
Nguyễn Văn Anh
Mùi của Mẹ
🤱
Thời son trẻ
Mẹ thơm mùi con gái
Mùi tằm dâu rơm rạ quê nhà
Mùi bồ kết hương cau thơm lắm
Mùi thanh xuân đồng nội
Mẹ trao cho cha
~
Ngày vỡ ối con ra
Mẹ còn thơm mùi chăn gối
Mùi tro than hột muối củ gừng
~
Con bú mớm
Mẹ thơm mùi vú mọng
~
Con đi lẫm chẫm
Mẹ thơm mùi cơm nhão, cháo hoa
~
Con đến trường làng
Mẹ thơm mùi lửa rơm gạo mới
~
Con lên trường huyện
Mẹ thơm mùi cơm bới mo cau
~
Khi con ốm đau
Mẹ thơm mùi của Phật
À ơi…
Ôm con mùi Mẹ tỏa ra
Bệnh hoạn tiêu tán, tà ma phải lùi
~
Ngày nắng hạn
Mẹ thơm mùi me đất
~
Tháng mưa dầm
Mẹ thơm mùi con cá chột nưa
~
Con xa nhà mang theo mùi của Mẹ
Đi đông đoài nam bắc
Là con đi đất bằng biển lặng
Là con đi chân cứng đá mềm
Ơi những kẻ đi xa
Có nghe thơm mùi của Mẹ
Mẹ thơm mùi bếp lửa quê nhà
Mùi của Mẹ là mùi rất thật
~
Ngày con thành gia thất
Mẹ thơm mùi treo cưới
Mùi áo khăn đèn rượu trầu cau
Ngày tháng qua mau
Thoảng chút hương đời con hể hả
Mẹ cứ giữ một mùi dân dã như rơm
Đời con lận đận áo cơm
Mẹ là áo gấm, tám thơm, nồi đồng
Đời con mỏi gối chồn chân
Lạ thay Mẹ vẫn thơm mầm lộc non
Con mấy mặt con rồi
Vẫn ngỡ mình bé dại
Vì nhà ta còn mùi Mẹ, mùi Bà
Mùi Bà - mùi cái vú da
Mùi cau trầu với mùi hoa mẹ trồng
~
Mẹ ơi
Mẹ mới đó
Bốn mùa mặc áo the thâm
Sao nỡ vội già không trẻ mãi
Để vãn buổi chợ chiều tất bật đi mau
Vì biết con chờ gói kẹo cau đùm trong lá chuối
Ôi cục kẹo cau có hương bưởi hương ngâu
Có con cu kêu đầu hồi để thời gian qua chi vội
~
Bây giờ tội nghiệp Mẹ tôi
Tám mươi ba tuổi xếp đôi cánh cò
Mùi của Mẹ quanh co giường chiếu
Mùi trần ai khô kiệt xác thân
Mùi da xương bên ướt Mẹ nằm
Để cả đời bên ráo con lăn
Khuya nay quỳ xuống ôm chân
Mẹ ơi đã lạnh toàn thân
Mất rồi!
~
Cây cau già ngoài sân chết đứng
Ngọn trầu không héo úng rụng rời
Gió khóc ngoài giậu mồng tơi
Tre trúc quờ quạng tìm hơi Mẹ già
Mẹ hiền đi chuyến chợ xa
Mùi Mẹ cánh Hạc bay ra cõi Trời
Con thành đứa bé mồ côi
~
Mạ ơi!
Con thành đứa bé mồ côi
Lặng chiều nhang khói tìm hơi Mẹ hiền.
***
Nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Văn Anh
* *
*
Nguồn gốc bài thơ & lời bình
Bài thơ này mình được bạn Lê Thị Diệu Ty gửi. Tác giả bài thơ, anh Nguyễn Văn Anh, quê ở Hương Thuỷ, Thừa Thiên – Huế, bạn học cùng Diệu Ty thời sinh viên Đại học Huế. Do mắc bệnh hiểm nghèo, anh Nguyễn Văn Anh đã qua đời ở Sài Gòn vào ngày 27/10/2020.
-
Bài thơ trong bản gốc được viết liền mạch. Mình đã thêm xuống dòng kèm với đó là dấu ~ (dấu lặng ngân – mình đặt tên dấu này như thế).
-
Khi mình tìm bài “Mùi của mẹ” ở trên mạng Internet, chỉ chưa đến nửa giây đồng hồ, mình tìm được hơn 41 triệu kết quả. Thật khá bất ngờ, điều này cho chúng ta thấy bài này đã nổi tiếng từ khá lâu rồi. Mình chép ra đây đường dẫn để nghe tác giả Nguyễn Văn Anh ngâm bài thơ của chính mình: https://www.youtube.com/watch?v=T_a3tW6zU24
-
Lời thơ và giọng ngâm của tác giả “đặc ca Huế” cho chúng ta một cảm giác da diết, trầm mặc như cơn mưa chiều trên bầu trời âm u của sông Hương, núi Ngự. Phải thú thật với các bạn, bài thơ cho mình một cảm giác sâu lắng nhưng không tránh khỏi một cái gì đó như qua đi, như mất mát, trầm tư, mặc tưởng cuộc đời một người Mẹ ủ hương từ lúc phôi thai cho đến tận lúc đứa nhỏ “đã có mấy mặt con”. Tác giả nhìn thấy “Mẹ cho mình” mà mình chả làm được gì cho Mẹ. Cảm giác Mẹ như vũ trụ bao che lấy đứa con, toả hương để con khôn lớn, toả hương để che chở cho con khỏi ốm đau bệnh tật. Tác giả “tiếc” sao Mẹ già nhanh thế. Khi Mẹ đau yếu nằm xuống, tác giả bất lực nhìn quy luật nghiệt ngã của Tự nhiên. Tác giả quỳ xuống ôm chân Mẹ trước lúc Mẹ đi xa.
~
Đến cuối bài, tác giả khóc, thảng thốt gọi “Mạ ơi” và nhận ra mình đã mồ côi Mẹ. Chúng ta ai cũng biết việc này sẽ đến một ngày nào đó. Nhưng bản thân chúng ta vẫn thấy bất ngờ. Trong những ngày hạnh phúc bên Mẹ, chúng ta hẳn nghĩ rằng Mẹ trẻ mãi không già. Tác giả “khóc” ở cuối bài làm cho mình có phần hụt hẫng. Các cụ của chúng ta đều nói người già đến lúc nào đó sẽ “quy tiên”, sẽ trở về Trời, sẽ lên thiên đường sau khi có một cuộc đời viên mãn trên Dương thế. Di sản của Cha và Mẹ là chính chúng ta và chúng ta lại truyền di sản cho con cháu của mình. Quy luật của muôn đời là như thế. Chúng ta hít hà Mùi của Mẹ, chúng ta ngân nga Tình yêu của Mẹ - sao nỡ buồn! Mùi của Mẹ chính là Tình yêu của Mẹ để lại cho chúng ta trước khi Mẹ trở về với Cõi Vĩnh Hằng.
-
Cuối cùng, xin mời các bạn một tách trà:
(_/)
( •_•)
/ >🍵