LeVanLoi miscellaneous articles

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2025-02-01
***
Làng nghề truyền thống: MỘC THƯỢNG MẠO
Tác giả: Lê Văn Lợi tổng hợp
Làng nghề truyền thống: MỘC THƯỢNG MẠO là làng của cháu Nguyễn Hữu Đức

✪ Làng nghề truyền thống: MỘC THƯỢNG MẠO

➡️ Làng được cho là đã hình thành từ năm 36 sau Công nguyên (khoảng 2 nghìn năm tuổi)

➡️ Giỗ Tổ nghề: 11 tháng Mười âm lịch

➡️ Hội làng: 4 tháng Giêng âm lịch

➡️ Câu ca định vị làng: “Thợ Xốm, cốm Vòng”

➡️ Video giới thiệu làng MỘC THƯỢNG MẠO, do VOV TV Travel thực hiện (chú ý: đoạn cuối video bị hỏng)

https://www.youtube.com/watch?v=Xv4i1D2nloI

➡️ Đôi nét về làng MỘC THƯỢNG MẠO (chép từ Facebook)

Xốm là tên nôm của từ tổng Xốm, nay là các làng Văn Nội, Nhân Trạch, Trinh Lương, Thượng Mạo, Động Lãm, Bắc Lãm 8,9, Quang Lãm…thuộc phường Phú Lương và Phú Lãm. Ơ nơi đây, Làng làm áo tơi thì gọi là Xốm Áo Tơi; Làng làm nón thì gọi là Xốm Nón… Đặc biệt tổng Xốm có nhiều người giỏi thợ mộc, thợ nề, đặc biệt khéo léo trong việc xây dựng nhà cửa dân gian truyền thống bởi vậy mà nhân dân trong vùng có câu “Thợ Xốm, cốm Vòng” Và nổi bật hơn cả đó chính là làng nghề mộc Thượng Mạo tại phường Phú Lương nơi mà ở đó có rất nhiều thợ mộc đã và đang gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa truyền từ bao đời nay của ông cha ta.

Theo lịch sử lưu truyền, làng Thượng Mạo được hình thành từ năm 36 sau công nguyên, từ một làng quê nghèo nàn, lạc hậu, chỉ độc canh cây lúa, đời sống vô cùng khó khăn, nghèo đói. Với mong muốn đưa dân làng thoát khỏi nghèo đói, các bậc cao niên trong làng đã cất công đi khắp nơi kiếm tìm thầy giỏi về dạy nghề cho nhân dân trong làng. Trải qua quá trình đào tạo và dạy nghề cho dân làng, nhờ sự dạy bảo tận tình của cụ tổ nghề cùng với sự nỗ lực học tập để lấy nghề, quyết tâm vượt khó, tay nghề của các vị tiền nhân được nâng cao thành thạo về mực thước, tinh thông về trạm khắc, cũng như kỹ thuật và chất lượng sản phẩm. Với tay nghề được thầy truyền dạy, trí thông minh sáng tạo của các vị tiền nhân được tiếp thu những tinh hoa của dân tộc, từng tốp thợ và anh em các dòng họ đã tổ chức phân thành các tổ thợ đi tìm việc và nhận làm ở khắp nơi, tham gia làm và xây dựng nhiều đình chùa, miếu, nhà thờ theo kiến trúc cổ đại ngày xưa. Một số công trình vẫn được bảo tồn và vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay như Đình làng Đơ, Đình Khương Thượng, Đình Bình Đà, Đình La Tinh, Đình Đông Lao, Đình Văn Phú, Đình Khê Tang, Đình làng Thượng Mạo và nhiều công trình khác ở các địa phương lân cận…

Để ghi nhớ công ơn người thầy đã truyền nghề, với truyền thống tôn sư trọng đạo, năm 2013, cán bộ và nhân dân Thượng Mạo đã khôi phục tu bổ nhà thờ tổ nghề mộc với nguồn vốn xã hội hóa. Hàng năm cứ vào ngày 11/10 âm lịch, cán bộ cùng các cụ, nhân dân với các tổ thợ lại tổ chức tế lễ, dâng hương long trọng để tưởng nhớ người thầy truyền nghề, đồng thời cùng nhau trao đổi một năm lao động sản xuất, kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm trong nghề giữa các thế hệ. Ngoài ra, mọi người còn mổ lợn, cùng nhau liên hoan tại đình, tục lệ có từ đời xưa mà quanh vùng không nơi nào có.

Để tạo nên một sản phẩm, người thợ mộc phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp. Mỗi một sản phẩm mộc phải trải qua 6 công đoạn chính, từ bóc bản vẽ, soạn gỗ, xẻ gỗ, pha chế phần thô, sơ chế và hoàn thiện. Bất kể một người thợ nào cũng phải làm được cả 6 công đoạn trên. Trước đây khi chưa có máy móc, người làng Thượng Mạo chủ yếu làm mộc bằng công đoạn thủ công, tốn kém công sức thì nay nhờ nắm bắt được khoa học kỹ thuật phần lớn đã chuyển sang làm bằng máy. Các loại máy cắt, máy bào… được đưa vào làm nghề để cơ giới hóa, giảm công sức lao động. Nhờ vậy, số lượng và chất lượng sản phẩm đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ khoa học kỹ thuật vào nghề, mở rộng sản xuất, xuất hiện nhiều xưởng sản xuất quy mô lớn. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, làng nghề mở rộng sản xuất với đầy đủ các mặt hàng: đồ mỹ nghệ, trạm khắc, sơn son thếp vàng, hoành phi, câu đối, làm nhà cổ, nhà thờ, đình, chùa, trang trí nội thất, gường, tủ, bàn ghế, cầu thang, khuôn cửa... Các sản phẩm của làng nghề Thượng Mạo luôn đảm bảo uy tín, chất lượng, luôn được thị trường đánh giá cao.

Với truyền thống nghề mộc Thượng Mạo có từ lâu đời, cha truyền con nối, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về phát triển làng nghề, ngày 30/12/2009, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6846/QĐ-UBND về việc công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2009 cho 16 làng nghề, trong đó quận Hà Đông có 01 làng nghề đó chính là làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo.

Đây là một bước ngoặt to lớn. Được Nhà nước công nhận làng nghề mộc Thượng Mạo là niềm vui đối với quận Hà Đông và phường Phú Lương nói chung, đặc biệt là cán bộ và toàn thể nhân dân Thượng Mạo nói riêng. Năm 2014, UBND quận Hà Đông ra Quyết định số 8438 về việc cho phép thành lập Hội làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo. Thành quả đó từng bước làm tiền đề phát triển các sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, mang lại nguồn thu nhập cho hộ gia đình, doanh nghiệp, phát triển kinh tế góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa xây dựng đất nước.

Làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo, nay là Tổ dân phố 13, 14 phường Phú Lương, có diện tích đất tự nhiên trên 105.000 m2 có hơn 600 hộ dân với 2.000 nhân khẩu. Trong đó có hơn 400 hộ sản xuất kinh doanh làm nghề mộc và hơn 1.000 lao động nghề. Ngoài ra còn có lao động bên ngoài đến học nghề và làm nghề. Hàng năm, được sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền, Hội thường xuyên tổ chức mở các lớp truyền nghề, học nghề do chính các nghệ nhân trong làng truyền dạy, hay các lớp về xây dựng thương hiệu, marketing (Các bạn có thể vào Fanpage: Làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo để tham khảo các sản phẩm của làng nghề cũng như trao đổi thông tin với các nghệ nhân).

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những người thợ Xốm hôm nay đã, đang và sẽ không ngừng bảo tồn, gìn giữ và tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống ngàn đời của làng nghề xưa. Việc gìn giữ và phát huy nghề mộc như giữ lấy hồn cốt quê hương mà tổ tiên ngàn đời gây dựng nên.