-

-
Bia ký lịch sử chùa Dụ Ân (làng Bái Ân)
~
Sau khi ra Thăng Long, chỉ 1 năm sau (1011) vua Lý Thái Tổ đã ra kinh lý vùng Bưởi. Theo truyền thuyết đã được chép vào sử sách thì đầu xuân (1011) nhà vua ngự thuyền trên sông Tô Lịch ra chơi ngoại thành. Đến bến Giang Tân, nhà vua thấy có mấy vuông lĩnh giăng lên vẽ một con rồng uốn khúc bay. Vua liền dừng thuyền lên bờ hỏi một cụ già thì được biết ở đây có nghề dệt lĩnh, lụa và vẽ rồng tượng trưng cho sự kiện rồng bay lên (thăng long) để đón nhà vua. Vua hỏi về từng làng ở ven sông Thiên Phù và sông Tô Lịch rồi cho đổi tên các xóm bến, xóm nghè, xóm dậu là xã Nghĩa Đô vì là dân có nghĩa (với vua) và cho đổi tên xóm bãi là Bái Ân (nghĩa là ân thấm khắp cả) (1).
Các di tích thời Lý (thế kỷ XI) còn lại có chùa Dụ Ân ở thôn Bái Ân xưa. Đây là nơi tu hành và dạy học của vị tôn thất nhà Lý là Lý Công Ẩn. Tiêu biểu nhất trong số học trò của cụ có anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt có nhà ở phường Thái Hòa (2) hàng ngày đến phường Bái Ân học.
Dụ Ân là ngôi chùa cổ xưa ở phía tây bắc xa làng, sau chuyển về gần làng cho tiện sự đi lại của phật tử (3). Hiện trạng của chùa có tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian theo kiểu chữ Đinh, kiến trúc thời Lê. Chùa còn nhiều di vật quý: 22 pho tượng, tấm bia đá cổ dựng năm Lê Vĩnh Hựu thứ IV (1738) ghi việc công đức tu sửa chùa, quả chuông đồng lớn đúc năm Gia Long thứ 17 (1818). Bia đá và chuông còn lại ở chùa giúp cho việc nghiên cứu về phường Bái Ân xưa thuộc huyện Quảng Đức (sau đổi là Vĩnh Thuận), phủ Phụng Thiên (sau đổi là Hoài Đức), kinh thành Thăng Long. Đáng chú ý ở nhà Mẫu có bức hoành phi ghi bốn chữ Hán “MẪU NGHI THIÊN HẠ”. Đây phải chăng là cô gái họ Thái lấy vua có hậu vào chùa và được thờ?
-
(*) Lịch sử chùa Bái Ân trích trong lịch sử phường Nghĩa Đô do Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội cấp ngày 20/01/2001 (in xong và nộp lưu chiểu tháng 1/2001).
(*) Chú thích:
(1) Trích theo sách “Hùng khí Thăng Long” của Chu Thiên, Sở VHTT HN năm 1960
(2) Nay là chỗ Nhà máy bia Hà Nội
(3) Nay còn nền thuộc địa phận làng XUÂN TẢO SỞ
-
Nguồn: Bia ký do gia đình phật tử Vũ Duy Chúc – làng Yên Thái, Bưởi, Tây Hồ – cung tiến tại chùa Dụ Ân (làng Bái Ân)
---
-
THẦN TÍCH XÃ BÁI ÂN,
TỔNG XUÂN TẢO, HUYỆN TỪ LIÊM, TỈNH HÀ ĐÔNG
Phụng sao sự tích hiển thánh vào tiết thu năm Thành Thái thứ 6 (1894) triều Nguyễn. Đền phúc thần uy linh thờ phụng ở An Thái, Bái Ân, Nghĩa Đô, Tiên Thượng [Đoạn này có trong các văn bản thần tích lưu tại Đình Bái Ân].
Sự tích hiển thánh: Đời truyền rằng, vào cuối đời vua Lý Nhân Tông (ngang với đời vua Tống Khâm Tông nhà Tống Trung Quốc) có ông Vũ Phục, tên tự Phúc Thiện, vốn người đất Phong Châu (nay huyện Bạch Hạc) cư trú xã Minh Tảo, huyện Từ Liêm. Nhân đó lấy người con gái họ Đỗ ở ngõ Bảo Tháp của làng. Vợ chồng lấy việc bán dầu làm nghiệp sống.
Bấy giờ, vua bỗng nhiên bị đau mất, chữa mãi thuốc nhưng không khỏi. Nghe thấy chùa trên núi Vân Mộng huyện Kim Bảng có Quỷ Cốc tiên sinh tinh thông kinh dịch. Vua liền đến xem bói (tức huyện Kim Bảng ở xứ Sơn Nam). Quỷ Cốc tiên sinh nói rằng: “Quẻ này có ẩn khí tượng đế vương. Bệ hạ xây phủ định đô nhưng bị dòng nước từ phía Tây Bắc chảy xiên vào kinh đô nên vua bị tổn thương, nếu trấn áp được thì vua khỏi bệnh và hết lo lắng”.
Bấy giờ, Thiên Phù và Tô Lịch là hai dòng sông hợp lưu (sông Thiên Phù phát nguyên từ dòng sông Lô chảy qua huyện Quảng Đức và Từ Liêm, đổ vào sông Tô Lịch. Sự tích về sông Tô Lịch chép trong sách Lĩnh Nam chích quái) phạm vào góc thành Thăng Long, tên cổ là thành Long Biên, cũng có tên là thành Đông Quan, hay còn gọi là thành Đông Đô (dẫn sách Hoàng Minh chức phương địa đô).
Thành Thăng Long do Đào Hoàng đời Tấn đắp, còn gọi là thành Đại La. Đến đời Đường, Trương Bá Nghi lại bồi đắp. Đến đời Đường Hiến Tông có Trương Đan tiếp tục đắp thêm. Đến đời Đường Mục Tông thì Nguyên Gia mới dời phủ trị đến sông Tô Lịch, đắp một thành nhỏ. Có ông thầy địa lý bảo rằng: “Sức lực của ngài chưa đủ để đắp thành lớn, đợi 50 năm sau sẽ có người họ Cao đến đây định đô kiến phủ”. Đến đời Đường Ý Tông, khoảng niên hiệu Hoàng Thông thì Cao Biền đắp La Thành, quả đúng như lời thầy địa lý. Lại xét trước đó phủ thành phía ngoài thành Đông Quan ngày nay gọi là La Thành, trải đến triều Lý Thái Tổ (Tông?) dời đô về thành Đại La. Khi vua mới dừng thuyền rồng ở chân thành thấy rồng vàng hiện ra trước thuyền vua. Nhân đó, đổi tên thành Đại La thành thành Thăng Long. Nay là địa phận hai huyện Quảng Đức và Thọ Xương, thuộc phủ Phụng Thiên (ghi trong chính sử).
Vua nhiều lần dùng kế lấp sông nhưng hễ cứ lấp thì bị nước phá, vua mới than rằng: “Nay sức người đã chịu, biết làm thế nào?”. Vua mới sai lập đàn, chay giới cầu đảo bách thần, mong sao chặn được sông này. Rồi sai trung sứ đến ngã ba sông để thắp hương cầu mộng, trung sứ khấn rằng: “Hỡi thần thổ địa hà bá tiên quan nơi đây, nay mặt trời tỏa rạng, lại bị đám mây che, kinh đô của nước rồng nghìn dặm, mới chọn được đất lành, lập kinh đô ở thành Thăng Long nhưng bị dòng nước phía Tây Bắc đâm ngang, sức người không ngăn nổi. Nguyện mượn sức thần giúp đỡ, mau khiến phù sa chặn dòng nước chảy, khiến vua khỏi bệnh tật, kinh đô cũng được vững vàng. Thần sống thiêng thì xin ngầm giúp”. Sau đó sứ giả thấy tinh thần linh cảm, tâm niệm khác thường.
Đêm hôm ấy trung sứ quả nhiên mộng thấy thần có hình dạng khác thường, xe và trang phục rất lạ, từ trời giáng xuống đứng trước sứ giả, sứ giả cung kính hỏi: “Có cách nào để chặn sông?”. Vị thần mới bảo rằng: “Nhà ngươi trở về tâu với vua muốn chặn sông này thì đến sáng sớm ngày hôm đó hễ thấy ai có mặt trước tiên ở bến sông thì phải chiều theo yêu cầu của họ, sau đó ném người đó xuống sông và phong cho họ làm thần, lập đền thờ cúng. Được như vậy thì chặn được sông này". Nói xong, vị thần biến mất. Sứ giả kinh sợ tỉnh giấc, nhớ đinh ninh trong lòng, gấp chóng trở về tâu rõ cho vua về giấc mộng. Vua thấy làm lạ muốn rõ thực hư thế nào. Đến đúng ngày thần dặn lại sai sứ đến đó chờ, khi ấy sương sớm còn chưa tan, trời đất còn rất tối, quả nhiên thấy vợ chồng ông Vũ Phục đang thong thả đi tới, nhân đó mới chặn đường không cho đi tiếp. Vũ Phục ngạc nhiên hỏi: “Lão già này sáng đi tối về chỉ biết buôn bán kiếm sống, nay quân vô cớ ngăn đường là điểu phúc hay họa đây?". Sứ giả vội nói: “Không có gì đâu”. Rồi quay ngựa trở về tâu vua rằng: “Thần đã phụ mệnh đến xem chỉ thấy hai ông bà già là người gánh dầu đến đầu tiên ở bến sông. Thần giữ họ lại, cúi xin bệ hạ cho biết phải xử trí thế nào?".
Vua suy nghĩ hồi lâu rồi nói: “Cứ làm theo lời thần dặn trong mộng nhưng phải cho họ biết lý do". Sứ giả quay về bến sông an ủi vợ chồng Vũ Phục, nói: “Người ta từ xưa đến nay ai mà không chết nhưng chết để lại tiếng thơm cho hậu thế mới là đủ. Xưa Vũ Vương có bệnh, Chu Công lập đàn xin được chết thay, lòng trung thành của Chu Công mãi mãi tỏa rạng như mặt trời chiếu sáng, người đời sau ca tụng, đến nay còn chưa dứt, ông chớ luyến tiếc cuộc sống nghèo khó trước đây mà nên gắng hy sinh. Sau khi chết làm Phúc thần ngầm giúp vua, phù trợ phúc nước, khiến lòng trung nghĩa mãi trường tồn, lưu danh trong sử sách, uy danh hiển hách một phương, giữ gìn vững vàng cùng trời đất bất diệt, há chẳng phải là tốt sao?".
Vũ Phục thản nhiên nói rằng: "Người ta không ai không chết, nhưng chết có tên tuổi mới là việc khó. Huống hồ sinh ra ở đời không thể cứ đeo đầy vàng nhẫn, giẫm lên ngọc, nay gặp cơ hội để tiếng thơm muôn đời thì cớ gì mà phải gục đầu sống nơi trần tục, khư khư muốn sống như ông Bành Tổ làm gì, xin được về nhà cùng em trai thu xếp việc gia đình rồi sau đó mới tuân lệnh".
Sứ giả nói rằng: “Không thể được, tôi tuân mệnh vua phải làm theo đúng lời dạy của thần trong giấc mộng. Tuổi thọ của ông hôm nay đã hết". Rồi nhân đó hỏi ông thích gì? Vũ Phục trả lời: “Mùa xuân mát mẻ xem ca hát ăn chay cùng gà mái ghẹ và cơm nếp là tôi thích nhất". Sứ giả liền thịt gà, đồ xôi nếp theo sở thích để ông bà ăn, ăn xong ngẩng mặt lên trời mà khấn rằng: "Vợ chồng tôi quyên thân vì đất nước mà lấy cái chết giúp vua. Trời có biết thì xin chứng giám". Nói xong, ông bà liền gieo mình xuống sông tự vẫn. Khi đó là vào một ngày tối trời tháng 11.
Em trai của Vũ Phục ở nhà nghe được tin rất đỗi kinh hoàng thương xót, liền tức tốc chạy ra nhưng bước đi không nổi, khi đến xứ Ao Cá thấy anh và chị dâu đã hóa, từ xa đứng trông thấy nơi anh và chị qua đời, quan quân lại vây kín canh giữ nghiêm ngặt không cho người nào tới gần thì người em uất ức cao độ, liền đâm đầu vào cây nhân cổ thụ mà chết. Hôm ấy là ngày mồng 6 tháng Chạp. Nay có sắc phong mỹ tự Chiêu Điều Vương là phong cho em của ông vậy.
Từ đó ngăn được dòng sông và bệnh của vua cũng theo đó mà khỏi. Nhân vì thế vua cho lập miếu thờ tại chỗ ông hóa, ban sắc phong là Phúc thẩn, phong chức tước cho con cháu. Người thân thuộc của ông đều dời đến cư trú tại phường Tích Ma (nay là phường Yên Thái) để giữ lăng tẩm. Đến nay con cháu họ Vũ trong phường đều là dòng dõi của ông Vũ Phục. Đền thờ của ông tại huyện Quảng Đức, giáp với góc của thành Thăng Long (Năm Đinh Mùi niên hiệu Thiên Phù Thánh Thọ (1127), mới dựng miếu tưởng nhớ việc thờ cúng, ngang với niên hiệu Tĩnh Khang năm thứ 2 đời Tống Khâm Tông nhà Tống). Dân tạo lệ hai phường Yên Thái và Bái Ân thờ cúng, đến nay trải hơn 600 năm nhưng hương khói không lúc nào dừng; linh ứng tỏ rõ, công thần thật rộng, đức thần thật sâu, mãi mãi kì diệu cao siêu. Lễ vật đầy đủ, nghi thức thịnh dày, quốc tế dài lâu. Nay ở ngõ Hương Du, xã Minh Cảo vẫn còn nền cũ.
Lại nói, em gái của thần (tức ông Vũ Phục) đến tuổi trưởng thành thì dung mạo rất đẹp nhưng không lấy chồng, chỉ thích ngao du thiên hạ. Khi đến lộ Hải Dương thì mất (tức ngày 15 tháng Bảy), hiển thánh ở xã Phú Đăng, huyện Đường Hào. Xã này thờ bà làm bản thổ Phúc thần, tức nay là đệ tam nương. Vua phong mỹ tự cho bà là Quảng Tiên dung Ngọc nữ, sắc Không kim Quan quản Bộ chúng, ban tên hiệu là Vũ Thị Quế Hoa, vinh phong là Hương minh Diệu đức công chúa (xét thấy họ Vũ là một nhà có hai người là Đại Vương, hai người là công chúa. Mãi mãi được truyền tụng, bốn mùa hương khói, từ xưa đến nay chưa từng ai được như vậy).
---