa xuân.
~
Ở nước Nga thời cổ đại, việc tình cờ nhìn thấy đàn sếu bay trên bầu trời được coi là một điềm tốt. Còn nếu những con sếu đậu ở trên cánh đồng, thì có nghĩa vụ mùa năm đó sẽ rất bội thu. Hay việc tận mắt nhìn thấy những con sếu nhảy nhót cũng là một điềm báo trước cho niềm vui và vận may. Giết sếu bị coi là một tội lớn. Do vậy, nếu ai giết sếu, thì người đó và gia đình họ sẽ sớm gặp điều bất hạnh, thậm chí là cái chết. Người Nga hay nhắc con cháu mình không được chỉ tay vào những con sếu đang bay, vì điều đó sẽ làm những con sếu bị lạc đường; không được phá hoại nơi trú ngụ của những con sếu; nếu có tình cờ bắt gặp thì lặng lẽ đi qua, chứ không được phá đám chúng.
~
Tiếng kêu vang như xé toạc cả bầu trời xanh của loài sếu luôn làm mọi người chú ý đến. Tiếng kêu lay động trái tim, gợi lên sự chân thành, khiến ai cũng phải ngước mắt nhìn lên bầu trời xa xăm và suy tư về một điều gì đó quan trọng, vĩnh hằng...
…
Ngoài những ý nghĩa tượng trưng văn hóa dân tộc, hình tượng đàn sếu về sau đã trở thành biểu tượng cho những người lính Liên Xô anh dũng hy sinh trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại (hình ảnh đàn sếu trong bộ phim nổi tiếng “Khi đàn sếu bay qua”, hay trong bài thơ “Đàn sếu” của Rasul Gamzatov).
~
Gamzatov đã xây dựng hình ảnh đàn sếu bay tự do trên bầu trời như linh hồn người lính đã hy sinh vì nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ độc lập, tự do cho quê hương và giải phóng các dân tộc khác. Nhà thơ khẳng định sự hy sinh của những người lính sẽ luôn trường tồn và sống mãi trong lòng những người còn sống, bởi đó là những con người làm nên biểu tượng của sự đoàn kết vượt qua những giây phút sinh tử trong chiến trận, để tiếp thêm sức mạnh cho những người còn sống hôm nay.