LeVanLoi miscellaneous articles

  1. Trang chủ
  2. Lưu
  3. Thẻ
  4. Hỏi - Đáp

 
 
LeVanLoi'log, ⌚ 2021-10-30
***
Ông ngoại Bế Chấn Hưng
Tác giả: Lê Văn Lợi

Ảnh: nguồn từ bác Bế Trường Thành
Chú Lợi dùng phần mềm Sketch để vẽ phác họa từ ảnh gốc

-

Nhân 102 năm (30/10/1919 – 30/10/2021) ngày sinh của Ông ngoại Bế Chấn Hưng, chú Lợi ghi chép một vài cảm nghĩ, thân gửi đến các thành viên trong gia đình và bạn hữu.

-

Danh xưng Ông ngoại, là cách gọi của bạn Lê Hoàng Đức. Đây là cách xưng hô phổ biến của người Việt: vừa tôn kính vừa gần gũi thân thiết – cha mẹ thay con xưng với bậc sinh thành. Cả chú Lợi và bạn Lê Hoàng Đức đều không được gặp mặt Ông ngoại. Chú Lợi quen cô Vân vào năm 1990-1991, và Ông ngoại mất vào năm 1988 (16/08/1988 DL – 5/7/ năm Mậu Thìn). Bạn Lê Hoàng Đức sinh năm 1993.

-

Chú Lợi viết mấy dòng theo cảm nhận qua các câu chuyện của Bà ngoại, của bác Thành, bác Thân, bác Oanh, bác Yến, của bác Toàn, bác Máy, … và của nhiều người nữa. Vì ghi theo lời kể nên nhiều chi tiết có thể không chính xác – mong người đọc vui lòng “bỏ qua” 😊.

-

Khi vào nhà bác Thành, bác Thân, bước lên phòng khách tầng một, bạn hãy nhìn sang trái. Bác Thành treo một tấm ảnh rất trang trọng. Ảnh có nhiều nhân vật lão thành cách mạng ở Khu tự trị Việt Bắc, có Ông ngoại Bế Chấn Hưng và đặc biệt là có sự hiển diện của Bác Hồ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Điều đó ai cũng biết. Tấm ảnh là một minh chứng rằng Ông ngoại thuộc vào bậc “khai quốc công thần” của chế độ chúng ta đang sống. Rất vinh dự và tự hào!

-

Ông ngoại sinh vào ngày 30 tháng 10 năm 1919, âm lịch là ngày 7 tháng 9 năm Kỷ Mùi tại xã Thụy Hùng, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Tên khai sinh của Ông là Bế Hữu Khiên. Chúng ta biết rằng Ông sinh ra trong thời kỳ các nhân sỹ Việt Nam đang mày mò đi tìm đường cứu nước. Việt Nam lúc đó là thuộc địa của Pháp. Trước đó, cụ Phan Bội Châu tìm đường sang Nhật với phong trào Đông Du. Cụ Phan Chu Trinh phát động phong trào chấn hưng người Việt với khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Sự kiện gắn liền với năm sinh của Ông ngoại, để cho dễ nhớ, chúng ta chú ý đến ngày 19 tháng 6 năm 1919, Phan Chu Trinh cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ) soạn bản "Yêu sách của nhân dân An Nam" gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là "Nguyễn Ái Quốc", và đã gây được tiếng vang.

-

Mốc tiếp theo mà chúng ta cần nhớ đó là năm 1945. Năm đó Việt Nam giành được độc lập, hẳn nhiên rồi, vì vậy nên mốc năm 1945 liên quan đến tất cả người dân Việt Nam. Cái mà chúng ta cần nhớ liên quan đến Ông ngoại, đó là năm mà Ông được kết nạp vào Đảng (lúc đó là Đảng Cộng sản Đông Dương).

Đi làm cách mạng lúc đó không phải là để làm quan. Đi làm cách mạng lúc đó là để cống hiến, là hy sinh cho dân tộc, cho cộng đồng. Đi làm cách mạng để “bảo tồn sông núi”, theo tiếng gọi của “dòng máu Lạc Hồng”. Chú Lợi chép ra đây lời bài hát “Đoàn Vệ Quốc Quân (1945)” của tác giả Phan Huỳnh Điểu:

~

Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi

Nào có sá chi đâu ngày trở về

Ra đi ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi ra đi thà chết chớ lui

 

Cờ bay phất phới ngời màu Lạc Hồng

Kèn reo vang tiếng gọi dòng Lạc Hồng

Cùng … Vệ Quốc Quân

Ra đi ra đi theo hồn sông núi

Thù bao năm xưa có bao giờ nguôi

Dưới cờ oai nghiêm sao vàng bay

Là Đoàn quân Việt Nam có hay

Ngày xưa biết bao vị hùng anh

Quyết vì non sông ra tay bao lần

Ngày nay đoàn quân ta gắng làm sao

Giành quyền tự do hạnh phúc cho dân!

 

Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi

Dù có gian nguy nhưng lòng không nề

Ra đi ra đi bảo tồn sông núi

Ra đi ra đi thà chết chớ lui…

Cờ bay phất phới ngời màu Lạc Hồng

Kèn reo vang tiếng gọi dòng Lạc Hồng

Cùng … Vệ Quốc Quân

~

Mốc tiếp theo là 10 năm từ năm 1945 đến 1955. Lúc này Ông ngoại lấy bí danh là Bế Chấn Biên. Để cho dễ, chúng ta chỉ cần lưu lại trong bộ nhớ các điểm sau:

Nhiệm vụ chính:        xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ; củng cố và phát triển vững chắc phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc.

Địa bàn hoạt động:    Quảng Ninh (lúc đó có tên là Hải Ninh) và Lạng Sơn.

Các chức vụ chính:    Ủy viên Việt Minh tại Quảng Ninh, Bí thư Huyện ủy Thoát Lãng, BCH Tỉnh Đảng bộ Lạng Sơn (phụ trách Kiểm tra Đảng), Trưởng Ban Công tác đường số 4 trong Chiến dịch Biên giới, Phó Binh trạm trưởng Binh trạm Biên giới.

~

Tuổi của Ông ngoại trong giai đoạn này là bao nhiêu? Từ 26 đến 36 tuổi! Những nhà cách mạng tiền bối đều giữ các trọng trách của quốc gia lúc họ còn rất trẻ.

-

Mốc tiếp theo là thời kỳ 20 năm từ 1956 đến 1976: Ông ngoại liên tục giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, trong đó có 7 năm kiêm Bí thư Tỉnh ủy.

Cuối năm 1976, sáp nhập tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng. Lúc này Ông ngoại là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cao Lạng.

-

Tháng 2 năm 1979, Trung Quốc tấn công Việt Nam qua sáu tỉnh biên giới phía Bắc. Ông ngoại cùng cả gia đình phải tản cư về Hà Nội. Đây là một mốc thời gian đáng buồn, không chỉ riêng đối với Ông ngoại mà còn cho cả dân tộc Việt Nam. Bạn và Thù. Đối với từng cá nhân và từng gia đình, làm thế nào để phân biệt? Đối với tương lai của một dân tộc, chiến lược nào để sống một cách bền vững bên cạnh một kẻ hàng xóm hung hãn, lúc nào cũng đòi lấn chiếm và dọa nạt? Hơn ai hết, Ông ngoại có lẽ rất “thấm” và hiểu điều đó. Nhưng sự kiện lịch sử đã xảy ra như thế, nào ai có thể thay đổi được.

-

Ông ngoại mất tại Hà Nội vào ngày 5 tháng 7 năm Mậu Thìn – tức ngày 16 tháng 8 năm 1988 dương lịch. Ông mất vì bị bệnh hiểm nghèo, nan y: ưng thư đại tràng. Ông ngoại được Nhà nước tổ chức lễ an táng rất trang trọng đưa thi hài từ Hà Nội lên thẳng Lạng Sơn.

Ông ngoại được tặng thưởng nhiều huân chương, nhưng đáng chú ý nhất là được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 2011.

-

Nhìn lại sự nghiệp của Ông ngoại, chỉ riêng việc Ông đứng đầu chính quyền địa phương, tỉnh Lạng Sơn, trong suốt 20 năm (1956-1976) thì có lẽ sau này khó ai có thể sánh kịp.

Chúng ta biết rằng Bác Hồ đã trở về Cao Bằng vào năm 1941, lập căn cứ cách mạng để tiến tới giành được độc lập vào năm 1945. Rồi sau khi thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam, chính quyền non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng lấy Việt Bắc làm căn cứ địa để kháng chiến. Tất cả đều gắn liền với đồng bào dân tộc ít người. Ông ngoại góp phần trong đó. Như vậy, có thể nói Ông ngoại đã ghi một dấu ấn đậm nét, ít nhất là đối với quê hương Lạng Sơn, trong thuở ban đầu của cách mạng. Chắc chắn Ông ngoại sẽ được ghi vào bảng vàng lịch sử của Lạng Sơn. Và đó, theo chú Lợi, là sự ghi danh, là sự thừa nhận cao quý nhất cho sự nghiệp của Ông ngoại.

-

Bây giờ chúng ta nói đến một khái niệm mang tính tâm linh hơn, không có căn cứ hoặc bằng chứng khoa học, nhưng thường được người Việt rất quan tâm, đó là Phúc Đức để lại cho đời sau. Phúc là gì và Đức là gì? Trong tiếng Việt, Phúc chỉ sự phồn thịnh, phong phú, sung túc, giàu có; Đức chỉ về nhân hậu, lương thiện, lẽ phải, đạo đức, thiện tâm, … Theo giáo lý luân hồi của Đạo Phật, đời trước ăn ở nhân đức thì để lại Phúc Đức cho đời sau.

Chúng ta cùng chiêm nghiệm. Tất cả các con của Ông ngoại đều có đời sống gia đình hạnh phúc. (Mở ngoặc: tính cho đến thời điểm hiện nay. 😊) Theo chú Lợi, cũng cần quan niệm rằng một cuộc sống hạnh phúc là sự viên mãn của người trong cuộc, chứ không hẳn nhìn từ bên ngoài vào. Thành công, nổi tiếng, giàu có chưa hẳn là hạnh phúc đâu. Các trường hợp như vậy có rất nhiều, chú Lợi khỏi phải kể ra nhé. 😊

Và hơn nữa, chúng ta cũng có thể “khoe”. Bác Bế Trường Thành, con trai cả của Ông ngoại, giữ chức Thứ trưởng từ năm 1997 đến năm 2011. Chức này tương đương cấp bậc Thượng thư thời xưa. Cũng rất đáng tự hào chứ! (Mở ngoặc thêm: đó là chưa kể đến bác Yến, cô Vân giữ chức cấp Vụ trưởng, Vụ phó).

Trong thế hệ thứ ba, bậc cháu của Ông ngoại, chú Lợi thấy tất cả các bạn đều hòa nhập vào nhịp sống hiện đại, thích nghi tốt với phong cách hội nhập đa quốc gia, xuyên biên giới – điển hình như bạn Nghiêm Hoàng Nam, Bế Hoàng Mai.

-

Để kết thúc, chú Lợi xin kể một đoạn hội thoại trong một bữa ăn tối gia đình.

Đang ăn, bạn Lê Hoàng Đức tự nhiên nói:

- Ba lấy được Mẹ, hồi xưa có thể coi là cổ tích.

- Sao thế? - Chú Lợi hỏi.

- Vì Ba là con ngư dân nghèo ở Quảng Bình, lại lấy được Mẹ là con quan Tri phủ ở Lạng Sơn, thế chả cổ tích là gì!

Ngẫm, chú Lợi thấy cũng đúng. 😊

---