Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dàu dàu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
-
Trên đây là 8 câu thơ “bất hủ” trích trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du mô tả tâm trạng của Thúy Kiều khi ở lầu Ngưng Bích. Thôi, chúng ta khỏi phải bàn đến cái hay, cái đẹp của thơ Nguyễn Du vì có vô số các bài viết rồi. Câu hỏi trong bài “tản văn” này của mình là: Nguyễn Du đã lấy cảnh “cửa bể chiều hôm” ở đâu? Tất nhiên, chả có một tài liệu nào nói về chuyện này cả. Mình tưởng tượng hẳn “Tố Như” phải lấy cảm hứng từ một cửa bể nào đó chứ?! “Thuyết âm mưu” của mình là cụ lấy cảm hứng từ cửa bể chiều hôm ở sông Nhật Lệ! 😊
Vì sao lại như vậy?
Thứ nhất, cụ có 4 năm (1809 – 1813) làm quan cai bạ ở Quảng Bình. Và cụ có sáng tác thơ ca ngợi cửa biển Nhật Lệ hẳn hoi:
Nhật Lệ triều đầu dũng hải môn
Thanh Vị trọc Kinh đồng bất túc
Hoàn hoa lục trúc lưỡng vong ngôn
(Trích trong: Tặng bạn - Nam Trung tạp ngâm của Nguyễn Du.)
Dịch nghĩa:
Nước sông cửa Lệ biển vỗ mình
Vị Kinh trong đục dòng chảy miết
Vàng hoa, xanh trúc đều lặng thinh
~
Thứ hai, nếu các bạn có nhiều dịp đi các cửa biển từ Bắc chí Nam thì có lẽ chỉ có cửa biển Nhật Lệ là “ứng” nhất với đoạn thơ trên. Đấy là mình cũng “hàm hồ” mà nói thế.
-
Quay trở lại với đời thực một tý. Nếu chúng ta có dịp ngắm cửa biển Nhật Lệ vào dịp biển động, và có nước “sa” về, nước bàng bạc, hoa cỏ man mác bám vào các cành cây khô, trôi bất định, rồi chúng ta ngồi ngắm biển vào lúc chiều hôm, thì quả thật chúng ta quá nhỏ bé trước thiên nhiên, vũ trụ bao la, chúng ta sẽ thấy mình mong manh đến mức: “Hoa trôi man mác, biết là về đâu?”
~
Đó là lúc biển động. Hiển nhiên, cửa biển Nhật Lệ vào mùa du lịch rất khác. Tối đến, khi chúng ta chạy dọc theo đường Trương Pháp đến đường Nguyễn Du rồi đến đường Quách Xuân Kỳ với anh đèn đường pha với ánh đèn từ các cửa hàng, cửa hiệu, đèn hình quả bầu tròn treo như trăng non trên cầu Nhật Lệ 1, đi qua cầu đến vòng xuyến Trần Hưng Đạo, rẽ trái theo đường Mỹ Cảnh đi qua khu Sun Spa im lìm, trang trọng, (nhớ thẩm ngắm cây lộc vừng trước sảnh,) rồi đi ra chạy dọc theo đường Võ Nguyên Giáp, … thì chúng ta chỉ cảm nhận được một “Cửa bể Nhật Lệ lung linh” đem đến cho du khách những trải nghiệm “để đời” – chứ làm sao có “cửa bể chiều hôm” như trong thơ Nguyễn Du được. Tuy nhiên, các bạn nên nhớ rằng, cùng một cảnh, một chốn, ở các thời điểm khác nhau, cảnh cũng biến hóa theo tâm trạng của người thưởng ngoạn. Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích “buồn trông” cửa bể chiều hôm trong xa xưa đương nhiên khác hẳn với một du khách đầy hứng khởi muốn trải nghiệm, cảm nhận một cửa biển trong chiều hè gió đông lồng lộng, mát rượi. Hẳn thế!
Mình đến cửa biển Nhật Lệ nhiều lần vào mùa hè nhưng chỉ thu xếp đến một lần vào dịp biển động, lúc đó là mùa đông. Rất độc đáo các bạn à. Một cảm nhận rất khác, buồn man mác, nhưng vẫn vô cùng đẹp. Các bạn ở xa quê, nhớ về cửa biển Nhật Lệ vào một dịp như thế nhé, một trải nghiệm khó quên đấy!
Xin nhại một đoạn bài “Ai về sông Tương” thay cho lời kết nhé:
Ai … có về bên cửa bể Nhật Lê (Lệ),
Nhắn người duyên dáng tôi vẫn mê,
Suốt đời tôi vẫn chưa dứt đê mê …
😊