Nhân việc lũ lụt đang thu hút truyền thông và mối quan tâm của nhiều người, mình “tạm chiếm diễn đàn” bằng một bài post kể chuyện “lụt ở Lệ Thủy”. Mình biết khóa 74-77 Cấp 3 Đồng Hới phần lớn không phải người Lệ Thủy. Tuy nhiên, hình như có một số bạn dâu, rể của Lệ Thủy thì phải, ví dụ như bạn Hồng Hà.
-
☵ Lệ Thủy là vùng sông nước. Cho đến tận thời mình còn nhỏ, cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, đi lại hơi xa một chút là phải đi đò (thuyền). Vì sao lại như vậy?
* Thứ nhất, hồi đó xe đạp rất hiếm (kiểu như nhà nào giàu mới có), còn xe máy và ô tô hồi đó mình có biết chúng là gì đâu. Vì vậy nên nếu không đi bằng đò thì chỉ có thể là đi bộ. Mà đi bộ thì chậm hơn đi bằng đò. Đi bằng đò còn có cái tiện nữa là chỉ cần một hai người chèo là có thể chở được cả chục người cộng với đồ đạc.
* Thứ hai, hồi đó chưa có cầu, muốn sang sông thì phải đi bằng đò ngang. Mà đò ngang thì không phải chỗ nào cũng có.
Nói hơi vòng vo như vậy để các bạn biết là Lệ Thủy là sông nước. (À, mà hình như nước sinh ra sự sống trong Vũ trụ. Mà các nền văn mình đều bám quanh các con sông. Vậy nên dân Lệ Thủy bám theo nước cũng là lẽ thường chứ các bạn nhỉ.)
-
Nhà mình ở sát mép sông Kiến Giang, nhìn đối diện với Mũi Viết (thuộc Đại Phong trước đây): thôn Quảng Cư, xã Xuân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Nhà mình thuộc loại nghèo nhất xã Xuân Thủy. Nghèo nhất huyện Lệ Thủy thì không dám chắc vì có thể có một số bà con ở các xã vùng cao còn khó khăn hơn. Nói như thế để các bạn sẽ thấy cách mà dân Lệ Thủy sống cùng với lụt và sống sót qua bão lũ là như thế nào (từ gia đình nghèo nhất).
-
➀ Làm nhà. Làm nhà là phải tính đến chuyện đón lụt và phòng tránh bão ở mức tốt nhất có thể. Nhà nghèo chỉ có mỗi một cách: đắp nền cao và mái nhà phải thấp. Nền nhà cao để nước ít vào nhà. Còn mái nhà thấp là để tránh bão ở mức tối ưu có thể. Xung quanh, hoặc ít nhất một phía phải trồng tre. Như nhà mình sát bờ sông thì mình trồng mấy bụi tre ở phía bờ sông: một là chắn gió, hai là chắn sóng lúc nước lên.
Nhà nào cũng có một cái “tra”. Cái tra này là để thóc gạo lúc lụt. (Có thể để một số đồ đạc khác nhưng do nhà mình nghèo nên cái tra này chỉ để lúa gạo và quần áo, chăn màn lúc trời lụt.) Trên cái tra này phải thiết kế một chỗ thoát ra ngoài để lúc nước lên cao thì ra ngoài lên mái kêu cứu. Như nhà mình thì mình làm một tấm phên tre đan. Lúc bình thường thì tấm phên này che gió, che mưa tạt. Còn lúc có lụt thì tấm phên này được dỡ ra, nếu cần.
Thêm nữa, nếu nhà ai có điều kiện thì sắm một chiếc đò. Bình thường thì đây là phương tiện giao thông để đi lại, chủ yếu là đi chợ. Như ở xóm mình thì mọi người đi chợ Tréo (thuộc xã Liên Thủy).
Nhà mình không có đò (không đủ tiền để sắm đò). Lúc mình học lớp 3 mình có “tự tiện” sắm một cái xuồng nan đan bằng tre và quết hắc ín (nhựa đường). Xuồng nan này dài khoảng 2 hay 3 mét gì đó. Mình còn sắm thêm một đôi chầm để bơi xuồng. (Khoe thêm ngoài lề: hồi nhỏ mình bơi xuồng và chèo đò khá điệu nghệ.) Mục đích của mình lúc đó là lúc bình thường mình dùng xuồng này đi câu cá bống (mình câu cá rất tệ, cả một buổi chỉ được 2, 3 con bé tý), còn lúc lụt lội mình có thể chở mạ mình thoát hiểm. Nhà mình chỉ có hai mạ con. “Âm mưu” này của mình chưa lần nào được thực hiện cả. Xin cảm ơn Trời, Phật và phúc đức Ông Bà để lại vì chưa lần nào mình phải lâm vào thế cùng quẫn như vậy.
Từ rất nhỏ, mình đã được mạ mình giáo huấn về lụt. Lụt là một tất yếu mà thiên nhiên “ban” cho dân Lệ Thủy. Tháng 7 âm lịch là lúc chuẩn bị lụt “tiểu mãn” – là cơn lụt đầu tiên của mùa mưa lũ. Người ta nhìn lụt tiểu mãn để “dự báo” lụt to hay nhỏ của năm đó. Nếu lụt tiểu mãn mà nước đục nhiều thì dự báo năm đó lụt sẽ không to. Còn nếu lụt tiểu mãn mà nước trong thì dự báo sẽ có lụt rất to. Tất nhiên mọi thứ chỉ là tương đối, có lúc đúng, có lúc sai. Nhưng hình như kinh nghiệm hàng ngàn năm đúc kết thì xác suất đúng cao hơn xác suất sai.
-
Nhìn trời mưa hơi nặng hạt vào độ tháng 8, tháng 9 âm lịch là mọi thứ cần sẵn sàng. Mạ mình thường sai mình xay lúa và giã gạo. Nhà nghèo nên cũng chỉ xay một thúng ló, sau khi giã gạo thì may ra được mười – mười lăm loong gì đó. Mạ mình thường rang muối cùng với một ít ớt bột. Có nước mắm thì đó quả là “sang” lắm rồi. Nếu có cá mại kho với muối thì phải gọi là tiệc. Rau thì trong vườn nhà mình hay trồng rau khoai lang nên nếu thấy mưa to là phải ra cắt, rửa đi và thường mạ mình hay luộc trước. Tất nhiên cơm phải nấu trước – khoảng 3 loong và tiêu chuẩn là chỉ được ăn mỗi loong/ngày (cho 2 người). Đó là “dự báo lụt thường xảy ra khoảng 2 đến 3 ngày. (Mở ngoặc: bây giờ mấy món “chay” này đôi khi lại trở thành thời thượng chứ hồi đó phải gia đình thuộc bần cố nông lớp dưới như nhà mình mới ăn. Con tạo thật khéo xoay vần - mốt quay vòng xoáy trôn ốc.) Đèn thì hồi đó nhà ai phải “giàu” lắm mới có đèn pin, nhà kha khá thì có đèn bão, còn nhà mình chỉ có đèn dầu, đèn “Hoa Kỳ”. (Thú thật là mãi sau này khi mình tìm hiểu thêm mới biết cái tên đẹp đẽ này chứ thời đó mình chỉ thấy cái tên đèn nghe ngồ ngộ.)
-
➁ Đón lụt. Không hiểu sao mình nhớ là nước lên ngập nhà thường vào ban đêm. Hay là do nước ngập nhà vào ban đêm thì ấn tượng hơn vào ban ngày hay sao ấy. Thường khi sắp có nước vào nhà rất khó ngủ. Tiếng mưa xối xả, trời mù mịt, chiếc đèn dầu lờ mờ làm cho không gian thêm phần ảm đạm. Mình thỉnh thoảng đội nón cầm đèn dầu ra soi ở cươi (sân). Khi nước bắt đầu xâm xấp, mình thông báo với vẻ nghiêm trọng: “Mạ ơi, nước vô cươi rồi”. Mạ mình lúc đó thường xốn xang lấy cái này để sang chỗ kia, mặc dù sự sắp xếp lại này chả có tác dụng gì cả.
Cái mốc tiếp theo là chờ nước … vào nhà. Thường thì thỉnh thoảng ra đo ở cươi xem nước lên đến đâu – đo bằng chân. Ví dụ: nước “lút mắt cá”, “lút trôốc cúi” (đầu gối). Quá đầu gối là nước chuẩn bị vào nhà. Cũng chả làm gì được, ngồi chờ thôi.
Cũng có một lần nước xấp xỉ mép thềm nhà nhưng chờ mãi nó không chịu vào. Thế là mình ngả lưng ở cái đòn băng mà ngủ, chân trần vẫn để xuống nền nhà. Đến lúc nước lên làm cho mình giật mình ngồi dậy, vì nước nó cứ vuốt nhè nhẹ vào bàn chân, man mát, nhồn nhột. Phải một lúc sau mới định thần lại.
⇨ Nói băng sang chuyện khác. Hôm tối 18 rạng sáng 19/10/2020, mình biết là có mưa to ở Lệ Thủy. Ngồi buồn không biết làm gì, lướt mạng để xem và nhớ lại thời xưa. Lúc gần 1 giờ sáng, thấy Facebook của bạn Hồng Hà báo là nước đã vào nhà. (Nhà bạn Hồng Hà ở Lê Văn Hưu, Hải Đình, Đồng Hới chứ không phải ở Lệ Thủy nhưng bạn Hồng Hà là con dâu Lệ Thủy nên mình hay vào xem Facebook của bạn ấy để đón “bản tin”). Lúc đấy mình liên tưởng đến nhà cũ của mình ở Lệ Thủy hồi xưa, có cảm giác như sống lại cách đây khoảng 50 năm. Sau đó không biết làm gì nên đi ngủ. Các bạn biết không, mình nằm mơ thấy chân nhồn nhột y như cách đây khoảng 50 năm lúc đón lụt vào nhà! Bật dậy, hóa ra chân đắp chăn bị hở nên lạnh. Lại lướt Facebook. Lúc đấy thấy bạn Diên (Trần Văn Diên lớp T) thông báo là nước đã vào nhà lúc hơn 4 giờ sáng (ngày 19/10/2020). Thật là một kỷ lục, Đồng Hới chưa bao giờ bị nước vào nhà như thế! (Nếu mình có đưa thông tin sai thì các bạn bỏ quá cho nhé – thỉnh thoảng phải chém gió cho ra nhiều da non 😊). ⇦
-
Khi nước vào nhà, phải làm sao để đồ dạc không được trôi lềnh phềnh. Để khắc phục, hồi đó mình phải chuẩn bị một số gạch để chồng lên chờng (giường) và lên cái rương (tủ hòm). Nếu nước chưa sâu quá thì ngồi lên chờng, nếu nước lên cao nữa thì ngồi lên rương. Còn nếu nước lên cao nữa thì phải lên tra. Đây là giai đoạn nguy hiểm, phải tính đến chuyện di chuyển đi chỗ khác. Trong chừng ấy năm, mình chưa lần nào phải lên tra hay phải di chuyển sang chỗ khác. Xin một lần nữa cảm ơn Trời, Phật đã phù hộ.
-
Nhà ở Lệ Thủy (hoặc ở khắp cả Việt Nam nói chung) thời đó có cột nhà chỉ đặt tựa lên nền nhà, chứ không phải cắm sâu vào trong lòng đất. Chúng ta cứ tưởng tượng nhà như một cái nơm to úp xuống nền nhà. Khi nước lên cao sát mái, thì toàn bộ ngôi nhà sẽ bị đẩy trôi bồng bềnh trên mặt nước nếu là nhà mái tranh. Nhà mái ngói thì do ngói nặng còn đè được xuống nhưng lúc đó các cột nhà cũng không còn bám chắc vào nền nữa. Chỉ cần có sóng đánh vào là toàn bộ ngôi nhà như một cái bè lung lay và có thể trôi theo dòng nước chảy bất cứ lúc nào.
Với mức lụt đại hồng thủy năm nay thì nhà mình bị lút quá nóc và chắc chắn toàn bộ ngôi nhà bị nước lũ cuốn đi như một bè chuối vậy.
-
Lúc nước lên thì hàng xóm hay í ới hỏi nhau, chủ yếu có mấy câu: “Nước vô nhà chưa”, “Nước vô đến mô rồi” hoặc than vãn “Năm ni nước to cực quá hè”, “Ri e chết”. Đó là cách hỏi thăm nhau nhưng cũng là thông báo cho nhau biết vẫn còn sống sót.
Lúc trời sáng thường có cán bộ thôn, xóm đến hỏi thăm, đứng ở trên “đàng quan” nói với vô nhà: “Dà mụ nước vô đến mô?” (Sở dĩ họ chỉ đứng ngoài “đàng quan” nói với vào là vì nếu muốn vào nhà mình thì họ phải lội qua ruộng nước ngang ngực hoặc ngang cằm.) Mình thường thay mặt mạ mình trả lời to, cộc lốc: “Lút đòn bào”, “Lút bàn”, “Lút chờng”. Đại loại thế.
-
Thú thật với các bạn lúc đó mình chả thấy khổ sở gì cả (vẫn còn con nít mà). Mình thường lấy cái xuồng nan ra bơi, bơi từ nhà lên đàng quan hoặc bơi ra sau mấy bụi tre để nhặt rều. (Rều là cây khô, mục ở rừng do lũ quét trôi theo nước lũ.) Lấy được nhiều rều là một “chiến công”. Rều thường trôi nhiều ở giữa sông nhưng mạ mình không cho ra sợ nguy hiểm nên mình chỉ nhặt được rều mắc vào mấy bụi tre. Sau khi lụt xong, rều được phơi khô làm củi.
Một số bạn của mình hoặc các anh lớn tuổi hơn một chút, thuộc loại “sát cá”, thì hay thả lưới hoặc cất rớ tay. Thả lưới phải có một chiếc “đò con” chèo đôi, một người chèo, một người thả lưới. Cái này phải “chuyên nghiệp” mới làm được. Thường là chèo ngược nước lên một đoạn, thả lưới và để trôi theo dòng chảy (nước chảy không quá siết đâu, lờ đờ như chúng ta vào tuổi này chạy bộ buổi sáng vậy). Sau khoảng 3 đến 5 trăm mét thì kéo lưới lên. Nước càng đục thì cơ may bắt được cá càng nhiều. (Cá gì ngon – các bạn có biết không? Cá lúi các bạn à. Cá lúi tươi luộc chấm nước mắm ớt thì ngon thôi rồi!)
Cất rớ tay thì phải đi ra mấy cái hói (mương) sau đồng. Thường thả rớ hay được cá diếc, cá rô, có khi được cả cá đô (cá quả) và một số loại cá linh tinh khác. Mấy tay sát cá hay ra cất rớ vào lúc nước lụt đang lên, lúc đấy mới là lúc bắt được nhiều cá, có khi được oi đầy cá. (Oi là rọ bằng tre đan.)
-
Lụt ở Lệ Thủy thường kéo dài 2, 3 ngày. Nhìn địa lý, các bạn sẽ thấy đoạn qua Lệ Thủy là đoạn “eo” nhất của Việt Nam. Tính từ bên Lào ra đến xã Ngư Thủy chỉ có 50 km. (Mấy bạn tay lái lụa như bạn Trần Văn Diên chỉ khoảng chưa đến tiếng đồng hồ là từ bên Lào ra tắm được ở bãi tắm Ngư Thủy!) Một bên là núi chắn, một bên là các cồn cát chắn. Nước từ thượng nguồn đổ ào một cái là đến 5 xã vùng giữa của Lệ Thủy (Liên Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, An Thủy, Xuân Thủy). Nước tỏa ra các hói chằng chịt, nhanh chóng đổ xuống Vời (phá Hạc Hải), nhập vào sông Long Đại và thoát ra sông Nhật Lệ, rồi đổ ào ra cửa biển Nhật Lệ. (Vời trước đây là đầm nước lợ, kết nối đất Lệ Thủy với Quảng Ninh.)
Nếu không có đập Mỹ Trung thì nước cứ thế ào ào ra biển thôi. Đặc điểm lụt ở Lệ Thủy là nước lên nhanh nhưng cũng rút khá nhanh. Sau này có nhiều công trình thủy lợi chằng chịt nên nước rút chậm. Thế mới thấy đôi lúc chúng ta loay hoay tưởng là cải tiến, sau một thời gian nhìn lại thì hóa ra là “cải lùi”!
-
➂ Nước rút. Khi bị lụt, không gì vui hơn là “tin” nước rút. Không biết mình có quá “mê tín dị đoan” không chứ sau khi nước rút là thường có mưa nhẹ rửa bùn. Chúng ta cứ tưởng tượng trời vẫn nắng mà vẫn có mưa: Trời giúp dội nước rửa đường, rửa sân và chiếu nắng để hong khô!
Tất nhiên, kể cả có mưa thì Trời cũng chỉ giúp rửa được phía bên ngoài thôi. Phía trong nhà thì thường có bùn bám vào vách và đồ đạc. Nhà như nhà mình ít đồ đạc nên rửa một tý là xong hết. Hồi đấy phần lớn còn nghèo, đồ đạc ít, dọn dẹp sau lụt khá nhanh. (Nghèo đôi khi cũng có lợi thế 😊)
-
Lụt ở Lệ Thủy lúc nào là nguy hiểm nhất?
⚠ Theo mình, lúc “nước lên quá nhanh và bất ngờ” là lúc nguy hiểm nhất. Đây là thời điểm gia đình có người già và trẻ em trở tay không kịp.
⚠ Điểm nguy hiểm nữa là lúc lụt có gió to hoặc bão đi kèm. Nhà ở Lệ Thủy trước đây có kết cấu yếu, thân nhà chủ yếu bằng gỗ hoặc tre (không phải bằng sắt) nên gió to kết hợp với nước ngập rất dễ làm sập nhà.
-
④ Phòng ngừa và xử lý thảm họa.
Dân Lệ Thủy phải sống thuận theo Trời từ cả ngàn năm nay. Như mình có nói là ngay từ nhỏ mình đã được giáo huấn về lụt. Lúc làm nhà đã phải phòng chống lụt. Lúc lụt to thì hàng xóm thôn làng giúp đỡ nhau: người có nhà cao hơn cho người có nhà thấp đến lánh nạn, người có cái ăn thì chia sẻ cho người không có. Đó làn bản năng sinh tồn của từng người, từng gia đình, từng thôn làng và của cả cộng đồng. Đó là DNA, là gen của dân Lệ Thủy.
💡 Có cách nào phòng ngừa và xử lý tốt hơn đối với lụt lội ở Lệ Thủy không? Mình nghĩ là có.
Mình tham khảo các mô hình xử lý thảm họa của các nước trên thế giới thì mình thấy thế này:
☵ Trước thảm họa: Đến mùa mưa (từ tháng 7 âm lịch trở đi) huyện Lệ Thủy nên có một tổ đặc nhiệm theo dõi sát dự báo thời tiết của Việt Nam.
ⓐ Từng người dân phải có phao cứu sinh. Nếu nguồn lực của huyện dồi dào thì phát. Còn nếu không thì người dân có thể mua với giá rẻ.
ⓑ Từng gia đình phải tích trữ đồ ăn sẵn - không cần phải nấu - phải đủ ăn ít nhất 3 ngày (mỳ tôm, lương khô, các loại bánh, …).
ⓒ Nếu thấy có lượng mưa dự báo từ 500 mm trở lên là phải lên kế hoạch sơ tán dân cư vùng thấp (5 xã vùng giữa Liên Thủy, Phong Thủy, Lộc Thủy, An Thủy, Xuân Thủy) lên các xã trên núi (Mỹ Thủy, Mai Thủy, Phú Thủy) và các xã ven biển (Cam Thủy, Ngư Thủy).
☵ Khi xảy ra thảm họa: Khi lụt đến rồi thì huyện cần có một đội ứng cứu khẩn cấp, luôn luôn ở trong tình trạng báo động 24/24. Lực lượng tốt nhất là huy động quân đội, gồm các thanh niên trai tráng khỏe mạnh, biết bơi và phải được tập huấn một cách chuyên nghiệp.
❓ Mấy việc này có thừa không? Mình nghĩ không bao giờ thừa. Có thể chúng ta dày công chuẩn bị nhưng lụt to không đến. Thế là may và mọi thứ cũng chả mất đi đâu cả. Nếu thảm họa ập đến thì ít nhất dân không bị động. Dân Lệ Thủy phải sống chung với lụt và cách tốt nhất là luôn luôn sẵn sàng với phương châm: chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nhưng hy vọng điều tốt đẹp sẽ đến.
-
Cuối cùng, xin mời các bạn một tách trà:
(_/)
( •_•)
/ >🍵