Giỗ Thành hoàng làng Bái Ân
✪
Địa chỉ: Đình Bái Ân, Ngõ 175 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Map: 21° 3' 12.15" N, 105° 48' 28.14" E
✪
Báo cáo với cả nhà, nhân sắp Tết, mình mạn phép đăng về giỗ Thành hoàng làng Bái Ân (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội). Mình quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình nhưng di cư và “ở đậu” trong đất của Làng hơn hai mươi mấy năm nay, nên có thể coi là người “nhập cư” vào Làng. Đối với các bạn trẻ rành về công nghệ: tọa độ trên bản đồ của Đình Bái Ân là [21° 3' 12.15" N, 105° 48' 28.14" E]. Chỉ cần mở Google Maps rồi “dán” tọa độ này vào là ra ngay. Hoặc mở google.com rồi tìm kiếm theo cụm từ “Đình làng Bái Ân”, bạn sẽ được một danh sách dài các đường link nói về Đình. Còn những ai đam mê AI (trí tuệ nhân tạo) thì chẳng hạn, mở ChatGPT, kích vào biểu tượng 🌐 rồi tìm kiếm theo cụm từ “Đình làng Bái Ân”, bạn sẽ thấy Đình được giới thiệu một cách ngắn gọn, súc tích kèm với ảnh và video.
-
Nếu chỉ thế thôi thì khỏi cần viết status này đúng không ạ? Hôm nay mời cả nhà lang thang trải nghiệm (ảo) giỗ của Tam Thánh (tên gọi của Thành hoàng làng Bái Ân), một trải nghiệm có thể không “ăn nhập” gì với thời bây giờ nhưng hy vọng là khơi lại cái “cũ mà mới”.
-
Làng Bái Ân có một chùa và một đình, đúng theo “chuẩn” làng tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chùa của Làng có tên là chùa Dụ Ân (xem Ảnh 1) và đình làng có tên là Đình Bái Ân. Chúng ta ai cũng biết Đức vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La vào năm 1010 và đổi tên thành Thăng Long. Sau khi ra Thăng Long, chỉ một năm sau (1011) nhà vua ra kinh lý vùng Bưởi. Theo truyền thuyết đã được chép vào sử sách thì đầu xuân năm 1011 nhà vua ngự thuyền trên sông Tô Lịch ra chơi ngoại thành. Đến bến Giang Tân, nhà vua thấy có mấy vuông lĩnh giăng lên vẽ một con rồng uốn khúc bay. Vua liền dừng thuyền lên bờ hỏi một cụ già thì được biết ở đây có nghề dệt lĩnh, lụa và vẽ rồng tượng trưng cho sự kiện rồng bay lên (thăng long) để đón nhà vua. Vua hỏi về từng làng ở ven sông Thiên Phù và sông Tô Lịch rồi cho đổi tên các xóm bến, xóm nghè, xóm dậu là xã Nghĩa Đô vì là dân có nghĩa (với vua) và cho đổi tên xóm bãi là Bái Ân (nghĩa là ân thấm khắp cả). Như vậy, Làng Bái Ân có tuổi đời chỉ kém Thăng Long – Hà Nội một tuổi, năm nay (2025) Làng 1014 tuổi.
✪
Thần tích
✪
Đấy là tên và tuổi của Làng. Nhưng lúc đó Làng chưa có Thành hoàng làng. Sự tích Thành hoàng Làng xảy ra vào năm cuối đời Lý Nhân Tông, năm 1127 (xem chi tiết ở Ảnh 2).
《
Để xâu chuỗi các mắt xích lịch sử và dễ nhớ, nhà Lý bắt đầu từ Lý Thái Tổ (1010-1028), tiếp đến là Lý Thái Tông (1028-1054), đến Lý Thánh Tông (1054-1072) rồi đến Lý Nhân Tông (1072-1127). Đời Lý Nhân Tông có Lý Thường Kiệt, từng học ở chùa Dụ Ân (làng Bái Ân), đánh quân Tống với bài thơ bất hủ:
Nam-quốc sơn-hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm-phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
》
✪ Sự tích nói rằng vào thời đó có ông Vũ Phục vốn người đất Phong Châu cư trú ở xã Minh Tảo, Từ Liêm. Ông lấy vợ là người con gái họ Đỗ ở Làng (Bái Ân). Hai vợ chồng lấy việc bán dầu làm nghiệp sống. Bấy giờ, vua bị bệnh đau mắt, chữa mãi không khỏi. Nghe thấy chùa trên núi Vân Mộng huyện Kim Bảng có Quỷ Cốc tiên sinh tinh thông kinh dịch, vua liền đến xem bói. Thầy phán do dòng nước từ phía Tây Bắc chảy xiên vào kinh đô nên khiến vua bị tổn thương. Nếu trấn áp được thì vua sẽ khỏi.
Sớm hôm sau, lính canh thấy có vợ chồng ông bà Vũ Phục đi bán dầu ngang qua. Sứ giả liền kể lại câu chuyện gặp thần rồi hỏi ông bà thích ăn gì. Ông bà bảo thích ăn xôi dẻo, bò béo, gà mái ghẹ. Lính canh cho nấu những món đó thết ông bà. Ăn xong, ông bà ngửa mặt lên trời mà khấn rằng: "Vợ chồng tôi quyên thân vì đất nước mà lấy cái chết giúp vua. Trời có biết thì xin chứng giám". Nói rồi, hai người gieo mình xuống sông tự vẫn, nhằm ngày 30/11 âm lịch.
Người em trai ông Vũ Phục không thấy anh chị về liền đi tìm. Đến chỗ Ao Cá, từ xa thấy nơi anh chị "hóa" nhưng quân lính canh giữ không cho vào, uất ức quá mà đâm vào gốc cây cổ thụ rồi mất. Hôm đó là ngày 6/12 âm lịch. Chỗ người em "hóa" đùn lên một gò đất, sau gọi là Quán Cây. Hiện, trong Quán có xây một ngôi mộ tượng trưng cho nơi người em đã "hóa".
Dân làng Bái Ân xem sự tích trên là thần tích, hiển thánh. Ông Vũ Phục được phong là “Chiêu Ứng Phù Vận Đại vương Thượng đẳng thần”, vợ được phong là “Thuận Chính Phương Dung Công chúa Thượng đẳng thần”. Người em được phong “Chiêu Điều Hồng Ân Đại vương Thượng đẳng thần” (hay còn gọi là “Ông Thánh Chú”). Đình Bái Ân thờ “Tam Thánh” là vì vậy.
Chú ý rằng cả ba thánh của làng Bái Ân đều là “Thượng đẳng thần”. Vì sao là “Thượng đẳng thần”? Mình có tò mò hỏi ông Nguyễn Ngọc Bỉnh, Trưởng tiểu ban quản lý di tích Đình Bái Ân về cụm từ này. Ông giải thích rằng đối với những người có công giúp vua, giúp nước khi hiển thánh được phong là “Thượng đẳng thần”. Đối với những người có công với một địa phương, một vùng thì được phong là “Trung đẳng thần”. Đối với những người có công tạo ra một nghề thì được phong là “Tổ nghề”. Còn lại, đơn giản là “Thành hoàng làng”.
✪
Kiến trúc đình làng
✪
Trước khi đến mục chính là Lễ Thánh, mời cả nhà đi tham quan (ảo) Đình làng Bái Ân.
Đầu tiên mời cả nhà cùng lược qua kiến trúc theo “chuẩn” của đình làng Việt (xem Ảnh 3) thuộc vùng châu thổ Bắc Bộ.
Bố cục của đình theo trục dọc thường bao gồm: Hồ nước – Nghi môn – Nhà Tiền tế – Đại đình – Hậu cung, hai bên có hai hành lang Tả Mạc – Hữu Mạc.
Cổng vào đình có tên gọi là Nghi môn. [Từ ngữ trong đình thường ghi bằng chữ Hán]. Sau cổng là đến sân đình, rồi đến Nhà Tiền tế (hay còn gọi là Phương đình). Nhà tiền tế không có tường, có 2 tầng mái, hình vuông, tầng dưới 4 mái, tầng trên 4 mái, cộng lại thành 8 mái. Ngang hàng với nhà Tiền tế thường có nhà Tả mạc và Hữu mạc (trong tiếng Hán Việt thì “Tả” là bên trái còn “Hữu” là bên phải). Đây là hai nơi các quan viên trong làng chuẩn bị áo mũ, lễ vật, trước khi vào dự lễ cúng tế.
Sau nhà Tiền tế là nhà Đại đình. Đại đình thường có nhiều gian, là nơi hành lễ sinh hoạt công cộng, hành chính nên cần không gian và diện tích lớn, trang trọng, bề thế. Gian chính giữa thường không có sàn còn gọi là gian lòng thuyền. Gian này được coi là lối đi của Thánh (Thành hoàng làng) được thờ trong đình và cũng là nơi để thực hiện các nghi lễ thờ cúng.
Sau Đại đình là Hậu cung. Hậu cung là nơi đặt bàn thờ Thành hoàng làng, giữ các vật thiêng, không gian nhỏ nhưng kín đáo, trang nghiêm.
Đình làng thường được dựng bằng những cột gỗ tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Vì, kèo, xà ngang, xà dọc, xà gồ của đình cũng làm toàn bằng gỗ tốt như gỗ lim. Tường đình xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói mũi hài, hai đầu hồi xây bít đốc hoặc làm bốn góc đầu đao cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt, tục gọi là "lưỡng long chầu nguyệt" hay "lưỡng long tranh châu".
Sân đình được lát gạch. Trước đình có hai cột trụ cao vút, trên đình được tạc hình con nghê. Một chiếc trống cái cũng được để trong đình để đánh vang lên theo nhịp ngũ liên thúc giục dân làng về đình tụ họp bàn tính công việc của làng. Nhiều đình có có tấm bình phong, điêu khắc thường thấy là đồ án Long Mã hoặc tạc hình con hổ nhìn ra để trấn trạch (trong miền Nam hay gọi là Bia ông Hổ).
Trang trí đình làng chủ yếu là hoành phi, câu đối, cuốn thư. Hoành phi là câu chữ hán trên biển giăng ngang, còn câu đối dọc theo cặp cột (hai vế đối). Tất cả đều viết bằng chữ Hán. Đây cũng là một điểm có thể gây khó hiểu đối với phần lớn trong số chúng ta.
《
Để hỗ trợ “dân thường” không thạo chữ Hán như chúng ta, Đình Bái Ân đã “số hóa”. Dưới các hoành phi, câu đối, cuốn thư họ dán mã QR Code. Khi bạn dùng phần mềm đọc mã QR Code (ví dụ phần mềm QR Reader), bạn sẽ thấy hiển thị ngay trên điện thoại một văn bản gồm chữ Hán gốc, phiên âm và phần giải nghĩa bằng tiếng Việt. Rất tiện lợi cho những người “tò mò” như mình.
》
Trở lại với kiến trúc Đình Bái Ân, chi tiết mời cả nhà tham khảo Ảnh 4. Đình Bái Ân không có hồ nước. Sau cổng chính (Nghi môn) đi qua sân đình là nhà Tiền tế (trong sơ đồ gọi là nhà Tám Mái). Tiếp đó là khu Đại bái (nơi cúng tế) nối liền với khu Chồng Diêm (chồng diêm là kiểu mái có 2 tầng mái chồng lên nhau) gồm khu giữa để 3 kiệu của 3 thánh, hai bên là khu Tả Mạc và Hữu Mạc. Phần cuối đình là Hậu cung – nơi thờ Tam Thánh của làng.
✪
Lễ Thánh (giỗ)
✪
Xin nhắc lại với cả nhà là Lễ Thánh gồm 2 ngày là giỗ Đức Thánh Ông, Đức Thánh Bà (Ông Bà Vũ Phục) vào ngày 30 tháng 11 (âm lịch) và giỗ Đức Thánh Chú (em trai Vũ Phục) vào ngày 6 tháng 12 (âm lịch). Để đỡ làm mất thời gian của cả nhà, mình chỉ mô tả (ảo) giỗ Đức Thánh Chú (mặc dù mình tham dự cả hai ngày giỗ).
-
Lúc mình đến Đình khoảng hơn 8 giờ sáng thì đã thấy khá đông đủ quan khách. Ban tổ chức cũng đã sẵn sàng.
Khoảng 8 giờ 30 Lễ bắt đầu bằng một hồi trống. Sau phần khai mạc, Ban tổ chức mời các lãnh đạo địa phương, các bậc cao niên và dân làng vào thắp hương Lễ Thánh. Mình quan sát thấy các tổ dân phố, các gia đình dâng lễ gồm hoa, gà sống thiến (đã luộc) ngậm bông hoa hồng đặt trên đĩa xôi có rắc thêm vài cánh hoa hồng, ở dưới là vàng mã cùng với hương. Các cụ bà có người mặc áo tứ thân, có người mặc áo dài sẫm màu đứng khấn một cách rất cung kính trước bàn thờ Tam Thánh ở Hậu cung.
-
Tiếp đó là phần lễ tế. Lễ tế Thành hoàng làng là một nghi thức tuy khá phức tạp nhưng được “chuẩn hóa” từ y phục, âm nhạc, thành phần ban tế cho đến quy trình. Mình xin lược qua để nếu có dịp xem lễ tế chúng ta phần nào dễ hình dung hơn.
☀ Y phục: mũ kiểu phốc đầu, áo tay thụng, quần kiểu ống sớ, chân đi hia.
♦ Chủ tế: riêng một màu, thường là màu đỏ, có cân đai, bối tử.
♦ Các viên Bồi tế: dùng chung một màu cho mũ áo, thường là màu tím.
♦ Các Chấp sự: dùng chung một màu, thường là màu xanh lam. Mời cả nhà tham khảo Ảnh 5.
☀ Âm nhạc: Nhạc gồm bài Lưu thuỷ dùng khi tiến tước, gọi là Lên âm, bài Ngũ đối dùng khi tiến tước hoàn thành, gọi là Xuống nhạc. Nhạc cụ: bộ gõ gồm các loại trống, chiêng, sênh tiền (3 loại). Bộ hơi gồm kèn và sáo.
☀ Thành phần ban tế: Chủ tế (là người đứng vái lạy Thần – Thành Hoàng), Bồi tế (2 -4 người – phụ họa theo Chủ tế), Nội tán (2 người phụ Chủ tế), Đông xướng, Tây xướng (MC: đọc nghi thức hành lễ), Chấp sự (người giúp việc ở bàn Đông – Tây xướng), Thủ hiệu: (2 người: bên trống: điều hành cuộc tế bằng trống cái. Bên chiêng: đánh chiêng theo lệnh của trống cái), Đọc chúc (người thông văn tự Hán Việt). Ngoài ra còn có phường Bát âm, Đội múa.
☀ Quy trình: gồm 36 bước, rất dài nhưng đã được chuẩn hóa.
Trước khi tế phải chuẩn bị đồ tế, hương án. Thắp hương xong, một người đánh lên 3 hồi trống cái, trống trước, chiêng sau. Thường thì người Đông xướng xướng hoặc người Đông xướng, người Tây xướng thay nhau xướng (nếu chỉ một người thì người đó xướng từ đầu đến cuối – người này là người dẫn tế). Mỗi lần dẫn tế đọc thì phường Bát âm nổi nhạc phụ họa theo (Lên âm hoặc Xuống nhạc). Mời cả nhà tham khảo video ngắn do gia đình mình ghi lại một cách amateur:
https://youtu.be/C1NKFXmNSz4
Đoạn video ngắn này chỉ mang tính “demo thực địa” một phần của lễ tế, không phải toàn bộ lễ tế. Trong đoạn video này chúng ta nghe rất rõ phần dẫn tế của Đông xướng (MC của lễ tế - Đông xướng và Tây xướng gộp làm một). Chủ tế (mặc áo đỏ) cùng các Bồi tế, Nội tán làm theo MC. Chú ý thủ tục Hiến tửu: có hai hàng (trái và phải), mỗi hàng 4 người kèm theo một người múa phụ họa (múa phụ họa là nữ, mặc áo tứ thân: áo đỏ phối xanh với váy màu vàng, tóc vấn hóa) đi vào nội điện – xong đi ngược trở ra. Người đi đầu cầm đèn (nến), 3 người đằng sau, 2 người cầm đài rượu, 1 người cầm khay trầu cau. Nhạc đệm lúc đi vào điện rồi trở ra là bài Lưu thủy – một loại nhạc cung đình dành cho lễ hội.
-
Ở phần cuối của video chúng ta thấy có phần đọc chúc văn. Nghe qua video rất khó biết được nội dung của chúc văn, một phần vì video không rõ tiếng, một phần khác vì ngôn ngữ của chúc văn là Hán Việt. Ai “tò mò” xin tham khảo Ảnh 7 – là chúc văn Ông Bà Dầu (giỗ ngày 30 tháng 11) và Ảnh 8 – là chúc văn Thánh Chú (chính là nội dung trong đoạn cuối của video trên). Xem các chúc văn này, mình cũng lờ mờ nhận dạng được lối văn diễn đạt trong văn khấn thường dùng cho cúng tế ở gia đình.
✪
Ngẫm
✪
Sau khi tham dự cả hai hôm giỗ, xem nghi lễ tế thần được thực hiện một cách cung kính, uy nghi, đầy đủ, mình cảm nhận như dân làng Bái Ân đang kết nối hiện tại với quá khứ xa xưa – cách nay cả nghìn năm, kết nối người dương với người âm, kết nối thế hệ hôm nay với lớp lớp tiền nhân. Đức tin là tiên đề. Lòng tin làm cho tâm hồn ta thư thái, an nhiên.
-
Âm nhạc, y phục, văn phong của lễ tế có cái gì đó là lạ. Thú thực, lúc đầu xem lễ tế mình không thật sự hiểu. Mình mày mò tìm trên mạng Internet rồi dùng các phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng, giải nghĩa. Thật bất ngờ và thú vị vì các phần mềm đó cho biết đó là các ký tự Hán Việt, là văn phong trong các lễ hội, đình, chùa của người Việt. Mình tách ảnh y phục nam, y phục nữ từ video quay được rồi “truy vấn” về phong cách thiết kế của loại y phục này. Tất cả đều cho đáp án rằng đó là lễ phục cung đình để thực hành trong các dịp lễ của văn hóa người Việt, không phải là phong cách Á Châu chung chung. Tức là các phần mềm đều “định dạng” lễ tế là một thiết chế văn hóa mang đặc trưng hoàn toàn Việt. Thật là lý thú!
-
Cuối cùng, nhân Tết Ất Tỵ sắp tới, xin chúc cả nhà Tết an lành, năm mới an khang, thịnh vượng!
---

Ảnh 1:
Bia ký lịch sử chùa Dụ Ân (làng Bái Ân)
~
Sau khi ra Thăng Long, chỉ 1 năm sau (1011) vua Lý Thái Tổ đã ra kinh lý vùng Bưởi. Theo truyền thuyết đã được chép vào sử sách thì đầu xuân (1011) nhà vua ngự thuyền trên sông Tô Lịch ra chơi ngoại thành. Đến bến Giang Tân, nhà vua thấy có mấy vuông lĩnh giăng lên vẽ một con rồng uốn khúc bay. Vua liền dừng thuyền lên bờ hỏi một cụ già thì được biết ở đây có nghề dệt lĩnh, lụa và vẽ rồng tượng trưng cho sự kiện rồng bay lên (thăng long) để đón nhà vua. Vua hỏi về từng làng ở ven sông Thiên Phù và sông Tô Lịch rồi cho đổi tên các xóm bến, xóm nghè, xóm dậu là xã Nghĩa Đô vì là dân có nghĩa (với vua) và cho đổi tên xóm bãi là Bái Ân (nghĩa là ân thấm khắp cả) (1).
Các di tích thời Lý (thế kỷ XI) còn lại có chùa Dụ Ân ở thôn Bái Ân xưa. Đây là nơi tu hành và dạy học của vị tôn thất nhà Lý là Lý Công Ẩn. Tiêu biểu nhất trong số học trò của cụ có anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt có nhà ở phường Thái Hòa (2) hàng ngày đến phường Bái Ân học.
Dụ Ân là ngôi chùa cổ xưa ở phía tây bắc xa làng, sau chuyển về gần làng cho tiện sự đi lại của phật tử (3). Hiện trạng của chùa có tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian theo kiểu chữ Đinh, kiến trúc thời Lê. Chùa còn nhiều di vật quý: 22 pho tượng, tấm bia đá cổ dựng năm Lê Vĩnh Hựu thứ IV (1738) ghi việc công đức tu sửa chùa, quả chuông đồng lớn đúc năm Gia Long thứ 17 (1818). Bia đá và chuông còn lại ở chùa giúp cho việc nghiên cứu về phường Bái Ân xưa thuộc huyện Quảng Đức (sau đổi là Vĩnh Thuận), phủ Phụng Thiên (sau đổi là Hoài Đức), kinh thành Thăng Long. Đáng chú ý ở nhà Mẫu có bức hoành phi ghi bốn chữ Hán “MẪU NGHI THIÊN HẠ”. Đây phải chăng là cô gái họ Thái lấy vua có hậu vào chùa và được thờ?
-
(*) Lịch sử chùa Bái Ân trích trong lịch sử phường Nghĩa Đô do Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội cấp ngày 20/01/2001 (in xong và nộp lưu chiểu tháng 1/2001).
(*) Chú thích:
(1) Trích theo sách “Hùng khí Thăng Long” của Chu Thiên, Sở VHTT HN năm 1960
(2) Nay là chỗ Nhà máy bia Hà Nội
(3) Nay còn nền thuộc địa phận làng XUÂN TẢO SỞ
~
Nguồn: Bia ký do gia đình phật tử Vũ Duy Chúc – làng Yên Thái, Bưởi, Tây Hồ – cung tiến tại chùa Dụ Ân (làng Bái Ân)
---

Ảnh 2: (Dịch nghĩa thần tích từ sách)
THẦN TÍCH XÃ BÁI ÂN,
TỔNG XUÂN TẢO, HUYỆN TỪ LIÊM, TỈNH HÀ ĐÔNG
Phụng sao sự tích hiển thánh vào tiết thu năm Thành Thái thứ 6 (1894) triều Nguyễn. Đền phúc thần uy linh thờ phụng ở An Thái, Bái Ân, Nghĩa Đô, Tiên Thượng [Đoạn này có trong các văn bản thần tích lưu tại Đình Bái Ân].
Sự tích hiển thánh: Đời truyền rằng, vào cuối đời vua Lý Nhân Tông (ngang với đời vua Tống Khâm Tông nhà Tống Trung Quốc) có ông Vũ Phục, tên tự Phúc Thiện, vốn người đất Phong Châu (nay huyện Bạch Hạc) cư trú xã Minh Tảo, huyện Từ Liêm. Nhân đó lấy người con gái họ Đỗ ở ngõ Bảo Tháp của làng. Vợ chồng lấy việc bán dầu làm nghiệp sống.
Bấy giờ, vua bỗng nhiên bị đau mất, chữa mãi thuốc nhưng không khỏi. Nghe thấy chùa trên núi Vân Mộng huyện Kim Bảng có Quỷ Cốc tiên sinh tinh thông kinh dịch. Vua liền đến xem bói (tức huyện Kim Bảng ở xứ Sơn Nam). Quỷ Cốc tiên sinh nói rằng: “Quẻ này có ẩn khí tượng đế vương. Bệ hạ xây phủ định đô nhưng bị dòng nước từ phía Tây Bắc chảy xiên vào kinh đô nên vua bị tổn thương, nếu trấn áp được thì vua khỏi bệnh và hết lo lắng”.
Bấy giờ, Thiên Phù và Tô Lịch là hai dòng sông hợp lưu (sông Thiên Phù phát nguyên từ dòng sông Lô chảy qua huyện Quảng Đức và Từ Liêm, đổ vào sông Tô Lịch. Sự tích về sông Tô Lịch chép trong sách Lĩnh Nam chích quái) phạm vào góc thành Thăng Long, tên cổ là thành Long Biên, cũng có tên là thành Đông Quan, hay còn gọi là thành Đông Đô (dẫn sách Hoàng Minh chức phương địa đô).
Thành Thăng Long do Đào Hoàng đời Tấn đắp, còn gọi là thành Đại La. Đến đời Đường, Trương Bá Nghi lại bồi đắp. Đến đời Đường Hiến Tông có Trương Đan tiếp tục đắp thêm. Đến đời Đường Mục Tông thì Nguyên Gia mới dời phủ trị đến sông Tô Lịch, đắp một thành nhỏ. Có ông thầy địa lý bảo rằng: “Sức lực của ngài chưa đủ để đắp thành lớn, đợi 50 năm sau sẽ có người họ Cao đến đây định đô kiến phủ”. Đến đời Đường Ý Tông, khoảng niên hiệu Hoàng Thông thì Cao Biền đắp La Thành, quả đúng như lời thầy địa lý. Lại xét trước đó phủ thành phía ngoài thành Đông Quan ngày nay gọi là La Thành, trải đến triều Lý Thái Tổ (Tông?) dời đô về thành Đại La. Khi vua mới dừng thuyền rồng ở chân thành thấy rồng vàng hiện ra trước thuyền vua. Nhân đó, đổi tên thành Đại La thành thành Thăng Long. Nay là địa phận hai huyện Quảng Đức và Thọ Xương, thuộc phủ Phụng Thiên (ghi trong chính sử).
Vua nhiều lần dùng kế lấp sông nhưng hễ cứ lấp thì bị nước phá, vua mới than rằng: “Nay sức người đã chịu, biết làm thế nào?”. Vua mới sai lập đàn, chay giới cầu đảo bách thần, mong sao chặn được sông này. Rồi sai trung sứ đến ngã ba sông để thắp hương cầu mộng, trung sứ khấn rằng: “Hỡi thần thổ địa hà bá tiên quan nơi đây, nay mặt trời tỏa rạng, lại bị đám mây che, kinh đô của nước rồng nghìn dặm, mới chọn được đất lành, lập kinh đô ở thành Thăng Long nhưng bị dòng nước phía Tây Bắc đâm ngang, sức người không ngăn nổi. Nguyện mượn sức thần giúp đỡ, mau khiến phù sa chặn dòng nước chảy, khiến vua khỏi bệnh tật, kinh đô cũng được vững vàng. Thần sống thiêng thì xin ngầm giúp”. Sau đó sứ giả thấy tinh thần linh cảm, tâm niệm khác thường.
Đêm hôm ấy trung sứ quả nhiên mộng thấy thần có hình dạng khác thường, xe và trang phục rất lạ, từ trời giáng xuống đứng trước sứ giả, sứ giả cung kính hỏi: “Có cách nào để chặn sông?”. Vị thần mới bảo rằng: “Nhà ngươi trở về tâu với vua muốn chặn sông này thì đến sáng sớm ngày hôm đó hễ thấy ai có mặt trước tiên ở bến sông thì phải chiều theo yêu cầu của họ, sau đó ném người đó xuống sông và phong cho họ làm thần, lập đền thờ cúng. Được như vậy thì chặn được sông này". Nói xong, vị thần biến mất. Sứ giả kinh sợ tỉnh giấc, nhớ đinh ninh trong lòng, gấp chóng trở về tâu rõ cho vua về giấc mộng. Vua thấy làm lạ muốn rõ thực hư thế nào. Đến đúng ngày thần dặn lại sai sứ đến đó chờ, khi ấy sương sớm còn chưa tan, trời đất còn rất tối, quả nhiên thấy vợ chồng ông Vũ Phục đang thong thả đi tới, nhân đó mới chặn đường không cho đi tiếp. Vũ Phục ngạc nhiên hỏi: “Lão già này sáng đi tối về chỉ biết buôn bán kiếm sống, nay quân vô cớ ngăn đường là điểu phúc hay họa đây?". Sứ giả vội nói: “Không có gì đâu”. Rồi quay ngựa trở về tâu vua rằng: “Thần đã phụ mệnh đến xem chỉ thấy hai ông bà già là người gánh dầu đến đầu tiên ở bến sông. Thần giữ họ lại, cúi xin bệ hạ cho biết phải xử trí thế nào?".
Vua suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Cứ làm theo lời thần dặn trong mộng nhưng phải cho họ biết lý do". Sứ giả quay về bến sông an ủi vợ chồng Vũ Phục, nói: “Người ta từ xưa đến nay ai mà không chết nhưng chết để lại tiếng thơm cho hậu thế mới là đủ. Xưa Vũ Vương có bệnh, Chu Công lập đàn xin được chết thay, lòng trung thành của Chu Công mãi mãi tỏa rạng như mặt trời chiếu sáng, người đời sau ca tụng, đến nay còn chưa dứt, ông chớ luyến tiếc cuộc sống nghèo khó trước đây mà nên gắng hy sinh. Sau khi chết làm Phúc thần ngầm giúp vua, phù trợ phúc nước, khiến lòng trung nghĩa mãi trường tồn, lưu danh trong sử sách, uy danh hiển hách một phương, giữ gìn vững vàng cùng trời đất bất diệt, há chẳng phải là tốt sao?".
Vũ Phục thản nhiên nói rằng: "Người ta không ai không chết, nhưng chết có tên tuổi mới là việc khó. Huống hồ sinh ra ở đời không thể cứ đeo đầy vàng nhẫn, giẫm lên ngọc, nay gặp cơ hội để tiếng thơm muôn đời thì cớ gì mà phải gục đầu sống nơi trần tục, khư khư muốn sống như ông Bành Tổ làm gì, xin được về nhà cùng em trai thu xếp việc gia đình rồi sau đó mới tuân lệnh".
Sứ giả nói rằng: “Không thể được, tôi tuân mệnh vua phải làm theo đúng lời dạy của thần trong giấc mộng. Tuổi thọ của ông hôm nay đã hết". Rồi nhân đó hỏi ông thích gì? Vũ Phục trả lời: “Mùa xuân mát mẻ xem ca hát ăn chay cùng gà mái ghẹ và cơm nếp là tôi thích nhất". Sứ giả liền thịt gà, đồ xôi nếp theo sở thích để ông bà ăn, ăn xong ngẩng mặt lên trời mà khấn rằng: "Vợ chồng tôi quyên thân vì đất nước mà lấy cái chết giúp vua. Trời có biết thì xin chứng giám". Nói xong, ông bà liền gieo mình xuống sông tự vẫn. Khi đó là vào một ngày tối trời tháng 11.
Em trai của Vũ Phục ở nhà nghe được tin rất đỗi kinh hoàng thương xót, liền tức tốc chạy ra nhưng bước đi không nổi, khi đến xứ Ao Cá thấy anh và chị dâu đã hóa, từ xa đứng trông thấy nơi anh và chị qua đời, quan quân lại vây kín canh giữ nghiêm ngặt không cho người nào tới gần thì người em uất ức cao độ, liền đâm đầu vào cây nhân cổ thụ mà chết. Hôm ấy là ngày mồng 6 tháng Chạp. Nay có sắc phong mỹ tự Chiêu Điều Vương là phong cho em của ông vậy.
Từ đó ngăn được dòng sông và bệnh của vua cũng theo đó mà khỏi. Nhân vì thế vua cho lập miếu thờ tại chỗ ông hóa, ban sắc phong là Phúc thẩn, phong chức tước cho con cháu. Người thân thuộc của ông đều dời đến cư trú tại phường Tích Ma (nay là phường Yên Thái) để giữ lăng tẩm. Đến nay con cháu họ Vũ trong phường đều là dòng dõi của ông Vũ Phục. Đền thờ của ông tại huyện Quảng Đức, giáp với góc của thành Thăng Long (Năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên Phù Thánh Thọ (1127), mới dựng miếu tưởng nhớ việc thờ cúng, ngang với niên hiệu Tĩnh Khang năm thứ 2 đời Tống Khâm Tông nhà Tống). Dân tạo lệ hai phường Yên Thái và Bái Ân thờ cúng, đến nay trải hơn 600 năm nhưng hương khói không lúc nào dừng; linh ứng tỏ rõ, công thần thật rộng, đức thần thật sâu, mãi mãi kì diệu cao siêu. Lễ vật đầy đủ, nghi thức thịnh dày, quốc tế dài lâu. Nay ở ngõ Hương Du, xã Minh Cảo vẫn còn nền cũ.
Lại nói, em gái của thần (tức ông Vũ Phục) đến tuổi trưởng thành thì dung mạo rất đẹp nhưng không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Khi đến lộ Hải Dương thì mất (tức ngày 15 tháng Bảy), hiển thánh ở xã Phú Đăng, huyện Đường Hào. Xã này thờ bà làm bản thổ Phúc thần, tức nay là đệ tam nương. Vua phong mỹ tự cho bà là Quảng Tiên dung Ngọc nữ, sắc Không kim Quan quản Bộ chúng, ban tên hiệu là Vũ Thị Quế Hoa, vinh phong là Hương minh Diệu đức công chúa (xét thấy họ Vũ là một nhà có hai người là Đại Vương, hai người là công chúa. Mãi mãi được truyền tụng, bốn mùa hương khói, từ xưa đến nay chưa từng ai được như vậy).
~
Credit: Sách “Làng Bái Ân – Đình, Quán Cây, Ao Cá” ISBN: 978-604-67-2519-0

Ảnh 3:
Kiến trúc đình làng Việt
Bố cục và các thành phần kiến trúc:
Đình được bố cục đối xứng qua trục chính chạy dài. Thường gồm thành phần: Hồ nước, Nghi môn, Nhà Tiền tế, Đại Đình – hậu cung, 2 bên có thêm nhà hành lang hữu, tả vu đối xứng 2 bên. Ngoài ra phía trước Đình làng thường có nhiều cây xanh, sân rộng để có thể tập hợp đông người những ngày lễ hội.
Đại đình:
Là nơi hành lễ sinh hoạt công cộng, hành chính nên cần không gian và diện tích lớn, trang trọng, bề thế. Các Đại đình thường có 5,7 gian có mái hoặc không mái. Mái Đại đình có 2 dạng: Dạng có 4 mái và dạng có 2 mái, tường xây bịt 2 trái (loại này niên đại muộn hơn). Những Đình có niên đại sớm thường không có tường hay vách gỗ bao quanh. Đại đình ban đầu có dạng chữ Nhất, về sau hậu cung phát triển lùi phía sau tạo thành hình chữ Đinh, Công. Có những ngôi đình có sàn gỗ, thường cách mặt đất khoảng 50-60 cm. Gian chính giữa thường không có sàn còn gọi là gian lòng thuyền. Gian này được coi là lối của Thánh hay Thành hoàng làng được thờ trong đình và nó cũng là nơi để thực hiện các nghi lễ thờ cúng. Sàn ở các gian đối xứng 2 bên, sàn có các mức cốt, cốt thấp nhất là dành cho các bô lão và chức sắc trong làng. Họ sẽ ngồi đối diện qua gian lòng thuyền.
Hậu cung:
Là nơi thờ Thành hoàng làng, giữ các vật thiêng, không gian nhỏ nhưng kín đáo, trang nghiêm thường được đóng không cho mọi người vào. Ban đầu thường nằm gian chính giữa, phía sau từ cột Cái và cột quân của Đình. Sau này phát triển thành dạng chuôi vồ, lùi ra sau Đại đình tạo thành chữ Đinh hoặc nối với Đại đình bằng một nhà cầu gọi là ống muống tạo thành hình chữ Công.
Tiền tế (phương đình):
Thường có kích thước và quy mô nhỏ hơn Đại đình, mặt bằng hình vuông và không có cửa vách bao quanh, có 2 tầng mái. Phải đến cuối thế kỷ 17 mới xuất hiện nhà Tiền tế và xuất hiện nhiều vào thế kỷ 19. Cùng với sân đình, các hành lang Tả vu, Hữu vu, … nhà Tiền tế là bộ phận nối tiếp giữa kiến trúc Đình và ngoại cảnh tổng quan, khoáng đạt rộng mở để dễ dàng tập hợp quần chúng đông đảo tiến hành rước lễ hoặc vui chơi giải trí.
~
Credit: Tạp chí Kiến trúc
---

Ảnh 4:
Tổng quan kiến trúc Đình làng Bái Ân
~
Bố cục Đình làng Bái Ân (nhìn từ sơ đồ hoành phi, câu đối, cuốn thư)
Xem ảnh 04 từ dưới lên:
- Cổng chính (nghi môn)
- Khoảng trống là sân đình
- Nhà ký hiệu “Tám Mái” là nhà Tiền tế (Phương đình): nhà mặt bằng hình vuông và không có cửa vách bao quanh, có 2 tầng mái.
- Đại đình gồm nhà Đại bái: khu cúng tế
- Khu Chồng Diêm (là kiểu mái gồm 2 tầng mái chồng lên nhau)
- Kiệu: khu đặt 3 kiệu để rước 3 thánh (Ông Bà Dầu và Thánh Chú)
- Hữu Mạc, Tả Mạc: Đây là hai nơi các quan viên trong làng chuẩn bị áo mũ, lễ vật, trước khi vào dự lễ tại đại bái.
- Cung (hậu cung): Là nơi thờ 3 thánh.
~
Credit: Sách “Làng Bái Ân – Đình, Quán Cây, Ao Cá” ISBN: 978-604-67-2519-0
---

Ảnh 5:
Y phục của Ban tế
Trang phục nam: mũ kiểu phốc đầu, áo tay thụng, quần kiểu ống sớ, chân đi hia.
- Mũ cánh chuồn: Phần mũ trên đầu có thiết kế giống mũ quan triều Nguyễn, thể hiện sự trang nghiêm, uy nghi.
- Áo dài nam kiểu cung đình: có họa tiết hình tròn (thường là họa tiết đồng tiền hoặc hoa văn cổ) mang tính chất quyền quý, trang trọng. Đây là kiểu áo dài nam được mặc trong các nghi lễ quan trọng hoặc các sự kiện đặc biệt.
- Phong cách nghi lễ: Bộ trang phục mang nét truyền thống, thường dành cho vai trò quan trọng trong lễ hội, thờ cúng hoặc tái hiện lịch sử.
Trang phục nữ:
- Áo tứ thân: Áo có bốn tà, với phần phía sau và hai tà trước thường được buộc lại, đặc trưng của phong cách Bắc Bộ.
- Màu sắc sặc sỡ: Áo đỏ phối xanh với váy màu vàng thể hiện sự rực rỡ, tươi vui, thường thấy trong các lễ hội hoặc biểu diễn nghệ thuật.
- Tóc vấn hoa: Phần tóc được vấn gọn gàng và gắn hoa trắng, gợi lên hình ảnh duyên dáng, nền nã của người phụ nữ trong các điệu múa ngày lễ hội.
---
Video 6: https://youtu.be/C1NKFXmNSz4
Một đoạn video về Lễ Thánh Chú (Chiêu Điều Hồng Ân Đại vương Thượng đẳng thần) làng Bái Ân ngày 6 tháng 12 năm Giáp Thìn (2025.01.05).
~
Quy trình Lễ tế Thành hoàng làng
~
Trước khi tế phải chuẩn bị đồ Tế, Hương án. Thắp hương xong, một người đánh lên 3 hồi trống cái, trống trước, chiêng sau. Thường thì người Đông xướng xướng hoặc người Đông xướng, người Tây xướng thay nhau xướng (nếu chỉ một người thì người đó xướng từ đầu đến cuối – người này là người dẫn tế). Mỗi lần dẫn tế đọc thì phường Bát âm nổi nhạc phụ họa theo (Lên âm hoặc Xuống nhạc).
-
Lễ Tế thần gồm 36 bước như sau:
1. Khởi chinh cổ (Nổi trống chiêng)
2. Nhạc sinh tựu vị (Ban nhạc vào vị trí)
3. Củ soát tế vật (Kiểm tra lễ vật cúng)
4. Chấp sự giả các tư kỳ sự (Những người phụ trách cúng vào vị trí của mình)
5. Tế chủ dữ chấp sự giả các nghệ quán tẩy sở (Chủ tế và mọi người phụ trách cúng vào chỗ rửa tay)
6. Quán tẩy (Rửa tay)
7. Thuế cân (Lau tay)
8. Bồi tế viên tựu vị (Bồi tế vào vị trí)
9. Chủ tế viên tại vị (Chủ tế vào vị trí)
10. Thượng hương (Dâng hương)
11. Nghinh thần cúc cung bái (Chủ tế và bồi tế lạy sụp cả xuống)
12. Hưng (Chủ tế và bồi tế đứng dậy)
13. Bái (Lạy)
14. Hưng (Đứng dậy)
15. Bình thân (Đứng ngay thẳng)
16. Hành sơ hiến lễ (Lễ dâng rượu lần đầu)
17. Nghệ tửu tôn sở, tư tôn giá cử mịch (Chủ tế đi ra chỗ án để rượu, người chấp sự mở cái miếng phủ trên mâm đài ra)
18. Chước tửu (Rót rượu)
19. Nghệ đại vương thần vị tiền (Hai người nội tán dẫn chủ tế lên chiếu nhất)
20. Quỵ (Tế chủ và bồi tế quỳ cả xuống)
21. Tiến tửu (một người chấp sự dâng đài rượu đưa cho tế chủ vái một vái rồi giao trả người chấp sự)
22. Hiến tửu (các người chấp sự dâng rượu đi hai bên, hai tay nâng cao đài rượu đi vào nội điện. Xong trở ra)
23. Hưng, bình thân, phục vị
24. Độc chúc (hai người chấp sự vào bàn trong kính cẩn bưng văn tế ra)
25. Nghệ độc chúc vị (người nội tán dẫn chủ tế lên chiếu trên)
26. Giai quỵ (tế chủ, bồi tế, hai người bưng chúc đọc chúc đều quỳ cả xuống)
27. Chuyển chúc (người bưng chúc đưa cho chủ tế, chủ tế cầm lấy, vái một vái rồi đưa cho người đọc chúc)
28. Độc chúc (người đọc chúc lần này đọc bản văn tế. Đọc xong văn tế, chủ tế lạy hai lạy rồi ra phía ngoài. Sau đó lại xướng lễ trở lại để dâng hai tuần rượu nữa. Tuần thứ hai là Á hiến lễ và tuần thứ ba gọi là Chung hiến lễ)
29. Ẩm phúc (hai người vào nội điện bưng ra một chén rượu và một khay trầu)
30. Nghệ ẩm phúc vị (người chủ tế đi ra bước lên chiếu thứ nhì)
31. Quỵ (tế chủ quỳ xuống, hai người đưa chén rượu, khay trầu cho chủ tế)
32. Ẩm phúc (chủ tế bưng lấy chén rượu vái, lấy tay áo che mồm uống một hơi hết ngay)
33. Thụ tộ (chủ tế cầm khay trầu vái rồi ăn một miếng)
34. Tạ lễ cúc cung bái (chủ tế và bồi tế cùng lạy tạ bốn lạy)
35. Phần chúc (người đọc chúc đem văn tế đốt đi)
36. Lễ tất (tế đã xong)
-
Sau lễ tế, dân làng, khách thập phương dự lễ vào trong đền dâng hương, dâng lễ, cúng Thần – Thành hoàng.
~
Credit:
1. NGHI THỨC TẾ THẦN – TẾ THÀNH HOÀNG LÀNG (Chùa Liên Hoa – Phúc Tú)
2. Sơ lược nghi thức tế lễ (Gia phả Việt [quehuongtoi.vn])
---
Tế văn, chúc văn

Ảnh 07:
Tế văn ngày 30 tháng 11 âm lịch (Lễ Ông Bà Dầu)
Dịch nghĩa:
Duy
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Tuế thứ ...[⁶⁹], tháng 11, ngày ...[⁷⁰]
Thành phố Hà Nội, quận Cầu Giấy, phường Nghĩa Đô, thôn Bái Ân, trên dưới các tầng lớp nhân dân.
Cảm kỳ cáo vu, vị tiền viết nghênh Thần kị nhật chỉ nghi[⁷¹]
Cẩn dĩ[⁷²] Thái lao[⁷³] tư thình[⁷⁴], phù lang[⁷⁵] thanh chước[⁷⁶], hương hoa kim ngân[⁷⁷] phẩm quả lễ vật chỉ nghi[⁷⁸]
Cung thỉnh Thành Hoàng bản thổ Đại Vương danh húy:
Đương cảnh Thành Hoàng danh húy Vũ Phục tự Phúc Thiện, sắc phong Chiêu ứng Phù Vận Đại Vương Thượng đẳng thần
Đương cảnh Thành Hoàng Phu nhân danh húy Đỗ Thị Phương Anh, sắc phong Thuận Chính Phương Dung Công chúa Thượng đẳng thần
Đương cảnh Thành Hoàng Đệ nhị thúc danh húy Vũ Chú, sắc phong Chiêu Điều Hồng Ân Đại Vương Thượng đẳng thần
Cung duy
Nhật nguyệt hợp minh - Thiên địa đồng đức - Tích vĩnh thùy bút[⁷⁹] - Ký quỹ tàng công[⁸⁰]
Mậu trứ đồn hanh[⁸¹] - Hoán cực trung lưu[⁸²] - Ngật chỉ trụ tích[⁸³] - Phương nhật hối thời[⁸⁴]
Đông thượng thiên phúc[⁸⁵] - Tư dân điệp hà[⁸⁶] - Hồng ân bảo sắc - Truy tư diệu hóa[⁸⁷]
Nhật thời thê áo - Phi nghi huyết thực - Khắc thành nguyện cách[⁸⁸]
Lai hâm giáng phúc - Tỉ mông võng cực[⁸⁹]
Thượng hưởng[⁹⁰]
---
Chú thích:
[⁶⁹] Điền năm Can chi theo thứ tự hằng năm.
[⁷⁰] Thông thường là ngày 30, các năm tháng thiếu lấy ngày 29
[⁷¹] Dám xin được kính cáo (thần) nơi linh thiêng nghênh đón thần ngày giỗ
[⁷²] Cẩn dĩ: kính cẩn dâng lên
[⁷³] Lao: con vật dùng để giết trong tế lễ. Thái lao: gồm bò, cừu và heo để tế lễ
[⁷⁴] Tư thình: món xôi, mâm xôi
[⁷⁵] Phù lưu: cây trầu, lá trầu. Lang: quả cau, cây cau.
[⁷⁶] Chước: rượu; thanh chước: rượu trắng, rượu ngon.
[⁷⁷] Kim ngân: tiền vàng (mã)
[⁷⁸] Lễ vật chi nghi: các lễ vật khác
[⁷⁹] Tích vĩnh thùy bút: Sự tích được ghi chép lại để lưu truyền mãi mãi
[⁸⁰] Ký quỹ tàng công: để vào hòm (công đức) để lưu công
[⁸¹] Mậu trứ đồn hanh: những điều tốt đẹp đến dồn dập
[⁸²] Hoán cực trung lưu: giữa dòng sóng gió cực lớn (“Hoán” là tên một quẻ trong Kinh dịch, tượng trưng cho gió thổi trên nước, sóng lớn tung tóe, tức là nguy hiểm, li tán, đổ vỡ.)
[⁸³] Ngật chỉ trụ tích: Sự tích (truyện) cột lớn duy nhất
[⁸⁴] Phương nhật hối thời: Vào một ngày đẹp trời đem ra thì thầm dạy bảo
[⁸⁵] Đông thượng thiên phúc: đầu đông có phúc trời
[⁸⁶] Tư dân điệp hà: dân chúng được ơn dầy
[⁸⁷] Truy tư diệu hóa: theo điều suy nghĩ mà thần diệu hóa thành (hiện thực)
[⁸⁸] Phi nghi huyết thực - Khắc thành nguyện cách: Lễ mọn tiết (máu) và đồ ăn - Mong được những điều cầu xin.
[⁸⁹] Lai hâm giáng phúc - Tỉ mông võng cực: Xin mời (các vị) đến xơi và ban phúc - chúng con đội ơn vô cùng (võng cực - tột đỉnh)
[⁹⁰] Kính (các vị thần) nhận lễ, chứng giám.
~
Credit: Sách “Làng Bái Ân – Đình, Quán Cây, Ao Cá” ISBN: 978-604-67-2519-0
---

Ảnh 08:
Tế văn ngày 6 tháng 12 âm lịch (Lễ Thánh Chú)
Dịch nghĩa:
Duy
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuế thứ ...[⁹²], niên, ngày 6 tháng 12
Thành phố Hà Nội, quận Cầu Giấy, phường Nghĩa Đô, thôn Bái Ân, trên dưới các tầng lớp nhân dân.
Cảm kỳ cáo vu[⁹³] vị tiền viết[⁹⁴] nghênh thần tất cáo lễ dã từ dã quý đông kị nhật đệ nhị thúc[⁹⁵].
Cẩn dĩ[⁹⁶] khiết sinh tư thình, phù lang thanh chước, hương hoa kim ngân phẩm quả[⁹⁷], lễ vật chỉ nghi[⁹⁸]
Cung thỉnh
Thành Hoàng bản thổ Đại Vương danh húy: Đương cảnh Thành Hoàng Đệ nhị thúc danh húy Vũ chú sắc phong Chiêu Điều Hồng Ân Đại Vương Thượng đẳng thần.
Cung thỉnh huynh tẩu Thành Hoàng Đại Vương danh húy:
Đương cảnh Thành Hoàng danh húy Vũ Phục tự Phúc Thiện, sắc phong Chiêu ứng Phù Vận Đại Vương Thượng đẳng thần.
Đương cảnh Thành Hoàng Phu nhân danh húy Đỗ Thị Phương Anh, sắc phong Thuận Chính Phương Dung Công chúa Thượng đẳng thần.
Cung duy
Hà hải tú chung - Khung hòa đức hiệp[⁹⁹] - Giang nghi thành địa sở tha kỳ[¹⁰⁰]
Đức mậu an dân công tịnh hiệp[¹⁰¹] - Sử bút trường lưu - Ký tích hàn luật[¹⁰²]
Đồng chí tiết dĩ chung linh[¹⁰³] - Tàng công lịch thúc cáo thành[¹⁰⁴]
Kỵ nhật cử thịnh nghi nhi[¹⁰⁵] - Yên lạp đãi hựu tại đình[¹⁰⁶]
Thượng kỳ giám cường lâm hựu[¹⁰⁷] - Ninh nhi sinh tỷ dĩ thiếp
Thượng hưởng
---
Chú thích:
[⁹²] Điền năm Can chi theo thứ tự hằng năm.
[⁹³] Cảm kỳ cáo vu: Xin phép các vị thần (Thành Hoàng) được báo cáo.
[⁹⁴] Vị tiền viết: trước các vị thần xin thưa/nói.
[⁹⁵] Nghênh thần tất cáo lễ dã từ dã quý đông kị nhật đệ nhị thúc: tiếp đón thần đương nhiên phải báo cáo lễ giỗ đệ nhị thúc (Thánh Chú) vào cuối mùa đông (tháng Chạp).
[⁹⁶] Cẩn dĩ: kính cẩn dâng lên.
[⁹⁷] Khiết sinh: thủ lợn; Tư thình: xôi; Phù lang: trầu cau; Thanh chước: rượu ngon; Kim ngân: tiền vàng (mã); Phẩm quả: các loại quả và lễ vật khác.
[⁹⁸] Lễ vật chỉ nghi: các đồ lễ dâng lên theo truyền thống.
[⁹⁹] Hà hải tú chung - Khung hòa đức hiệp: Sông biển như rượu ngon - Bầu trời chan hòa, đức tốt hòa hợp.
[¹⁰⁰] Giang nghi thành địa sở tha kỳ: Sông lớn ngỡ như đất đai để xây dựng cơ nghiệp.
[¹⁰¹] Đức mậu an dân công tịnh hiệp: Đức thịnh yên dân công cao hợp góp.
[¹⁰²] Sử bút trường lưu - Ký tích hàn luật: Sử sách lưu truyền mãi - Ghi lại sự tích bằng thơ hàn luật.
[¹⁰³] Đồng chí tiết dĩ chung linh: Ngày lễ ta cùng nhau nâng chén rượu.
[¹⁰⁴] Tàng công lịch thúc cáo thành: Việc ghi công người em (Thánh Chú) đã xong.
[¹⁰⁵] Kỵ nhật cử thịnh nghi nhi: Ngày giỗ đã cử hành đúng nghi lễ.
[¹⁰⁶] Yên lạp đãi hựu tại đình: Ngày Tế Chạp (lễ Tất niên) sẽ lại tổ chức ở đình.
[¹⁰⁷] Thượng kỳ giám cường lâm hựu: Kéo cờ lên để báo cho mọi người đến đông.
~
Credit: Sách “Làng Bái Ân – Đình, Quán Cây, Ao Cá” ISBN: 978-604-67-2519-0
---